Khối nợ xấu… đạo đức!
Một thông tin gây
"choáng" cho không ít người, đó là khối nợ xấu các ngân hàng thương
mại có thể làm được 3 sân bay cỡ như Long Thành mà Quốc hội đang tìm nguồn
vốn đầu tư, hoặc ví như nó có thể bằng tổng vốn pháp định của nhiều ngân hàng
lớn cộng lại.
Cứ ngỡ ngành ngân hàng những
năm qua lập nhiều thành tích, hóa ra chưa hẳn vậy vì họ đã để lại khoản nợ
"kếch xù" cho đất nước!
Ai cũng biết, vay được đồng
vốn ngân hàng thương mại để kinh doanh, làm ăn không hề dễ dàng. Người dân
nông thôn chỉ vay chừng dăm ba chục triệu là đã phải thế chấp gia sản lớn
nhất là căn nhà, nơi an cư của cả gia đình. Ấy vậy nhưng vay được vẫn là may
mắn. Khi làm ăn thất bát không trả nợ đúng hạn thì ngôi nhà khó giữ lại được
dù khoản nợ chỉ bằng một phần ít trong khối tài sản của mình. Ngân hàng luôn
ở thế "nắm chuôi" với những "con nợ" nhỏ.
Vậy vì sao ngân hàng lại tồn
tại món nợ xấu "khủng" như vậy? Phải chăng đội ngũ cán bộ ngành này
năng lực yếu kém nên bị con nợ "lừa" và "xù"? Điều này
cũng có thể nhưng không thể là phổ biến bởi đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân
hàng ngày nay được tuyển chọn kĩ lưỡng, chặt chẽ, là những người được đào tạo
bài bản, chuyên sâu.
Đằng sau món nợ xấu của mỗi
ngân hàng là một dấu hỏi lớn về trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo. Lãnh đạo
mỗi ngân hàng luôn ý thức được đâu là lĩnh vực đầu tư an toàn, đâu là nơi rủi
ro. Khi ngân hàng cho vay một khoản tiền lớn vào lĩnh vực rủi ro cao thì
người dân có quyền nghi ngờ về động cơ của người ra quyết định như vậy.
Con
số nợ xấu nghe đã "choáng" nhưng người dân còn "choáng"
hơn khi nghe đại biểu Nguyễn Văn Thắng, đoàn đại biểu TP Hà Nội, đồng thời là
Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết tại diễn đàn Quốc hội: “Trong 600.000 tỉ
đồng nợ xấu có tới 90% là tiền của dân, 10% là của ngân hàng”!
Một
lãnh đạo của ngân hàng lớn đưa thông tin trên ra công luận lúc này là có ý
gì? Một khi tiền người dân gửi gắm vào ngân hàng là đã ủy thác niềm tin vào
họ, tiền lúc này không thể phân định "tiền tôi, tiền anh" được, nó
phải gắn liền một khối trách nhiệm của mỗi ngân hàng.
Chặng
đường xử lí khối nợ xấu sẽ không hề nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng. Cùng
với đó phải là quá trình rà soát trách nhiệm, "tái cơ cấu" lại đội
ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của từng ngân hàng. Không thể
gộp khối nợ xấu 600 nghìn tỉ để đòi hỏi nhanh chóng xử lí xong ngày một ngày
hai. Cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần làm
việc để xác định rõ những khoản nợ xấu của từng ngân hàng. Trên cơ sở đó mới
có thể đưa ra giải pháp xử lí cụ thể, đúng đắn và hiệu quả.
Tỉ
lệ 90% tiền dân nói trên không thể là "tấm áo giáp" bảo vệ ngân
hàng và người gửi tiền không thể là con tin.
Chúng
ta đều biết, ngành ngân hàng tồn tại và phát triển được phải trên cơ sở niềm
tin của Nhân dân. Khi mất nó, ngân hàng sẽ sụp đổ!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo
Ngày mới online ngày 8/6/2017
|
Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017
Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017
Trục lợi bằng… kết hợp!
Có lẽ không một hình thức kết hợp nào lại
mang lại lợi nhuận khổng lồ như việc khắc phục, thông luồng bảo đảm giao
thông đường sông. Đó là việc nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu cát, sỏi tại
các dòng sông hiện nay. Cũng vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thuê xã
hội đen ra tay với những ai có hành động ngăn trở việc nạo vét sông của họ.
Mọi
người đều biết cát, sỏi… dùng làm vật liệu xây dựng cũng là nguồn tài nguyên,
khoáng sản không thể tái tạo của quốc gia. Không hiểu sao nguồn tài nguyên
quý giá này nhiều năm qua lại bị các cơ quan có trách nhiệm “bỏ quên”, hầu
hết doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên các sông chỉ là “nạo vét và tận
thu”! Theo cách hiểu chung của cơ quan quản lí nhà nước, cũng như các doanh
nghiệp được giao “nạo vét” thì đây là việc bảo đảm an toàn luồng lạch cho
hoạt động giao thông đường thủy. Mục đích chính là luồng sông thông thoáng,
còn sản phẩm phụ được “tận thu” là cát, sỏi để khỏi lãng phí. Vì là sản phẩm
phụ, sản phẩm “tận thu” nên pháp luật cũng nhẹ tay với doanh nghiệp nạo vét
sông, thông luồng lạch. Họ chẳng cần tuân thủ luật pháp như các doanh nghiệp khai
khoáng sản khác, có quyền được “quên” thuế môi trường, thuế tài nguyên và các
loại thuế hay nghĩa vụ khác. Cơ quan có “quyền sinh quyền sát” hoạt động khai
thác tài nguyên này lại là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chứ không phải Bộ Tài
nguyên và Môi trường (TN&MT) hay chính quyền địa phương nơi có dòng sông
chảy qua!
Tác
giả viết bài này sinh ra tại một làng ven đê đoạn cuối sông Cầu, từ những năm
70 thế kỉ trước đến nay chưa hề được chứng kiến ca nô, sà lan,…đi qua đây bị
mắc cạn vì luồng sông. Lí do đơn giản vì đây là đoạn hạ lưu, dòng sông rất
sâu, phương tiện “có muốn” cũng chẳng thể mắc cạn. Ấy vậy mà mấy năm gần đây
hoạt động “nạo vét để thông luồng” diễn ra cấp tập, với nhiều tàu hút cát làm
việc suốt ngày đêm. Phía bờ đối diện là thôn Thắng Lợi, xã Thắng Cương (huyện
Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) người dân từng phải nhiều đêm thức trắng, dùng gạch
đá, chai lọ “chiến đấu” với “cát tặc” để cứu ruộng vườn, nhà cửa trước nguy
cơ bị dòng sông “gặm, nuốt”. Có lẽ đây cũng là thực trạng chung của những
dòng sông trên cả nước đang sở hữu trong lòng mình nguồn tài nguyên cát sỏi.
Phải
chăng sự “khập khiễng” trong công tác quản lí đã tạo ra một “lỗ hổng” tạo
thuận lợi cho những kẻ trục lợi. “Lỗ hổng” này đã đến giai đoạn phát lộ, khi
mà các dòng sông đã bị hút kiệt, khiến bờ bãi, đê điều bị sạt lở nghiêm trọng
và nhiều nơi dân cư mất trắng ruộng vườn, nhà cửa.
Đã
đến lúc cần chấm dứt hình thức nạo vét kết hợp tận thu cát tại các dòng sông.
Để
bảo đảm an toàn tại các trục giao thông đường sông, Bộ GTVT cần phối hợp với
các địa phương khảo sát chính xác hệ thống luồng lạch xem đâu là khu vực thực
sự cần nạo vét. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất Bộ TN&MT khi cấp phép cho
doanh nghiệp kết hợp nạo vét luồng lạch với khai thác cát, sỏi. Mọi hoạt động
khai thác kết hợp cũng cần có đánh giá tác động môi trường cụ thể, cùng việc
chấp hành nghĩa vụ của một doanh nghiệp khai khoáng.
Có
làm như vậy, nguồn tài nguyên của đất nước mới được khai thác đúng đắn và môi
trường sống của cộng đồng không bị đe dọa.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Ngày mới onlione
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)