Áp lực và buông lỏng Trong quản lí nhiều người đều nhớ câu “không có kiểm tra là
không có lãnh đạo”. Đúng vậy, khi không chịu sự kiểm tra, giám sát con người
ta thường có xu hướng không tuân thủ hoặc vượt ra ngoài phạm vi quy định, dễ
dẫn đến sai phạm. Gần đây dư luận nổi lên khi có ý kiến một lãnh đạo ngành giáo
dục TP Hồ Chí Minh đề xuất bỏ kiểm tra đầu giờ để hạn chế gây áp lực lên học
sinh. Vị lãnh đạo này đề nghị giáo viên không
kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học
sinh căng thẳng, áp lực. Tin rằng nhiều học sinh sẽ “giơ cả hai tay” với
đề xuất này vì như vậy chỉ cần nghe giảng tại lớp, về nhà có thể “quảng sách
vở vào một xó” để hôm sau lại lấy ra để đến trưởng, chẳng cần lo nghĩ rằng mình
đã hiểu, đã nhớ bài hay chưa. Đâu phải học sinh nào cũng ngại lên bảng khi nắm chắc bài Theo ý kiến lí giải của lãnh đạo ngành giáo
dục thành phố này thì kiểm tra kiểu học thuộc lòng xưa nay là không đổi mới,
không phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh!? Ai cũng biết từ xưa tới nay mọi sự sáng tạo,
năng lực hành động của con người đều dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản, ví
như ngôi nhà muốn xây cao trước tiên cần có nền móng vững vàng. Với học sinh khi được giáo viên truyền thụ
kiến thức thì mỗi em có khả năng tiếp nhận, hấp thụ khác nhau. Em thông minh
nhanh nhạy thì sau đó cũng cần củng cố thêm bằng cách ôn lại một đôi lượt. Em
nhận thức chậm thì cần nhiều hơn thế, bằng không “chữ thầy lại trả cho thầy”
mà thôi. Chỉ đơn giản như bảng cửu chương nếu học sinh không thuộc lòng thì
lấy đâu ra sự nhanh nhẹn, sáng tạo khi giải một bài toán khó. Hình ảnh học sinh “ngồi xe cha mẹ đèo đến
trường vừa nhai bánh mì vừa mở sách ôn bài” được minh chứng đó là “áp lực”
kiểm tra đầu giờ đang đè lên học sinh xem ra không phải là phổ biến, thậm chí
chỉ là cá biệt. Liệu học sinh đó đã tuân thủ kế hoạch học tập và có lịch học
tập đúng đắn, phương pháp hợp lí chưa? Từng là học sinh tôi cũng biết không
ít bạn luôn nơm nớp khi thầy cô mở sổ danh sách để kiểm tra, đó là những bạn
lười. Tuy nhiên cũng không ít bạn mong được kiểm tra để thể hiện mình bởi đó
là những bạn nắm vững, hiểu bài nên chẳng bao giờ có áp lực. Nếu chỉ vì một vài học sinh khiến ta động
lòng rồi đi đến nuông chiều thì kỉ luật học đường sẽ dần bị phá vỡ. Từ thời các cụ đồ nho xưa trong nghề “gõ đầu
trẻ” đã có câu “ôn cố tri tân”. Từ học hành đến công việc có lẽ chẳng lĩnh
vực nào lại không có áp lực, nhất là trong thời đại ngày nay. Con đường đến
với tri thức chẳng bao giờ giống như đi trên những tấm đệm bông êm ái./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 22/9/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét