Khối nợ xấu… đạo đức!
Một thông tin gây
"choáng" cho không ít người, đó là khối nợ xấu các ngân hàng thương
mại có thể làm được 3 sân bay cỡ như Long Thành mà Quốc hội đang tìm nguồn
vốn đầu tư, hoặc ví như nó có thể bằng tổng vốn pháp định của nhiều ngân hàng
lớn cộng lại.
Cứ ngỡ ngành ngân hàng những
năm qua lập nhiều thành tích, hóa ra chưa hẳn vậy vì họ đã để lại khoản nợ
"kếch xù" cho đất nước!
Ai cũng biết, vay được đồng
vốn ngân hàng thương mại để kinh doanh, làm ăn không hề dễ dàng. Người dân
nông thôn chỉ vay chừng dăm ba chục triệu là đã phải thế chấp gia sản lớn
nhất là căn nhà, nơi an cư của cả gia đình. Ấy vậy nhưng vay được vẫn là may
mắn. Khi làm ăn thất bát không trả nợ đúng hạn thì ngôi nhà khó giữ lại được
dù khoản nợ chỉ bằng một phần ít trong khối tài sản của mình. Ngân hàng luôn
ở thế "nắm chuôi" với những "con nợ" nhỏ.
Vậy vì sao ngân hàng lại tồn
tại món nợ xấu "khủng" như vậy? Phải chăng đội ngũ cán bộ ngành này
năng lực yếu kém nên bị con nợ "lừa" và "xù"? Điều này
cũng có thể nhưng không thể là phổ biến bởi đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân
hàng ngày nay được tuyển chọn kĩ lưỡng, chặt chẽ, là những người được đào tạo
bài bản, chuyên sâu.
Đằng sau món nợ xấu của mỗi
ngân hàng là một dấu hỏi lớn về trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo. Lãnh đạo
mỗi ngân hàng luôn ý thức được đâu là lĩnh vực đầu tư an toàn, đâu là nơi rủi
ro. Khi ngân hàng cho vay một khoản tiền lớn vào lĩnh vực rủi ro cao thì
người dân có quyền nghi ngờ về động cơ của người ra quyết định như vậy.
Con
số nợ xấu nghe đã "choáng" nhưng người dân còn "choáng"
hơn khi nghe đại biểu Nguyễn Văn Thắng, đoàn đại biểu TP Hà Nội, đồng thời là
Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết tại diễn đàn Quốc hội: “Trong 600.000 tỉ
đồng nợ xấu có tới 90% là tiền của dân, 10% là của ngân hàng”!
Một
lãnh đạo của ngân hàng lớn đưa thông tin trên ra công luận lúc này là có ý
gì? Một khi tiền người dân gửi gắm vào ngân hàng là đã ủy thác niềm tin vào
họ, tiền lúc này không thể phân định "tiền tôi, tiền anh" được, nó
phải gắn liền một khối trách nhiệm của mỗi ngân hàng.
Chặng
đường xử lí khối nợ xấu sẽ không hề nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng. Cùng
với đó phải là quá trình rà soát trách nhiệm, "tái cơ cấu" lại đội
ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của từng ngân hàng. Không thể
gộp khối nợ xấu 600 nghìn tỉ để đòi hỏi nhanh chóng xử lí xong ngày một ngày
hai. Cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần làm
việc để xác định rõ những khoản nợ xấu của từng ngân hàng. Trên cơ sở đó mới
có thể đưa ra giải pháp xử lí cụ thể, đúng đắn và hiệu quả.
Tỉ
lệ 90% tiền dân nói trên không thể là "tấm áo giáp" bảo vệ ngân
hàng và người gửi tiền không thể là con tin.
Chúng
ta đều biết, ngành ngân hàng tồn tại và phát triển được phải trên cơ sở niềm
tin của Nhân dân. Khi mất nó, ngân hàng sẽ sụp đổ!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo
Ngày mới online ngày 8/6/2017
|
Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét