Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

 Biểu tượng nặng bằng thóc, bằng than

Thái Bình dự định chi gần 300 tỉ đồng xây tòa tháp 25 tầng, cao hơn 126m, với kì vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng của tỉnh (chưa rõ ý nghĩa thế nào, phải chăng là biểu tượng của một điển hình về thành tích trồng lúa trong những năm chiến tranh đã đi vào bài ca "Chị hai năm tấn"?).

Mô hình Tháp Thái Bình

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công xây dựng một dự án công trình biểu tượng mang tên Cổng tỉnh có giá 198 tỉ đồng. Theo lời một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong lễ khởi công: "Đây là công trình văn hóa ấn tượng, đặc biệt, khác biệt, hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Ninh, tâm linh non thiêng Yên Tử, kì quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long". Nếu không có lời dẫn như vậy, có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa vô cùng sâu sắc của biểu tượng này khi nhìn ngắm công trình!
Sau này, nếu tỉnh Thái Bình hoàn thành dự án tòa tháp trên cũng nên học Quảng Ninh, cần có một bài luận để người dân thấy hết ý nghĩa nhân sinh, nhân văn và truyền thống khi đến ngắm nhìn công trình.
Giá thóc hiện tại vào khoảng 6 triệu đồng/tấn. Tính ra tháp biểu tượng của Thái Bình có giá chừng 50 nghìn tấn thóc.
Giá than có nhiều loại, cứ tạm tính bình quân chừng 120USD/tấn (khoảng 2.700.000 đồng) thì Cổng tỉnh Quảng Ninh cũng tương đương 72.000 tấn than.
Cổng tỉnh Quảng Ninh mới khởi công

Ví von như vậy bởi đó là hai sản phẩm đặc trưng và cũng là thế mạnh của 2 tỉnh này. Dẫu nguồn vốn huy động xây dựng các công trình biểu tượng có thể không hẳn là ngân sách nhà nước mà từ xã hội hóa hoặc đầu tư công - tư… thì đó vẫn là nguồn lực của xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế cả nước đang còn nhiều khó khăn, chúng ta vừa bước khỏi ngưỡng cửa một nước nghèo, đang phải đi vay nước ngoài cho đầu tư thì sử dụng nguồn lực như thế nào là điều cực kì quan trọng, nó sẽ quyết định cho tương lai của nền kinh tế. Khi sử dụng nguồn lực phung phí, kém hiệu quả thì tương lai con cháu chúng ta sẽ phải nai lưng ra trả nợ là điều chắc chắn.
Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn 15.340 hộ nghèo và 10.586 hộ cận nghèo (theo Báo điện tử Quảng Ninh ngày 5/4/2016). Còn theo Chuyên trang xây dựng nông thôn mới, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình ngày 23/12/2016, trong báo cáo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, toàn tỉnh Thái Bình hiện còn 28.747 hộ nghèo và 21.660 hộ cận nghèo. Như vậy hai tỉnh này còn rất nhiều việc phải làm, để giảm bớt số hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mỗi tấn than được khai thác ra đều thấm đẫm mồ hôi của những người thợ mỏ đang ngày ngày vất vả làm việc trong môi trường độc hại. Mỗi hạt thóc cũng mặn mòi vị chát mồ hôi của người nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng. Khi sử dụng thành quả, sản phẩm lao động đôi khi ta bỗng quên đi những kết tinh trong đó là sự nhọc nhằn của người lao động.
Và, khi người dân không còn chật vật trong cảnh nghèo khó thì mới có tâm trạng, niềm vui để ngẩng lên ngắm nhìn những biểu tượng giá trị bằng hàng nghìn tấn than, hàng vạn tấn thóc như trên.
Đinh Hoàng
Bài đăng trên báo Ngày mới online
(Báo Điện tử của TW Hội người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét