“Ăn vặt”… vỉa hè Một buổi tối đi qua đường
Thanh Niên (thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội) tôi thấy hai bà (có lẽ là kinh
doanh quà vặt) đang xua đuổi nhóm mấy người nước ngoài (tôi đoán vậy vì họ có
màu da trắng, tóc vàng) buộc rời khỏi vị trí ghế đá ven hồ Tây. Do ngôn ngữ
bất đồng nên các vị khách ngoại quốc cứ ngớ ra, không hiểu vì sao lại bị xua
đuổi dù chẳng có lỗi gì! May có một thanh niên trẻ biết tiếng Anh xen vào
giải thích, mấy vị “khách quý” mới há hốc miệng rồi lắc đầu, nhún vai bỏ đi.
Có lẽ họ đã hiểu được rằng, vỉa hè là “lãnh địa” của mấy bà bán quà vặt, muốn
ngồi thì phải chi tiền mua hàng! Cách đây đã hơn hai chục
năm tôi từng rơi vào tình huống như mấy vị khách nước ngoài trên khi đưa mấy
đứa con ra hóng mát trên đường Thanh Niên. Lúc đó chưa có ghế đá, không biết
có ai trải sẵn những manh chiếu cũ trên hè đường, mấy đứa con tôi vô tư “an
tọa” rồi mở bim bim ra ăn. Chưa đầy 5 phút đã có một bà trung niên béo mập ra
yêu cầu nộp tiền ngồi chiếu! Sau hồi tranh cãi, không muốn phiền phức, tôi
đành trả tiền cho cho xong rồi đưa mấy đứa con về nhà trong lòng đầy ấm ức. Đường Thanh Niên cách
Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các cơ quan Trung ương… chưa đầy 1km. Đây có thể nói
là trung tâm của trung tâm Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hoà bình
mà khách nước ngoài khi tới thường ưu tiên ghé thăm. Vậy mà hành vi thiếu văn
hoá như đang được “bảo tồn” đã tới hàng chục năm! Có người đã từng đặt tên cho vỉa hè Hà Nội là nơi “ăn vặt” hàm ý cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nơi người ta chiếm dụng để kinh doanh nhỏ như bán quà sáng, hàng ăn phổ biến như phở, bún, trà lá…; nghĩa thâm ý sâu xa là sự đồng lõa của người quản lí địa bàn cho phép những sai phạm tồn tại để nhận được chút lợi ích từ những chủ nhân vi phạm. Cách đây gần 10 năm, UBND
thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4641/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch
phát triển văn hoá thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
mục tiêu đầu tiên đã nêu: “Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ
đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối
sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa
dạng về bản sắc dân tộc... Cách đây gần 5 năm Hà Nội ban hành tiếp một quyết
định về quy tắc ứng xử nơi công cộng với mục đích “Từng bước xây dựng, hình
thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của
cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành
phố văn minh, hiện đại; Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa
tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Rất nhiều quy định, giải
pháp cùng quyết tâm của nhiều cấp, nhiều ngành đã và đang được thực hiện suốt
nhiều năm qua. Tuy nhiên, có lẽ chưa có giải pháp xoá bỏ tệ “ăn vặt” vỉa hè
nên mục tiêu để có một Thủ đô văn minh, thanh lịch sẽ vẫn chỉ là câu chuyện
của thì… tương lai!./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 7/5/2022 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét