Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Bán hàng đa cấp: Hiểu đúng và quản chặt

Trong vài năm gần đây, bán hàng đa cấp thường xuyên được báo chí nhắc đến bởi những “lùm xùm” tranh chấp và có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, lượng người tham gia vào lĩnh vực này không những không giảm, mà đang tăng theo cấp số nhân. Cùng với đó là rất nhiều nạn nhân đang ngậm trái đắng! Mức độ ảnh hưởng của hoạt động đa cấp đã lan tỏa khắp cả nước, gây nhiều bức xúc dư luận. Tại kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV lần này, vấn đề kinh doanh đa cấp được đề xuất đưa vào Bộ luật Hình sự và có những ý kiến thảo luận trái chiều.


Trụ sở hoành tráng của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vừa bị chấm dứt hoạt động
Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam), hay kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (network marketing) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không phải qua các đại lí hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa… Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.
Trong Nghị định số 42 năm 2014 của Chính phủ về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp, tại điểm 2, Điều 3 giải thích cụ thể: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Chất lượng sản phẩm quyết định sự tồn tại lâu dài của một công ty kinh doanh đa cấp chân chính (sản phẩm được lan truyền từ người này đến người khác, nên nếu chất lượng không tốt thì sẽ không có sức lan truyền); là sản phẩm cần thiết cho hầu hết người tiêu dùng và được sử dụng thường xuyên.
Trong những năm đầu thế kỉ XX, thế giới đã có nhiều công ty đa cấp ra đời. Đến những năm cuối thế kỉ XX đã trải qua 3 giai đoạn phát triển và từ đầu thế kỉ XXI đa cấp thâm nhập vào nước ta. Nếu cuối năm 2004, tại Việt Nam mới có khoảng 20 công ty bán hàng đa cấp, thì đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp được cấp giấy đăng kí tổ chức bán hàng đa cấp (chủ yếu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) với khoảng hơn 1 triệu người tham gia.
Tuy có những tranh cãi ngay từ những năm đầu mới ra đời, song không thể phủ nhận mặt tích cực của một loại hình kinh doanh có tính linh hoạt.
Điều đáng quan tâm là kinh doanh đa cấp tại Việt Nam ngay từ đầu hầu hết đã không đúng với bản chất của hoạt động này. Để vận động, doanh nghiệp đưa ra những hứa hẹn về số tiền sẽ kiếm được khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Tiền mà người tham gia được hưởng không chỉ có hoa hồng bán hàng mà còn là tỉ lệ % số tiền mà họ lôi kéo được người khác nộp cho công ty. Doanh nghiệp sử dụng những chuyên gia tuyên truyền có tài vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng, dùng vài tấm gương (không ai biết có thật hay không) “giàu sụ” nhờ vào bán hàng đa cấp làm những “con mồi”.


Đối tượng Lê Xuân Giang và Nguyễn Thị Thủy (Công ty Liên kết Việt) bị khởi tố điều tra.
Hầu hết các công ty kinh doanh đa cấp khi kí hợp đồng tham gia mạng lưới đều ràng buộc người tham gia bằng việc mua sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với giá rất cao, thậm chí phải nộp nhiều tiền để tham gia hệ thống. Chính vì vậy, khi người tham gia “ôm hàng” không thể bán ra thị trường, phải tự sử dụng. Với những hàng hóa mới lạ, ít thông dụng trên thị trường như máy ô zôn, thực phẩm chức năng, gói chăm sóc sức khỏe… thì người tham gia hầu như “mù tịt” về giá cả, “lơ mơ” về công dụng, chỉ biết nghe theo lời quảng cáo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp gây khó khăn, thậm chí từ chối nhận lại hàng hóa, dịch vụ khi người tham gia không tiêu thụ được. Và khi đã nộp tiền cho công ty đa cấp thì rất khó khăn để có thể rút ra mà không bị thiệt hại. Câu chuyện của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hiện nay là một minh chứng sống động nhất. Sau khi bị Bộ Công Thương quyết định chấm dứt hoạt động, nhiều người đến xin rút khỏi hệ thống hòng lấy lại tiền đều gặp rất nhiều khó khăn, bị khất lần và cũng chưa có thông tin người rút được vốn ra mà không bị thiệt hại.
Hành lang pháp lí về kinh doanh đa cấp ở nước ta đã dần hình thành từ sớm, gồm: Luật Cạnh tranh năm 2005 (có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp); Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp; Nghị Định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động bán hàng đa cấp và quản lí hoạt động bán hàng đa cấp. Như vậy, hệ thống công cụ pháp lí của ta cơ bản đủ để quản lí hoạt động kinh doanh đa cấp.
Ý kiến đề xuất đưa “tội lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp” vào Bộ luật Hình sự thực ra không cần thiết. Việc cần làm chỉ là từ những hành vi lừa đảo tinh vi của hoạt động kinh doanh đa cấp nên bổ sung đầy đủ khái niệm lừa đảo trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn buộc người tham gia phải mua hàng hóa, dịch vụ với giá không đúng, giá quá cao, huy động vốn trái phép (nộp tiền để tham gia hệ thống) v.v… Những nội dung này đã được quy định rất cụ thể tại danh mục 18 hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Điều 5, Nghị định số 42 nêu trên.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ là thứ hoàn toàn có thể thẩm định, kiểm tra nhưng sao người dân vẫn phải mua với giá phi lí, đó có giống hành vi gian lận thương mại? Nộp tiền vào hệ thống, nhưng khi muốn lấy lại luôn bị thoái thác, gây khó khăn, đó khác gì hành vi lừa đảo? Có lẽ cái thiếu nhất trong quản lí bán hàng đa cấp hiện nay là chính sự quyết liệt của cơ quan quản lí chức năng.


Nguyễn Thế Anh “trùm” Công ty đa cấp Phúc Gia Bảo 868
Nhiều năm qua, những chiêu trò dụ dỗ người dân tham gia kinh doanh đa cấp, chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả lại quyền lợi hợp pháp của thành viên bị báo chí phanh phui, song hầu như không thấy các cơ quan quản lí vào cuộc giải quyết một cách rốt ráo. Chỉ một vài công ty đa cấp lừa đảo quá rõ ràng mới bị cơ quan công an điều tra như Liên kết Việt, Phúc Gia Bảo 868, Công ty đa cấp MLM,…
Người dân trông đợi nhất lúc này không chỉ là những quy định, điều luật trong xử lí hoạt động đa cấp biến tướng. Cái quan trọng là sự vào cuộc thực sự, quyết liệt của các ngành Công Thương, Công an. Đừng để những công ty đa cấp trá hình thỏa sức lừa đảo người dân, thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng của người dân như những năm qua.
Đinh Hoàng
Bài đã đăng trên báo điện tử ngaymoionline.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét