Hãy định hướng thói quen lành mạnh Trong cuộc sống, con người thường có những thói quen. Có thói
quen tốt và cũng có những thói quen không tốt. Thói quen tốt sẽ đem lại những
điều tốt đẹp, hạn chế tiêu cực, tác hại và có thể mang đến những cơ hội. Thói
quen xấu thì ngược lại. Hồi còn nhỏ, vào những năm 60 thế kỉ trước, bọn trẻ trâu chúng
tôi có may mắn khi những buổi chiều thả trâu trên đê làng được một người anh
học cấp 3 cùng thả trâu ngồi đọc nhiều truyện cho nghe. Từ chuyện Dế mèn
phiêu lưu kí, Chị Dậu, Lão Hạc… của nhà văn Việt Nam cho đến truyện Tam quốc
diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, truyện ngắn Sê Khốp, tiểu thuyết Sông Đông êm
đềm… của nước ngoài. Cuốn truyện nào cũng được bọn trẻ bâu quanh nghe rất say
sưa. Việc đó đã hình thành thói quen ham thích đọc sách của nhiều đứa trẻ
chúng tôi sau này. Có lần tôi mượn được cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đây,
do mải mê đọc suốt buổi sáng đến trưa quên cả nấu cơm, mẹ đi làm về thấy vậy đã
cho một trận đòn nhớ đời. Có lẽ cũng nhờ thói quen đọc sách một thời đã đưa
tôi đến với nghiệp báo chí và theo được nghề đến nay… Ai cũng biết thói quen đọc sách là vô cùng hữu ích khi nó mang
tới cho ta tri thức, kĩ năng trong công việc và cuộc sống. Thật tiếc là thói
quen hữu ích này đang bị những công nghệ tiện dụng thời 4.0 lấn át, tạo ra
những thói quen mới dù nó cũng có điểm tốt nhưng tác hại không ít. Ngày nay
chiếc điện thoại thông minh đã chiếm một khoảng thời gian không nhỏ trong
ngày của mỗi cá nhân. Thời gian bị “chiếm dụng” đó sẽ lấy đi thời giờ của
công việc, học hành, nghiên cứu, đọc sách và cả thời gian người thân dành cho
nhau. Đến quãng thời gian quý báu là bữa cơm gia đình, cơ hội để quan tâm,
chia sẻ tình cảm giữa các thành viên cũng bị chiếc điện thoại, chiếc tivi “đánh
cắp”. Buổi tối, trước khi đi ngủ là quãng thời gian tốt có thể đọc sách báo
song việc lướt Facebook, chơi games, xem tivi, video Tiktok… vẫn là thứ hấp
dẫn hơn dù nó ít mang lại giá trị về tri thức. Vô tình công nghệ tiện dụng
ngày nay đang định hình cho đa số chúng ta những thói quen không lành mạnh,
nhất là với trẻ em, người đang tuổi học hành cần tu tích tri thức, năng lực
và kĩ năng cho cuộc sống tương lai. Người trưởng thành có thể bằng lí trí xây dựng, định hướng
được thói quen lành mạnh cho bản thân và từ bỏ thói quen xấu. Với trẻ em, ở
độ tuổi càng nhỏ càng cần được xây dựng và định hướng những thói quen có lợi.
Hiện không ít phụ huynh chiều chuộng con em sử dụng công nghệ đang tạo nên những
thói quen xấu, nhất là các trò chơi trên chiếc điện thoại thông minh. Dành
thời gian cho những trò tiêu khiển vô bổ sẽ khiến trẻ chểnh mảng học hành,
thiếu tiếp xúc các trải nghiệm cuộc sống phong phú và nguy hại hơn, chứng
nghiện games còn tác động đến sự phát triển bình thường của hệ thần kinh./.
Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 20/02/2024
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét