Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Hệ quả của mua bán chụp giật

 

Thị trường văn minh

Nền kinh tế thị trường của ta đã trải qua quãng thời gian đủ để hình thành một thị trường văn minh, có nghĩa là cung cầu ngày càng tiệm cận nhau, bảo đảm cho người bán hàng luôn kinh doanh có lãi cùng với việc người mua có được sản phẩm hợp lí giữa giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, với tư duy ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, đây đó vẫn còn những tiểu thương buôn bán kiểu chụp giật, bất cần uy tín, thương hiệu.

Hôm trước Tết Nguyên đán, do nhà không trồng được khoai tây tôi đã ra trục đường quốc lộ, nơi thường xuyên có bà con nông dân địa phương dỡ khoai đóng gói bán bên đường cho người qua lại. Một bà bán hàng nói giá 15.000/kg, không nghi ngờ chuyện nói thách tôi liền mua một túi 15kg hết  225.000đ. Về đến nhà đứa em hỏi, khi biết giá vậy đã phán luôn chắc nịch là tôi mua quá đắt vì tại chợ giá cũng chỉ 8.000đ-10.000đ/kg thôi. Chỉ một chuyện như vậy đã khiến tôi tự nhủ sẽ không bao giờ mua bên đường như thế, dù rất muốn ủng hộ bà con nông dân tiêu thụ nông sản.


Thực ra chuyện mặc cả mua bán hiện nay đã ít xuất hiện, khi mà thông tin thị trường đều dễ dàng nắm bắt. Tuy nhiên những dịp Tết khi cung cấp hàng hóa cho kì nghỉ dài ngày vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng thách giá quá cao, nhất là thị trường cây cảnh như đào, quất, lan… Người bán với suy nghĩ số khách hàng mua sắm sớm thường có điều kiện kinh tế, ít quan tâm giá cả và thời gian bán hang còn dài nên chưa lo lắng chuyện tiêu thụ. Thế nhưng hầu hết người dân nay đã biết mức giá hợp lí cho mỗi sản phẩm thông qua kinh nghiệm hằng năm và thực tiễn giá cả trong năm nên khi người bán thách giá cao thì chỉ hỏi giá và xem, ít người mua. Người mua cũng có tư duy chờ đến cận Tết giá cả hạ thấp sẽ mua, không hạ thì thôi bởi kinh tế thu nhập trong năm còn khó khăn. Hệ quả của những tư duy trên gặp nhau là kết cục hàng bị tồn, phá giá, có bán cũng lỗ. Vì giá hạ quá thấp vẫn lèo tèo khách mua nên năm nào cũng có chuyện thương nhân trút sự bất bình bằng việc chặt, đập bỏ những chậu cây cảnh, thành quả lao động vất vả cả năm của mình. Nếu như ngay từ đầu hàng hóa được đưa ra mức giá cả hợp lí, bảo đảm có lãi song vẫn phù hợp với thu nhập, túi tiền của đa số khách hàng thì chắc chắn không bị ế quá nhiều như vẫn thường xảy ra. Thực tế như vậy song có thể chưa nhiều thương nhân nhận ra, chính cách kinh doanh chưa văn minh của mình đã khiến hàng hóa bị phá giá.

Đã sang kỉ nguyên 4.0, thị trường khó chấp nhận phong cách buôn bán sơ khai, lạc hậu. Văn minh trong kinh doanh chính là nền tảng cho sự phát triển thị trường lành mạnh và bền vững./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  21/02/2024

Thói quen xấu đang lấn át

 

Hãy định hướng thói quen lành mạnh

Trong cuộc sống, con người thường có những thói quen. Có thói quen tốt và cũng có những thói quen không tốt. Thói quen tốt sẽ đem lại những điều tốt đẹp, hạn chế tiêu cực, tác hại và có thể mang đến những cơ hội. Thói quen xấu thì ngược lại.

Hồi còn nhỏ, vào những năm 60 thế kỉ trước, bọn trẻ trâu chúng tôi có may mắn khi những buổi chiều thả trâu trên đê làng được một người anh học cấp 3 cùng thả trâu ngồi đọc nhiều truyện cho nghe. Từ chuyện Dế mèn phiêu lưu kí, Chị Dậu, Lão Hạc… của nhà văn Việt Nam cho đến truyện Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, truyện ngắn Sê Khốp, tiểu thuyết Sông Đông êm đềm… của nước ngoài. Cuốn truyện nào cũng được bọn trẻ bâu quanh nghe rất say sưa. Việc đó đã hình thành thói quen ham thích đọc sách của nhiều đứa trẻ chúng tôi sau này. Có lần tôi mượn được cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đây, do mải mê đọc suốt buổi sáng đến trưa quên cả nấu cơm, mẹ đi làm về thấy vậy đã cho một trận đòn nhớ đời. Có lẽ cũng nhờ thói quen đọc sách một thời đã đưa tôi đến với nghiệp báo chí và theo được nghề đến nay…

Ai cũng biết thói quen đọc sách là vô cùng hữu ích khi nó mang tới cho ta tri thức, kĩ năng trong công việc và cuộc sống. Thật tiếc là thói quen hữu ích này đang bị những công nghệ tiện dụng thời 4.0 lấn át, tạo ra những thói quen mới dù nó cũng có điểm tốt nhưng tác hại không ít. Ngày nay chiếc điện thoại thông minh đã chiếm một khoảng thời gian không nhỏ trong ngày của mỗi cá nhân. Thời gian bị “chiếm dụng” đó sẽ lấy đi thời giờ của công việc, học hành, nghiên cứu, đọc sách và cả thời gian người thân dành cho nhau. Đến quãng thời gian quý báu là bữa cơm gia đình, cơ hội để quan tâm, chia sẻ tình cảm giữa các thành viên cũng bị chiếc điện thoại, chiếc tivi “đánh cắp”. Buổi tối, trước khi đi ngủ là quãng thời gian tốt có thể đọc sách báo song việc lướt Facebook, chơi games, xem tivi, video Tiktok… vẫn là thứ hấp dẫn hơn dù nó ít mang lại giá trị về tri thức. Vô tình công nghệ tiện dụng ngày nay đang định hình cho đa số chúng ta những thói quen không lành mạnh, nhất là với trẻ em, người đang tuổi học hành cần tu tích tri thức, năng lực và kĩ năng cho cuộc sống tương lai.


Người trưởng thành có thể bằng lí trí xây dựng, định hướng được thói quen lành mạnh cho bản thân và từ bỏ thói quen xấu. Với trẻ em, ở độ tuổi càng nhỏ càng cần được xây dựng và định hướng những thói quen có lợi. Hiện không ít phụ huynh chiều chuộng con em sử dụng công nghệ đang tạo nên những thói quen xấu, nhất là các trò chơi trên chiếc điện thoại thông minh. Dành thời gian cho những trò tiêu khiển vô bổ sẽ khiến trẻ chểnh mảng học hành, thiếu tiếp xúc các trải nghiệm cuộc sống phong phú và nguy hại hơn, chứng nghiện games còn tác động đến sự phát triển bình thường của hệ thần kinh./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  20/02/2024