Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Không có bệnh thành tích

 

Vu oan một khái niệm

            Lâu nay câu chuyện “bệnh thành tích” luôn được nhiều người nhắc tới. Vậy thực sự có một “căn bệnh” mang tên thành tích hay không?

Thành tích có thể được hiểu, khi một chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu, định mức… do một cá nhân, một tổ chức đề ra, bằng sự phấn đấu, nỗ lực trong hoạt động thực tiễn đạt hoặc vượt mức, khi đó ta có thành tích đích thực. Còn theo từ điển tiếng Việt thì khái niệm này khá đơn giản, đó là “kết quả tốt đẹp do nỗ lực mà đạt được”.


Như vậy, thành tích không phải một căn bệnh. Kết quả một quá trình hoạt động thành công chính là là động lực của sự phát triển. Lịch sử phát triển của loài người chính là quá trình con người lập nên những thành tích khắc chế tự nhiên và xã hội để vươn lên. Nói “bệnh thành tích” là ta đang vu oan một khái niệm tốt đẹp! Nói cách khác, nếu gọi căn bệnh thì đó phải là “bệnh giả thành tích”.

Những ngày qua Hà Nội xôn xao câu chuyện giáo viên “vận động” học sinh học lực yếu không đăng kí dự thi vào lớp 10 hoặc xin chuyển trường. Cách hành xử này chẳng khác những “đòn chí mạng” đánh vào tâm lí, tình cảm của những học sinh đang ngưỡng tuổi chưa trưởng thành, gây hoang mang, xáo trộn tâm tư của phụ huynh. Căn nguyên của việc này rất có thể chỉ vì thành tích của trường, của lớp trong kì thi, khi kết thúc năm học. Nếu do các học sinh yếu kém được “loại bỏ” mà thành tích thi cử, thành tích tổng kết năm học cao lên, đó chỉ là “giả thành tích”. Ngành giáo dục chỉ có thành tích thực sự nếu nỗ lực đưa được số học sinh yếu kém vươn lên trở thành học sinh trung bình, khá, giỏi.

Thành tích giả có lợi cho ai, thiệt hại cho ai?

Có thể khẳng định, học sinh và phụ huynh không lợi lộc gì với thành tích giả. Học sinh chỉ cần một môi trường học tập lành mạnh cùng những thầy cô tâm huyết, hết lòng vì sự học của học sinh. “Tấm huân chương” thành tích chỉ được gắn lên ngực của một số cá nhân. Đó là giáo viên bộ môn, là chủ nhiệm lớp học, là hiệu trưởng, hiệu phó mỗi nhà trường... “Huân chương thành tích” luôn là một thành tố quan trọng, đôi khi mang tính quyết định trong việc xét thưởng danh hiệu, nâng lương, nâng ngạch, bổ nhiệm...

Như vậy, chỉ có việc lạm dụng, trục lợi từ thành tích giả chứ không thể có “căn bệnh thành tích”. Cần chỉ rõ bản chất của vấn đề mới có thể khắc chế được “căn bệnh nan y” không chỉ có trong ngành giáo dục, đó là trục lợi từ những thứ giả tạo!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23/4/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét