Biển số xe hay biển số người? Bộ Công an vừa ban
hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng
biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến,
đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và giới chuyên gia. Theo đó, một số biển
số đẹp sẽ được đưa ra đấu giá trực tuyến công khai. Khi đã đấu giá thành
công, chủ phương tiện được quyền giữ lại biển số ngay cả khi bán xe và dùng
để đăng kí cho một xe khác mang tên mình. Lâu nay chuyện “biển số đẹp” luôn “rơi” vào người giàu hoặc có mối quan hệ quyền chức khiến dư luận nghi ngờ khuất tất đằng sau việc cấp biển số phương tiện giao thông, dù được biết việc cấp thực hiện ngẫu nhiên, khách quan. Nếu thực hiện theo chủ trương này, các biển số đặc biệt (được cho là đẹp) sẽ được giữ lại và đấu giá công khai. Thực hiện như vậy sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”: Hạn chế tiêu cực trong cấp biển số phương tiện; tạo nguồn thu cho ngân sách từ việc đấu giá. Tuy nhiên, việc sở
hữu biển số xe "đi theo người" chứ không phải "đi theo
xe" như cách quản lí biển kiểm soát hiện tại cũng sẽ xảy ra những tình
huống cần lường trước và tính toàn kĩ. Bởi, khi thay đổi địa chỉ nơi thường
trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá cũng
không phải nộp lại biển số. Vậy giả sử nếu người ở Hà Nội, trúng đấu giá biển
số, chuyển vào TP Hồ Chí Minh và mua phương tiện tại đây và quyết định sử
dụng biển đã trúng đấu giá thì ai sẽ cấp quyền gắn biển số cho chiếc xe này?
Chẳng lẽ người có phương tiện lại phải ra Hà Nội đăng kí. Mỗi địa phương có
kho kí hiệu số riêng (ví dụ Hà Nội từ 29-33, TP Hồ Chí Minh từ 50-59, cùng
một số chữ cái). Một tình huống khác, nếu người có biển số xe đẹp nhưng chưa
mua xe, người khác biết biển số phương tiện cấp khống đó và tự làm biển giả
gắn vào xe của mình, lúc này người chủ sở hữu thật rất có thể gặp rắc rối nếu
phương tiện biển giả mạo liên quan vi phạm pháp luật hoặc gây tai nạn... Còn
nhiều tình huống phức tạp khác khả năng sẽ xảy ra gây hệ luỵ trong quản lí và
dân sinh. Như vậy, dù với mục
đích tốt đẹp như kể trên, việc cấp biển số phương tiện giao thông vẫn cần
tuân thủ nguyên tắc của pháp luật hiện hành, biển số ô tô, xe máy phải gắn
với cấp và sở hữu phương tiện. Việc cấp khống nếu được, chỉ nên trong một
thời gian ngắn. Việc cấp và coi biển số phương tiện như là biển số người tuy
có thể tạo sự hấp dẫn với người sở hữu và tăng giá trị nhưng dễ tạo tiền lệ
cho lĩnh vực khác. Quy định biển số cho phương tiện trước tiên và sau cùng
vẫn là nhằm quản lí phương tiện được chặt chẽ, hiệu quả. Mục đích hạn chế
tiêu cực và tạo nguồn thu chỉ là thứ yếu, không nên vì đó mà tạo nên những
phức tạp và hệ luỵ không mong muốn./. Bài đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày
29/4/2022 Đinh Hoàng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét