Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Bất cập luật pháp

 

 Nhà trên không trung!

Nói như vậy sẽ chẳng ai tin vì hiện nay người ta chưa xây được nhà trên không trung.

Ai cũng biết, muốn xây một căn nhà thì cần có đất. Cá nhân muốn xây và sở hữu căn nhà thì cần có quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, người sở hữu căn nhà chung cư của ta có triển vọng sẽ chỉ được sở hữu căn nhà trên không trung vì không có quyền sở hữu đất ở!

Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng đề xuất cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn từ 50 - 70 năm thay vì thời hạn lâu dài như hiện nay. Đề xuất này khiến rất nhiều người dân sinh sống tại các khu chung cư hoặc có nhu cầu mua căn hộ hoang mang bởi sau 50 - 70 năm họ sẽ phải “ra đường”.


Đề xuất trên có lẽ vừa xuất phát từ thực tiễn, vừa căn cứ vào pháp luật khác liên quan.

Thực tiễn đang hiển hiện với hàng nghìn căn chung cư cũ nát “chờ sập” mà không thể cải tạo hay xây mới vì nhiều vướng mắc. Với quy định thời hạn như trên, cơ quan quản lí muốn không tái diễn tình trạng hàng vạn căn chung cư sập xệ tại đô thị trong tương lai. Khi đó không còn tranh chấp trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Quy định thời hạn sẽ dễ cho nhà quản lí thu hồi, xây dựng lại chung cư hết thời hạn sử dụng.

Còn tại Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 quy định, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện dự án được xem xét quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm và không quá 70 năm (đối với dự án lớn thu hồi vốn chậm hoặc đầu tư tại địa bàn kinh tế khó khăn). Chiểu theo điều luật này thì căn chung cư là nhà ở nhưng lại không có “đất ở” bởi đây là đất thuê có thời hạn.

Giá một căn chung cư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện có nơi còn đắt hơn mua đất xây nhà trong cùng khu vực, tuy nhiên người mua chung cư lại không được sở hữu đất đai lâu dài như nhà ở cá nhân. Thực tế thì họ đã phải bỏ tiền ra để mua quyền sử dụng đất thông qua chủ đầu tư và đất đó cũng là đất ở. Người ta không thể bỏ tiền ra để chỉ mua “khối bê tông” trên không trung!

Vấn đề cốt yếu đặt ra là sự công bằng giữa căn hộ chung cư và căn hộ không phải là chung cư. Chung cư cần có thời hạn để bảo đảm an toàn nhưng sao phải là 50 năm? Quá thời hạn đó mà căn nhà vẫn tốt, vẫn an toàn thì sao? Còn căn hộ cá nhân xây dựng liệu có cần quy định thời hạn để bảo đảm an toàn hay không? Tuổi thọ mỗi căn hộ phụ thuộc vào thiết kế kiến trúc, kĩ thuật, chất lượng thi công xây dựng và quá trình khai thác sử dụng của con người. Quy định thời hạn sử dụng phải căn cứ vào các yếu tố đó chứ không phải vì tên công trình là chung cư hay nhà ở riêng lẻ.

Và cuối cùng, mỗi người sở hữu một căn nhà ở (chung cư hay nhà riêng lẻ) không thể tách rời quyền sở hữu đất đai. Xây dựng pháp luật phải hướng tới sự công bằng và văn minh chứ không chỉ để… dễ quản lí./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25/5/2022

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Vì học sinh hay lợi nhuận?

 

Để các em được xài sang!?

Khi sự việc những “hạt sạn” trong một số bộ sách giáo khoa (SGK) như đã bị quên lãng thì mới đây NXB giáo dục công bố giá một số bộ SGK các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới áp dụng cho năm học 2022-2023 dư luận lại một lần xôn xao. Lần này sự bức xúc không phải vì “chất” mà là giá của các bộ SGK.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá các bộ sách mới được công bố cao hơn “đáng kể” so với sách cũ cùng loại. So sánh một cách cơ học với SGK hiện hành thì mức giá SGK mới cao hơn nhiều lần. Cụ thể, nếu bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách ngoại ngữ) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá SGK mới công bố gần 210.000 đồng/bộ. Tương tự, giá bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách ngoại ngữ) có giá bìa gần 120.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới (cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh) gần 210.000 - 255.000 đồng/bộ. Hoặc SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học giá 164.000 đồng/bộ. Bộ sách mới chưa tính môn ngoại ngữ đã khoảng trên dưới 300.000 đồng/bộ.


Lí giải sách mới giá tăng lên, Nhà xuất bản Giáo dục giải thích là bởi “giấy tốt, chống lóa, in đẹp, nhiều hình ảnh”. Vậy, có thể hiểu học sinh phải chi thêm hàng trăm nghìn đồng mua bộ sách giá gấp 2-3 lần chủ yếu là để “xài sang”, còn chất lượng nội dung - thứ quan trọng nhất thì không ai khẳng định có hơn hay không. Một điều nữa, Nhà xuất bản không “quên” xuất bản thêm các bộ vở bài tập để ác em làm bài trực tiếp trên đó, chắc cũng cần tiêu chí “giấy tốt, chống lóa, in đẹp, nhiều hình ảnh”!? Dù là những loại vở không bắt buộc nhưng rồi các vở bài tập cũng sẽ hội đủ trong cặp sách của các em!

Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp, ngành cũng hưởng ứng bằng nhiều kế hoạch, chương trình, mục tiêu thường xuyên với quyết tâm cao. Tuy nhiên hành động, việc làm nhằm thực hiện được mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa được cụ thể hoá được bao nhiêu. Chỉ đơn cử ngành giáo dục, mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi ra ước chừng hàng nghìn tỉ đồng (từ năm 2018 có đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số 1.000 tỉ đồng) để mua SGK mới. Ý kiến một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất sử dụng ổn định SGK trong một số năm luôn bị chìm trong im lặng. Những bộ SGK liên tục được điều chỉnh, thay đổi cần phải in mới với các lí do thường cũng… rất thuyết phục!

Tăng thêm dăm bảy chục nghìn cho một cuốn sách là chẳng đáng kể với các gia đình học sinh nơi thành phố, điạ phương kinh tế khá giả. Tuy nhiên phần đông các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo thì lại là vấn đề không nhỏ mà đây lại là những địa bàn cần quan tâm ưu tiên, hỗ trợ.

Cho các em học sinh được “xài sang” bằng những bộ sách vở đẹp cũng là điều đáng quý, song nhiều phụ huynh hoàn cảnh khó khăn có lẽ chưa mong muốn điều đó và họ cũng khó mà chạy theo “lòng tốt” của Nhà xuất bản!./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11/5/2022

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Bao giờ Hà Nội xứng tầm thanh lịch, văn minh?

 

“Ăn vặt”… vỉa hè

Một buổi tối đi qua đường Thanh Niên (thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội) tôi thấy hai bà (có lẽ là kinh doanh quà vặt) đang xua đuổi nhóm mấy người nước ngoài (tôi đoán vậy vì họ có màu da trắng, tóc vàng) buộc rời khỏi vị trí ghế đá ven hồ Tây. Do ngôn ngữ bất đồng nên các vị khách ngoại quốc cứ ngớ ra, không hiểu vì sao lại bị xua đuổi dù chẳng có lỗi gì! May có một thanh niên trẻ biết tiếng Anh xen vào giải thích, mấy vị “khách quý” mới há hốc miệng rồi lắc đầu, nhún vai bỏ đi. Có lẽ họ đã hiểu được rằng, vỉa hè là “lãnh địa” của mấy bà bán quà vặt, muốn ngồi thì phải chi tiền mua hàng!

Cách đây đã hơn hai chục năm tôi từng rơi vào tình huống như mấy vị khách nước ngoài trên khi đưa mấy đứa con ra hóng mát trên đường Thanh Niên. Lúc đó chưa có ghế đá, không biết có ai trải sẵn những manh chiếu cũ trên hè đường, mấy đứa con tôi vô tư “an tọa” rồi mở bim bim ra ăn. Chưa đầy 5 phút đã có một bà trung niên béo mập ra yêu cầu nộp tiền ngồi chiếu! Sau hồi tranh cãi, không muốn phiền phức, tôi đành trả tiền cho cho xong rồi đưa mấy đứa con về nhà trong lòng đầy ấm ức.

Đường Thanh Niên cách Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các cơ quan Trung ương… chưa đầy 1km. Đây có thể nói là trung tâm của trung tâm Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hoà bình mà khách nước ngoài khi tới thường ưu tiên ghé thăm. Vậy mà hành vi thiếu văn hoá như đang được “bảo tồn” đã tới hàng chục năm!


Có người đã từng đặt tên cho vỉa hè Hà Nội là nơi “ăn vặt” hàm ý cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nơi người ta chiếm dụng để kinh doanh nhỏ như bán quà sáng, hàng ăn phổ biến như phở, bún, trà lá…; nghĩa thâm ý sâu xa là sự đồng lõa của người quản lí địa bàn cho phép những sai phạm tồn tại để nhận được chút lợi ích từ những chủ nhân vi phạm.

Cách đây gần 10 năm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4641/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hoá thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đầu tiên đã nêu: “Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc... Cách đây gần 5 năm Hà Nội ban hành tiếp một quyết định về quy tắc ứng xử nơi công cộng với mục đích “Từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Rất nhiều quy định, giải pháp cùng quyết tâm của nhiều cấp, nhiều ngành đã và đang được thực hiện suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, có lẽ chưa có giải pháp xoá bỏ tệ “ăn vặt” vỉa hè nên mục tiêu để có một Thủ đô văn minh, thanh lịch sẽ vẫn chỉ là câu chuyện của thì… tương lai!./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 7/5/2022