Dùng sai thước đo? Câu chuyện giảm trừ gia
cảnh trong khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được tranh luận trong
nhiều năm qua. Cả mức sàn thu nhập chịu thuế lẫn giá trị tuyệt đối người phụ
thuộc được hưởng đều thể hiện sự bất cập khi nó “bất động” nhiều năm. Cùng
thời gian, giá trị đồng tiền giảm do lạm phát, mốc tính thuế, mốc giảm trừ
gia cảnh cũng giảm đi tương ứng khiến cuộc sống người hưởng lương, người phụ
thuộc ngày một khó khăn. Ở phía ngược lại, Nhà nước thu được từ thuế TNCN luôn
tăng do sàn tính thuế TNCN chẳng cần điều chỉnh thì nó cũng dần hạ xuống do
lạm phát. Chính vì vậy mà mấy năm khó khăn dịch bệnh, thu nhập người lao động
giảm nhưng thuế TNCN vẫn tăng đều đặn. Chỉ mới quý đầu của năm nay, số thuế
thu nhập cá nhân đã ước đạt 43,3% kế hoạch, tăng tới 20,6%. Tại sao lương 2 năm không
tăng, “bão giá” nhiều mặt hàng thiết yếu khiến dân nghèo đi mà thuế TNCN vẫn
tăng, nghịch lí này do đâu? Hiện lạm phát mỗi năm khoảng 3,5-4%. Để được điều chỉnh mức tính thuế và mức giảm trừ thuế TNCN thì tổng số lạm phát phải vượt 20% (chẳng rõ căn cứ nào để ấn định phải là 20%?). Dựa vào tiêu chí này nên suốt từ năm 2013 đến nay mới chỉ có 1 lần điều chỉnh mức chịu thuế TNCN từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh từ 3,5 triệu đồng thêm được 900.000đ. Vậy, lấy chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) làm thước đo điều chỉnh mức chịu thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh
liệu có hợp lí? Hiện nay, người có thu
nhập chừng 13-18 triệu, có 1-2 người phụ thuộc thì số tiền đó chỉ đủ trang
trải cuộc sống tương đương cách đây 9 năm, khi bắt đầu thực hiện Luật Thuế
TNCN. Số tiền này chủ yếu chi cho các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu như lương
thực thực phẩm, xăng dầu, điện nước, học hành… Những chi phí đó hằng năm luôn
có tỉ lệ tăng cao hơn con số lạm phát (bởi rổ hàng hóa tính CPI với 11 nhóm
hàng hóa, dịch vụ, nhiều thứ không thiết yếu giá lại giảm đã kéo xuống, như
bưu chính viễn thông; đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép chẳng hạn).
Chỉ đơn giản lấy một ví dụ so sánh, cách đây 9 năm, tại Hà Nội một mớ rau chỉ
khoảng 2.000 đồng thì nay đã là 6.000-10.000 đồng. Nếu tính “lạm phát theo mớ
rau” thì con số tổng CPI 20% cách xa một trời một vực, bởi nó tăng gần chục
lần chứ đâu chỉ mấy chục hay mấy trăm phần trăm? Nhiều chuyên gia cho
rằng, lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh
là không phù hợp. Với các quốc gia quản lí được chi tiêu của cá nhân thông
qua tài khoản ngân hàng, họ thường lấy chi tiêu thực tế của người phụ thuộc
dựa vào hóa đơn để giảm trừ gia cảnh rất chính xác. Với ta chưa thể thực hiện
được như vậy song rất cần có cách tính khác, không thể lấy CPI và con số bất
biến 20% làm thước đo để điều chỉnh khấu trừ thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh. Tại sao không nghiên cứu điều
chỉnh mức chịu thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh đồng thời với kì điều chỉnh tăng
lương? Lương tăng bao nhiêu phần trăm thì điều chỉnh ngay theo con số đó liệu
có chuẩn xác và có gì khó khăn?/. Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 9/4/2022 Đinh Hoàng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét