Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Thi hoa hậu hay tuyển vợ đại gia

 

Sự vô lí của ‘hoa hậu lấy chồng nghèo’!

Hầu hết sự kết hôn nam nữ là “kết trái” của tình yêu.

Một tình yêu chân chính, trong sáng luôn xuất phát từ tình cảm chân thành và thấu hiểu. Khi hai trái tim đồng điệu, thường người ta nhận ra “người của đời mình” từ cái nhìn đầu tiên! Đó là xuất phát điểm của một tình yêu trong sáng.

Trong cuộc sống có những mối tình không xuất phát điểm như vậy. Trước khi đến với tình yêu người ta đã biết được gia thế, hoàn cảnh của người mình sẽ yêu. Sự giàu có, quyền lực của gia đình rất dễ nảy sinh những mối tình “tính toán”. Khi đó, tình yêu luôn đi sau, là nhân tố thứ yếu trong một cuộc hôn nhân vụ lợi. Ta đã biết, hạnh phúc bền chặt phải xuất phát từ tình yêu đích thực, thứ nó sẽ giúp đôi lứa vượt qua mọi khó khăn, thử thách của đường đời. Nếu hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng giàu có, quyền lực thì khi những thứ đó hết, tình yêu sẽ khó đứng vững trước sóng gió.

Những chân giá trị trên xưa nay vẫn được mọi gia đình và cộng đồng định hướng cho con em, cho tuổi trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tuy nhiên, tại một cuộc thi hoa hậu gần đây lại có một ý kiến khá lạ lẫm về tiêu chí tình yêu và hôn nhân khiến cộng đồng mạng nổi sóng tranh luận.


Hoa hậu Bản sắc Việt  Trần Thị Thu Ngân tại lễ cưới đại gia, cô dâu được trao tặng rất nhiều vàng

Tại họp báo Miss Peace - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Trưởng ban giám khảo nêu quan điểm về chủ đề đại gia - hoa hậu. Nhà thiết kế này cho rằng: “Một cô hoa hậu đẹp như vậy, giỏi như vậy, đầy đủ tố chất như vậy, phải chinh chiến với hàng trăm cô gái cũng đẹp không kém, cũng giỏi như thế để đạt danh hiệu thì phải lấy một người xứng đáng chứ. Tự dưng lấy một người mà không đủ sống, rồi sau này con cái, sữa còn không có tiền mà mua thì sao được, rất vô lí”!? Hiểu nôm na: Đã là hoa hậu thì phải lấy người chồng tương xứng.

Vậy thử hỏi, nếu một cô hoa hậu trước đó đã có người yêu và nay không còn “môn đăng hậu đối” thì nên từ bỏ tình yêu sao? Nếu vì lẽ đó mà ruồng bỏ người mình yêu thì họ có còn đủ nhân cách, phẩm hạnh của một người được trao danh hiệu hoa hậu?

Hoa hậu sau khi được trao vương miện cũng là lúc nhận ủy thác trách nhiệm nặng nề trên chặng đường phía trước. Không ít hoa hậu đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trước cộng đồng bằng các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Chẳng lẽ với tài năng, tố chất và phẩm hạnh của mình, hoa hậu lại không thể sánh vai để giúp người mình yêu cùng vươn lên, vượt qua nghèo khó xây dựng một cuộc sống đàng hoàng mà phải… “ăn sẵn”?

Không ít cuộc thi hoa hậu của ta đang bị dư luận nghi ngờ về mục đích của nhà tổ chức và mục tiêu của một số thí sinh. Nhờ danh xưng hoa hậu mà đổi đời, lấy được đại gia, lấy chồng ngoại đã có những ví dụ trong thực tiễn. Quan điểm của vị Trưởng ban giám khảo kể trên quả là đúng, nếu so với tiêu chí và mục đích như vậy.

Nếu thi hoa hậu để đạt những mục tiêu tầm thường như thế có đúng là sự vô lí đang tồn tại!?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27/7/2022

CSGT như thể người của Bảo hiểm

 

Mệnhg giá mua hi vọng

Theo bạn, tờ tiền mệnh giá 20 nghìn đồng hiện nay mua được những gì?

Tại Hà Nội nếu bà nội trợ đi chợ khéo mua có thể được vài mớ rau. Còn sinh viên có thể mua 4 li trà đá để thoải mái… “chém gió” Hồ Tây.

Nhưng tôi nghĩ, 20 nghìn đồng còn mua được điều rất lớn lao, đó là hi vọng!

Lâu nay lưu thông trên đường mọi người thường thấy những người bán rong bảo hiểm xe máy bên đường chào mời. Giá mua tờ bảo hiểm có thể coi là rẻ bất ngờ - 20 nghìn đồng. Chỉ 20 nghìn đồng mà khi gặp tai nạn cũng được bồi thường há chẳng rẻ sao? Và với cái giá “bèo” đó, liệu công ty bảo hiểm có thua lỗ, phá sản?

Bảo hiểm xe máy siêu rẻ!

Tuy nhiên, tôi chưa hề chứng kiến người bị tai nạn xe máy được bồi thường từ công ty bảo hiểm. Tất cả hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… chưa thấy ai bị tai nạn xe máy được nhận bồi thường bảo hiểm ngoại trừ được bồi thường từ phía gây tai nạn do đi trái luật.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, người tham gia giao thông phải mang theo bảo hiểm xe máy bắt buộc. Còn tại điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP,  khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu người điều khiển xe không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Những điều luật trên chính là lí do dù chẳng mấy người được bồi thường bảo hiểm song nhất nhất đều không dám thiếu tờ chứng nhận bảo hiểm khi lưu thông trên đường! Công ty bảo hiểm rất yên tâm nguồn khách hàng bởi có lực lượng cảnh sát giao thông đang “hỗ trợ” trên mọi tuyến đường!

Theo quy trình để nhận được tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm, người bị tai nạn phải có biên bản của cảnh sát giao thông hoặc giấy xác nhận của công an khu vực (nơi xảy ra tai nạn). Nếu bị thương tích nhập viện thì phải có giấy ra viện, đơn thuốc. Nếu xe hư hỏng phải có hóa đơn của tiệm sửa chữa và xác nhận vụ việc của công an v.v. Cho nên khi bạn bị tai nạn trên đường hãy cố gắng tìm gặp cảnh sát giao thông hoặc vào công an địa phương xin xác nhận! Tìm được người cần gặp đã khó, để được họ xác nhận chắc cũng chẳng dễ dàng gì.

Vậy là, mua bảo hiểm thì quá dễ, dễ hơn mua mớ rau vì chẳng cần mặc cả, nhưng muốn nhận được quyền lợi từ công ty bảo hiểm thì lại vô cùng… không dễ! 20 nghìn đồng là số tiền nhỏ nhưng với hàng chục triệu xe máy trên cả nước thì lại là số tiền rất lớn. Với nguồn tiền lớn đó, mỗi năm công ty bảo hiểm đã bồi thường được cho bao nhiêu người và họ lỗ hay lãi?

Bắt buộc mua bảo hiểm dân sự là đúng song dường như chưa ai quan tâm tới việc “bắt buộc” công ty bảo hiểm hoàn thành trách nhiệm với người đã mua bảo hiểm.

Khi mà những điều kiện được bảo hiểm vẫn còn như “đánh đố” thì người mua bảo hiểm xe máy vẫn chủ yếu là mua… hi vọng!

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  23/7/2022

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Hãy giảm đóp góp đầu năm học thay vì miễn học phí

 

Mong giảm hơn miễn

Năm 2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lí học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.  

Theo Nghị định này, các cơ sở giáo dục công lập giữ nguyên học phí trong năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 nhưng sẽ tăng bắt đầu từ năm học 2022-2023. 

Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Theo Nghị định này thì học phí sẽ tăng theo lộ trình vì tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng luôn tăng chứ không giảm.

Thật bất ngờ, ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Chắc chắn việc ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP có sự tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo - một cơ quan thuộc Chính phủ. Vậy thì sao vừa năm trước tham mưu về lộ trình tăng học phí, năm sau lại đề nghị miễn học phí? Không ít ý kiến dư luận cho rằng, đây là động thái xoa dịu dư luận đang bức xúc chuyện giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục.

Hiện nay mức học phí của trung học cơ sở tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ là 30.000đ-60.000đ/năm học. Con số này chẳng đáng là bao với thu nhập của hộ có mức thu nhập trung bình. Thậm chí nó quá nhỏ bé với con số tăng giá của một cuốn sách giáo khoa mới hoặc mức đóng góp vào các khoản thu đầu năm học.

Căn bệnh lạm thu trường học diễn ra bao năm qua dù năm nào cũng có giải pháp, lệnh cấm được đưa ra nhưng rồi… đâu lại vào đó. Không ít nơi năm nào học sinh cũng phải đóng tiền xây dựng cơ sở trường lớp, tiền lắp máy điều hòa nhiệt độ! Dù biết có những khoản đóng góp rất phi lí nhưng phụ huynh vẫn phải ngậm ngùi móc túi đóng cho xong!


Dù chỉ mấy chục nghìn đồng/học sinh song ngân sách nhà nước cũng phải tăng thêm 25.199 tỉ đồng khi miễn học phí. Điều này cho thấy nguồn lực từ đóng góp của phụ huynh học sinh hằng năm là rất lớn bởi số đóng góp luôn gấp nhiều lần những đồng học phí ít ỏi. Tuy nhiên nguồn tiền đóng góp ngoài học phí lại không thể đi vào ngân sách trong khi hiệu quả thực chất thì không ai, không cơ quan quản lí nào nắm được ngoài lãnh đạo các nhà trường.

Nếu thực sự Bộ Giáo dục và Đào tạo thực tâm muốn giúp tiết giảm sự đóng góp của học sinh thì hơn lúc nào hết cần có một cuộc cách mạng về chuyện lạm thu đầu năm học. Học phí có thể không cần giảm nhưng lạm thu vẫn đang là vấn đề bức xúc nhất, là việc tiết giảm mà cả phụ huynh học sinh và toàn xã hội đang mong chờ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16/7/2022

Điều chỉnh quy hoạch vì nhà đầu tư?

 

Điều chỉnh quy hoạch cần cái tâm trong sáng

Câu chuyện liên tục điều chỉnh dẫn đến phá nát quy hoạch trục đường Lê Văn Lương vẫn chưa phân giải tranh luận giữa Thanh tra Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội.

Theo những người có trách nhiệm về vấn đề trên của TP Hà Nội, tất tật họ đều làm đúng luật, kết luận thanh tra là không thỏa đáng!

Đúng luật song để lại hậu quả như hiện tại thì quả đáng lo ngại cho những quy hoạch và sự điều chỉnh quy hoạch của Thủ đô.


Hàng loạt vi phạm về xây dựng tại đường Lê Văn Lương - Tố Hữu

Mỗi quy hoạch được phê duyệt là quá trình nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học trên cơ sở thực tiễn. Quy hoạch xây dựng công trình một tuyến đường phố nội đô chắc chắn phải bao hàm tổng thể từ đơn vị hành chính, mật độ dân cư, hạ tầng giao thông, công trình công ích, môi trường... Mọi sự điều chỉnh phải xuất phát từ khiếm khuyết của quy hoạch và phải thực hiện đồng bộ, không thể cục bộ.

 

Chẳng hạn quy hoạch cho phép xây dựng một số lượng nhất định khu chung cư, chiều cao tối đa số tầng là đã gắn với quy hoạch hạ tầng như cây xanh, trường học, đường giao thông... Thế nhưng, khi những tòa nhà 18 tầng được điều chỉnh tăng lên 35 tầng thì thường người ta lại “quên” điều chỉnh quy hoạch hạ tầng liên quan (lẽ ra cũng phải điều chỉnh tăng lên cho tương ứng). Cái “quên” này thường không được cho là sai phạm.

Ai cũng biết không trung là vô hạn nhưng đất đai thì hữu hạn. Người ta có thể điều chỉnh quy hoạch tòa chung cư từ 12-14 tầng lên 30-40 tầng hoặc hơn nữa nếu điều kiện kĩ thuật xây dựng cho phép. Tuy nhiên, lại rất khó để điều chỉnh quy hoạch các công trình hạ tầng khác như đường giao thông, công viên, trường học, bệnh viện… để đáp ứng nhu cầu của số cư dân tăng lên. Những điều này phải chăng người điều chỉnh quy hoạch không biết? Chắc chắn nhu cầu điều chỉnh quy hoạch tăng tầng những tòa chung cư không phải đến từ cơ quan quản lí, nơi đã ban hành quy hoạch, nó đến từ chủ đầu tư. Người dân bình thường cũng có thể tính ra mỗi tầng của một tòa chung cư tăng lên thì chủ đầu tư có thể kiếm được bao nhiêu tỉ đồng lợi nhuận.

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố, trong đó một số cơ sở có diện tích hàng chục héc ta như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tổng kho xăng dầu Đức Giang... Vậy là lại có hàng trăm héc ta đất vàng được chuyển mục đích sử dụng. Tất nhiên, những khu đất này cũng đã được quy hoạch tổng thể rất đẹp với các hạng mục công trình hợp lí.

Người dân Thủ đô đã chứng kiến không ít khu đất vàng được giải phóng, thay vào đó không phải là trường học, công viên, hay các công trình công ích… Đơn cử vài ví dụ: Đất của Xí nghiệp xe điện cũ tại đường Thụy Khuê thay bằng hai tòa chung cư cao 21 tầng; bến xe Lương Yên di dời thay bằng 3 tòa chung cư 27 tầng; bãi xe Ngọc Khánh thay bằng các tòa chung cư, văn phòng hỗn hợp cao 30 tầng…

Nếu người làm quy hoạch Thủ đô vẫn quên lợi ích cộng đồng, chỉ “có tâm” với doanh nghiệp thì quy hoạch của hàng trăm héc ta đất vàng vừa có sớm muộn rồi sẽ được… điều chỉnh!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13/7/2022

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

Xảo thuật ngôn từ

 

 “Tồn tại tuyển dụng”
Thông tin “tồn tại tuyển dụng” cán bộ, công chức của Hà Nội đang gây xôn xao dư luận.
Theo đó, để khắc phục tồn tại trong công tác tuyển dụng trước đây, Hà Nội đã thành lập Hội đồng Kiểm tra, sát hạch, tổ chức làm bài sát hạch cho 84 lãnh đạo, công chức ở nhiều Sở, ngành, địa phương.
Theo từ điển tiếng Việt, từ tồn tại được hiểu là trạng thái có thật, con người có thể nhận biết bằng giác quan, không phải do tưởng tượng ra; là sự vật còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết…
Hiểu theo từ điển thì Hà Nội quá giỏi khi áp từ “tồn tại” vào việc tuyển dụng nhiều năm qua. Đây đúng là vấn đề còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết và là một chuyện lạ có thật, “không phải do tưởng tượng ra”!  


Các cán bộ ở Hà Nội đi "thi lại" hôm 13/6 

Vì “tồn tại” mà phải đi sát hạch lại chứng tỏ 84 nhân sự đã được tuyển dụng, bổ nhiệm này chưa đạt chuẩn theo quy định và do đó quy trình tuyển dụng cũng có “tồn tại”. 

Điều 36 của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 quy định rõ điều kiện đăng kí dự tuyển công chức là người có đủ các điều kiện sau đây được đăng kí dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lí lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Phải chăng 84 nhân sự được tuyển dụng kể trên chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Ví như chưa có bằng cấp, chứng chỉ… theo quy định nên nay cần sát hạch để bổ sung vào hồ sơ? Nếu như thế mà chỉ coi là tồn tại thì đây quả là cách làm “sáng tạo”, một tư duy “đột phá”! Liệu một học sinh chưa thi, chưa có bằng tốt nghiệp nhưng vẫn được gọi nhập học đại học thì có thể gọi là “tồn tại”; hoặc một lái xe chưa được cấp bằng lái nhưng vẫn cho phép lái xe trên đường, nay sát hạch để cấp bằng!?...
Được biết, ngoài số “tồn tại” đã cũ thì trong kế hoạch sát hạch, nhiều nhân sự vừa mới nhận quyết định bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo cũng thuộc diện phải “khắc phục tồn tại”. Đó là một số trường hợp được cựu Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh kí quyết định bổ nhiệm 5 ngày trước khi bị bãi nhiệm, khởi tố, bắt giam vào 7/6/2022.
Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, cùng một sự vật, hiện tượng người ta luôn có nhiều cách nói khác nhau để làm tăng lên hay giảm nhẹ tính chất của nó. Tuy nhiên, trong thực hiện quy định của pháp luật không cho phép người ta diễn giải theo cách xảo thuật ngôn từ để giảm nhẹ tính chất của những vi phạm.
Một công chức được tuyển dụng không đủ tiêu chí, điều kiện theo quy định thì đơn giản đó là sai phạm trong thực hiện quy trình, quy định tuyển dụng. Để khắc phục thì cần xử lí nghiêm người đã gây ra sai phạm và hủy bỏ kết quả do sai phạm tạo ra.
Với 84 trường hợp “tồn tại tuyển dụng” của Hà Nội, thiết nghĩ cần thanh, kiểm tra lại toàn bộ để quy rõ trách nhiệm cá nhân, xử lí nghiêm người gây ra sai phạm và hủy bỏ các kết quả tuyển dụng đó./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12/7/2022

Lùm xùm nghệ sĩ bênh Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh

 

Hòa tan đúng, sai  

Cha ông ta từ nghìn xưa đã căn dặn con cháu sống ở đời phải biết phân biệt đúng sai, phải trái, thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai thì góp ý, phê bình. Thái độ của mỗi người với cái đúng, cái sai chính là tấm gương phản chiếu nhân cách của họ.

Vụ việc hai nghệ sĩ Việt (diễn viên Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh) đi du lịch tại Tây Ban Nha vướng vào pháp luật nước sở tại, bị tố tội hiếp dâm đang xôn xao dư luận với các ý kiến trái chiều, dù cho tới nay chưa rõ đúng, sai. Hôm 5/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết sự việc liên quan đến nghệ sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vẫn đang là “nghi vấn”.

Chính vì chưa rõ đúng sai nên mọi ý kiến phê phán hay bảo vệ lúc này đều là võ đoán, suy diễn theo cảm tính. Tất cả cần bình tâm chờ kết quả điều tra, kết luận cụ thể của cơ quan thực thi pháp luật nước bạn, sự trao đổi thông tin qua đường ngoại giao hai nước và xử lí của cơ quan quản lí hai nghệ sĩ trên.

Xin không bàn về ý kiến bình luận, phê phán của người hâm mộ, của dư luận với hai nghệ sĩ, điều đáng bàn ở đây là ý kiến bảo vệ đồng nghiệp của một vài nghệ sĩ, diễn viên trong nước. Một diễn viên viết trên trang cá nhân: “…Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh... Bởi vì trong cuộc đời ai chả có sai lầm…!” và “Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử…”!? Một nghệ sĩ mang danh ưu tú thậm chí rất võ đoán, hồ đồ: “Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng…”! 

Thật lạ lùng với suy nghĩ và phát ngôn như trên của những nghệ sĩ, diễn viên đã thành danh, từng được nhiều người mến mộ.


Diễn viên, nghệ sĩ là người của công chúng, nhất cử nhất động, mọi thái độ, việc làm, hành xử, cách sống của họ luôn được hàng nghìn người hâm mộ dõi theo, thậm chí làm theo. Ảnh hưởng của họ tới công chúng là không thể phủ nhận, do vậy khi nghệ sĩ, diễn viên tỏa sáng cả về tài năng và đức độ sẽ có tác dụng rất tích cực, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Ngược lại khi nghệ sĩ, diễn viên bộ lộ phông văn hóa “có vấn đề”, coi thường dư luận và người hâm mộ chỉ làm xấu đi hình ảnh của chính họ và thậm chí, cả đồng nghiệp.

Được coi là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nghệ sĩ, diễn viên ghánh trên vai trách nhiệm và vinh dự lớn lao. Đạo đức, văn hóa, tài năng là những thành tố không thể thiếu để người nghệ sĩ có thể tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng và động lực tích cực cho xã hội phát triển.

Khi không thể phân biệt đúng sai, thậm chí ủng hộ điều sai trái thì sao có thể làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội?/.

Đinh Hoàng

\Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07/7/2022