Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Gian nan chống tham nhũng

 

Khi nhận tiền không phải là hối lộ!?

Giả sử một ngày nào đó có người quen biết bình thường trong công tác đến nhà bạn chơi, nói mấy lời cám ơn vì đã tạo điều kiện trong công việc, khi ra về “bỏ quên” một bọc đồ là một số tiền cực lớn, bạn sẽ làm gì?

Nếu đúng là khách “bỏ quên” thì với lương tâm, đạo đức của một công vụ chân chính, chắc chắn bạn sẽ tìm cách trả lại cho khách số tiền này. Nếu không trả lại, đồ rằng bạn đã hiểu, đó là “sự ám ơn” bằng tiền mà khách chủ tâm mang biếu. Nếu không hiểu rõ lí do việc cám ơn sẽ khó ai dám nhận một số tiền lớn, vì đâu biết điều gì sẽ xảy ra, thậm chí là âm mưu xấu.

Vậy nhưng trong vụ án Việt Á lại có một số quan chức cao cấp dễ dàng nhận tiền cám ơn hàng tỉ đồng một cách vô tư! Khi ra tòa họ khẳng định không có ý định nhận hối lộ và cho rằng không thể coi nhận tiền, vật chất “cám ơn” là tội hối lộ.


Ông Chu Ngọc Anh nhận hơn 4 tỷ đồng tiền biếu của Việt Á

Theo khái niệm pháp lí, nhận hối lộ nghĩa là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao, nhận lợi ích dưới bất cứ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo mong muốn, lợi ích của người đưa vật chất. Ai cũng biết rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lí, chỉ cần công chức “ngó lơ” là người khác đã có thể trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo khoa học pháp lí, hành vi nghĩa là hành động hoặc không hành động. Việc giữa người đưa và người nhận tiền ngầm hiểu với nhau “cứ làm đi rồi sẽ được hưởng lợi” chính là hành vi không hành động của tội phạm.

Cụ thể như trong vụ Việt Á, Giám đốc công ty này đến thăm và nói với Chu Ngọc Anh “Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp”. Vậy nhưng cơ quan điều tra Bộ Công an lại kết luận, ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền. Đây là căn cứ để tòa không kết tội nhận hối lộ!

Thực tế pháp luật dù quy định chặt chẽ đến đâu cũng không thể bao quát đầy đủ tất cả các tình huống phát sinh trong đời sống xã hội. Vấn đề quan trọng nhất là những người thừa hành pháp luật cần để trí tuệ đi cùng với sự công tâm.

Nếu vụ việc các quan chức nhận tiền trong vụ Việt Á không bị kết tội nhận hối lộ sẽ là một tiền lệ rất xấu, đi ngược với nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13/9/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét