Để các em được xài sang!? Khi sự việc những “hạt
sạn” trong một số bộ sách giáo khoa (SGK) như đã bị quên lãng thì mới đây NXB
giáo dục công bố giá một số bộ SGK các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới áp
dụng cho năm học 2022-2023 dư luận lại một lần xôn xao. Lần này sự bức xúc
không phải vì “chất” mà là giá của các bộ SGK. Nhiều chuyên gia cho rằng,
giá các bộ sách mới được công bố cao hơn “đáng kể” so với sách cũ cùng loại.
So sánh một cách cơ học với SGK hiện hành thì mức giá SGK mới cao hơn nhiều
lần. Cụ thể, nếu bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách ngoại ngữ) chỉ
khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá SGK mới công bố gần 210.000 đồng/bộ. Tương tự,
giá bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách ngoại ngữ) có giá bìa gần
120.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới (cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh) gần 210.000
- 255.000 đồng/bộ. Hoặc SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học giá 164.000
đồng/bộ. Bộ sách mới chưa tính môn ngoại ngữ đã khoảng trên dưới 300.000
đồng/bộ. Lí giải sách mới giá tăng lên, Nhà xuất bản Giáo dục giải thích là bởi “giấy tốt, chống lóa, in đẹp, nhiều hình ảnh”. Vậy, có thể hiểu học sinh phải chi thêm hàng trăm nghìn đồng mua bộ sách giá gấp 2-3 lần chủ yếu là để “xài sang”, còn chất lượng nội dung - thứ quan trọng nhất thì không ai khẳng định có hơn hay không. Một điều nữa, Nhà xuất bản không “quên” xuất bản thêm các bộ vở bài tập để ác em làm bài trực tiếp trên đó, chắc cũng cần tiêu chí “giấy tốt, chống lóa, in đẹp, nhiều hình ảnh”!? Dù là những loại vở không bắt buộc nhưng rồi các vở bài tập cũng sẽ hội đủ trong cặp sách của các em! Đảng, Nhà nước ta luôn
chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp, ngành cũng hưởng ứng
bằng nhiều kế hoạch, chương trình, mục tiêu thường xuyên với quyết tâm cao.
Tuy nhiên hành động, việc làm nhằm thực hiện được mục tiêu thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí lại chưa được cụ thể hoá được bao nhiêu. Chỉ đơn cử
ngành giáo dục, mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi ra ước chừng hàng nghìn
tỉ đồng (từ năm 2018 có đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số 1.000 tỉ đồng) để
mua SGK mới. Ý kiến một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất sử dụng ổn
định SGK trong một số năm luôn bị chìm trong im lặng. Những bộ SGK liên tục
được điều chỉnh, thay đổi cần phải in mới với các lí do thường cũng… rất
thuyết phục! Tăng thêm dăm bảy chục
nghìn cho một cuốn sách là chẳng đáng kể với các gia đình học sinh nơi thành
phố, điạ phương kinh tế khá giả. Tuy nhiên phần đông các em học sinh nơi vùng
sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo thì lại là vấn đề không nhỏ mà đây lại là
những địa bàn cần quan tâm ưu tiên, hỗ trợ. Cho các em học sinh được “xài
sang” bằng những bộ sách vở đẹp cũng là điều đáng quý, song nhiều phụ huynh
hoàn cảnh khó khăn có lẽ chưa mong muốn điều đó và họ cũng khó mà chạy theo
“lòng tốt” của Nhà xuất bản!./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày
11/5/2022 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét