Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Kỉ cương bị tha hóa

 

 Phạt và không thể tồn tại

Một thời gian dài trước đây có cụm từ “phạt cho tồn tại” trong quản lí trật tự xây dựng. Biên bản xử phạt vi phạm như cho có cốt để người vi phạm đóng một khoản tiền rồi tiếp tục… vi phạm! Đây là thực trạng phổ biến với việc xây dựng căn hộ gia đình tại đô thị.

Theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tại khoản 9, Điều 13 có quy định “phạt và cho phép tồn tại” đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân nộp số lợi bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lí công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã có đổi mới. Đó là không còn quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại. Sau khi nghị định này được ban hành, một đại diện Bộ Xây dựng khẳng định “cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm, để xảy ra sai phạm thì đều phải chịu trách nhiệm”. Đặc biệt, theo quy định mới sẽ không còn “phạt cho tồn tại” công trình vi phạm.


Ảnh minh họa

Song thực tế đến nay cho thấy vẫn rất nhiều công trình xây dựng nhà ở sai phạm đang tồn tại, điển hình là sự phát lộ hàng chục căn chung cư mang tên mini tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra, rà soát những ngày qua.

Hệ quả hiện nay các chung cư vi phạm đã bán, cho thuê và cư dân đang cư trú đã để lại vấn đề không dễ xử lí, đó là thiếu các thiết bị, kết cấu kĩ thuật bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Những chung cư với hàng chục, thậm chí hàng trăm con người đang sinh sống không thể chấp nhận “phạt cho tồn tại” sai phạm liên quan đến an toàn tính mạng cư dân. Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 20/9, khi cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí về giao thông, môi trường và phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước và “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini”.

Sau đợt tổng rà soát vi phạm xây dựng với loại hình chung cư gắn nhãn mini sẽ cần một sự quyết liệt đột phá của chính quyền. Căn chung cư tại Khương Hạ vừa xảy ra hỏa hoạn từng có quyết định cưỡng chế của Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân cách đây gần chục năm song nó vẫn giữ “nguyên bản” cho đến khi xảy ra thảm họa, lí do rất đơn giản là… “trên bảo, dưới không nghe”!?

Người dân đô thị sửa chữa nhỏ căn nhà của mình hầu hết đều bị cơ quan quản lí trật tự xây dựng nắm được, đến nhắc nhở, xử phạt. Vậy sao những tòa nhà hàng chục căn hộ, hàng trăm người cư trú lại “lọt” những sai phạm? Đây là câu hỏi dư luận đang chờ sự hồi đáp của các cấp chính quyền. Nếu không xử lí triệt để, khắc phục hoàn toàn các vi phạm thì thảm họa sẽ vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu người dân tại nhiều chung cư./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26/9/2023

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Không nuông chiều

 

Áp lực và buông lỏng

Trong quản lí nhiều người đều nhớ câu “không có kiểm tra là không có lãnh đạo”. Đúng vậy, khi không chịu sự kiểm tra, giám sát con người ta thường có xu hướng không tuân thủ hoặc vượt ra ngoài phạm vi quy định, dễ dẫn đến sai phạm.

Gần đây dư luận nổi lên khi có ý kiến một lãnh đạo ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đề xuất bỏ kiểm tra đầu giờ để hạn chế gây áp lực lên học sinh. Vị lãnh đạo này đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực.

Tin rằng nhiều học sinh sẽ “giơ cả hai tay” với đề xuất này vì như vậy chỉ cần nghe giảng tại lớp, về nhà có thể “quảng sách vở vào một xó” để hôm sau lại lấy ra để đến trưởng, chẳng cần lo nghĩ rằng mình đã hiểu, đã nhớ bài hay chưa.


Đâu phải học sinh nào cũng ngại lên bảng khi nắm chắc bài

Theo ý kiến lí giải của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố này thì kiểm tra kiểu học thuộc lòng xưa nay là không đổi mới, không phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh!?

Ai cũng biết từ xưa tới nay mọi sự sáng tạo, năng lực hành động của con người đều dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản, ví như ngôi nhà muốn xây cao trước tiên cần có nền móng vững vàng.

Với học sinh khi được giáo viên truyền thụ kiến thức thì mỗi em có khả năng tiếp nhận, hấp thụ khác nhau. Em thông minh nhanh nhạy thì sau đó cũng cần củng cố thêm bằng cách ôn lại một đôi lượt. Em nhận thức chậm thì cần nhiều hơn thế, bằng không “chữ thầy lại trả cho thầy” mà thôi. Chỉ đơn giản như bảng cửu chương nếu học sinh không thuộc lòng thì lấy đâu ra sự nhanh nhẹn, sáng tạo khi giải một bài toán khó.

Hình ảnh học sinh “ngồi xe cha mẹ đèo đến trường vừa nhai bánh mì vừa mở sách ôn bài” được minh chứng đó là “áp lực” kiểm tra đầu giờ đang đè lên học sinh xem ra không phải là phổ biến, thậm chí chỉ là cá biệt. Liệu học sinh đó đã tuân thủ kế hoạch học tập và có lịch học tập đúng đắn, phương pháp hợp lí chưa? Từng là học sinh tôi cũng biết không ít bạn luôn nơm nớp khi thầy cô mở sổ danh sách để kiểm tra, đó là những bạn lười. Tuy nhiên cũng không ít bạn mong được kiểm tra để thể hiện mình bởi đó là những bạn nắm vững, hiểu bài nên chẳng bao giờ có áp lực.

Nếu chỉ vì một vài học sinh khiến ta động lòng rồi đi đến nuông chiều thì kỉ luật học đường sẽ dần bị phá vỡ.

Từ thời các cụ đồ nho xưa trong nghề “gõ đầu trẻ” đã có câu “ôn cố tri tân”. Từ học hành đến công việc có lẽ chẳng lĩnh vực nào lại không có áp lực, nhất là trong thời đại ngày nay. Con đường đến với tri thức chẳng bao giờ giống như đi trên những tấm đệm bông êm ái./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  22/9/2023

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Thêm vụ "mất bò"

 

 Mini… quản lí

Nói quản lí thì ở bất kì tầm mức, lĩnh vực nào cũng khó có thể coi đó là việc nhỏ. Quản lí nhà nước, nhất là với việc ảnh hưởng đến trật tự xã hội thì luôn là việc quan trọng vì nó liên quan đến an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Vậy mà có những lĩnh vực được coi như thể là chuyện nhỏ khi người ta gắn mác mini, đó là quản lí một số chung cư của tư nhân tại đô thị hiện nay.

Chung cư mini là khái niệm được người ta tự đặt tên, nó không có trong quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 thì “Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”. Còn theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2016/TT-BXD: Tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc một số khối nhà có chung khối đế nổi trên mặt đất được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.


Những chung cư không lối thoát tại Hà Nội

Tòa nhà chung cư vừa xảy ra vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngày 12/9 vừa qua tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) được chủ đầu tư và nhiều người mặc định đó là chung cư mini. Có lẽ nhiều người chỉ nghĩ đơn giản chung cư mini vì là tòa nhà của một cá nhân xây lên trên đất ở của mình, chia thành các phòng diện tích nhỏ, đủ thiết bị của căn hộ khép kín, và có thể là giá thành của nó cũng nhỏ hơn chung cư khác.

Phải chăng cũng coi là chung cư… nhỏ mà cơ quan quản lí cũng ít để tâm soi xét? Tuy nhiên, đã là nhà chung cư thì dù to hay nhỏ vẫn phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD về Nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đã ban hành.

Việc một cá nhân được phép xây tòa nhà với hơn 40 căn hộ, hàng trăm người lưu trú thì chắc hẳn phải nằm trong quy hoạch của cấp có thẩm quyền và được phê duyệt. Nếu tòa nhà này không trong quy hoạch xây dựng nhà chung cư thì ngay từ đầu nó đã sai phạm về xây dựng. Còn khi đã xây dựng xong mà nó không bảo đảm quy chuẩn của một tòa chung cư, đặc biệt là bộ máy quản lí vận hành và thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy thì đó là sai phạm tiếp theo của cơ quan quản lí chuyên ngành.

Câu ngạn ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” đang đúng với công tác phòng cháy chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn với một số nhà hàng karaoke thời gian qua. Phải chăng vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trong với tòa chung cư tại quận Thanh Xuân lại thêm một lần nữa đã… “mất bò”?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  16/9/2023

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Gian nan chống tham nhũng

 

Khi nhận tiền không phải là hối lộ!?

Giả sử một ngày nào đó có người quen biết bình thường trong công tác đến nhà bạn chơi, nói mấy lời cám ơn vì đã tạo điều kiện trong công việc, khi ra về “bỏ quên” một bọc đồ là một số tiền cực lớn, bạn sẽ làm gì?

Nếu đúng là khách “bỏ quên” thì với lương tâm, đạo đức của một công vụ chân chính, chắc chắn bạn sẽ tìm cách trả lại cho khách số tiền này. Nếu không trả lại, đồ rằng bạn đã hiểu, đó là “sự ám ơn” bằng tiền mà khách chủ tâm mang biếu. Nếu không hiểu rõ lí do việc cám ơn sẽ khó ai dám nhận một số tiền lớn, vì đâu biết điều gì sẽ xảy ra, thậm chí là âm mưu xấu.

Vậy nhưng trong vụ án Việt Á lại có một số quan chức cao cấp dễ dàng nhận tiền cám ơn hàng tỉ đồng một cách vô tư! Khi ra tòa họ khẳng định không có ý định nhận hối lộ và cho rằng không thể coi nhận tiền, vật chất “cám ơn” là tội hối lộ.


Ông Chu Ngọc Anh nhận hơn 4 tỷ đồng tiền biếu của Việt Á

Theo khái niệm pháp lí, nhận hối lộ nghĩa là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao, nhận lợi ích dưới bất cứ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo mong muốn, lợi ích của người đưa vật chất. Ai cũng biết rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lí, chỉ cần công chức “ngó lơ” là người khác đã có thể trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo khoa học pháp lí, hành vi nghĩa là hành động hoặc không hành động. Việc giữa người đưa và người nhận tiền ngầm hiểu với nhau “cứ làm đi rồi sẽ được hưởng lợi” chính là hành vi không hành động của tội phạm.

Cụ thể như trong vụ Việt Á, Giám đốc công ty này đến thăm và nói với Chu Ngọc Anh “Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp”. Vậy nhưng cơ quan điều tra Bộ Công an lại kết luận, ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền. Đây là căn cứ để tòa không kết tội nhận hối lộ!

Thực tế pháp luật dù quy định chặt chẽ đến đâu cũng không thể bao quát đầy đủ tất cả các tình huống phát sinh trong đời sống xã hội. Vấn đề quan trọng nhất là những người thừa hành pháp luật cần để trí tuệ đi cùng với sự công tâm.

Nếu vụ việc các quan chức nhận tiền trong vụ Việt Á không bị kết tội nhận hối lộ sẽ là một tiền lệ rất xấu, đi ngược với nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13/9/2023