Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Hệ quả của mua bán chụp giật

 

Thị trường văn minh

Nền kinh tế thị trường của ta đã trải qua quãng thời gian đủ để hình thành một thị trường văn minh, có nghĩa là cung cầu ngày càng tiệm cận nhau, bảo đảm cho người bán hàng luôn kinh doanh có lãi cùng với việc người mua có được sản phẩm hợp lí giữa giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, với tư duy ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, đây đó vẫn còn những tiểu thương buôn bán kiểu chụp giật, bất cần uy tín, thương hiệu.

Hôm trước Tết Nguyên đán, do nhà không trồng được khoai tây tôi đã ra trục đường quốc lộ, nơi thường xuyên có bà con nông dân địa phương dỡ khoai đóng gói bán bên đường cho người qua lại. Một bà bán hàng nói giá 15.000/kg, không nghi ngờ chuyện nói thách tôi liền mua một túi 15kg hết  225.000đ. Về đến nhà đứa em hỏi, khi biết giá vậy đã phán luôn chắc nịch là tôi mua quá đắt vì tại chợ giá cũng chỉ 8.000đ-10.000đ/kg thôi. Chỉ một chuyện như vậy đã khiến tôi tự nhủ sẽ không bao giờ mua bên đường như thế, dù rất muốn ủng hộ bà con nông dân tiêu thụ nông sản.


Thực ra chuyện mặc cả mua bán hiện nay đã ít xuất hiện, khi mà thông tin thị trường đều dễ dàng nắm bắt. Tuy nhiên những dịp Tết khi cung cấp hàng hóa cho kì nghỉ dài ngày vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng thách giá quá cao, nhất là thị trường cây cảnh như đào, quất, lan… Người bán với suy nghĩ số khách hàng mua sắm sớm thường có điều kiện kinh tế, ít quan tâm giá cả và thời gian bán hang còn dài nên chưa lo lắng chuyện tiêu thụ. Thế nhưng hầu hết người dân nay đã biết mức giá hợp lí cho mỗi sản phẩm thông qua kinh nghiệm hằng năm và thực tiễn giá cả trong năm nên khi người bán thách giá cao thì chỉ hỏi giá và xem, ít người mua. Người mua cũng có tư duy chờ đến cận Tết giá cả hạ thấp sẽ mua, không hạ thì thôi bởi kinh tế thu nhập trong năm còn khó khăn. Hệ quả của những tư duy trên gặp nhau là kết cục hàng bị tồn, phá giá, có bán cũng lỗ. Vì giá hạ quá thấp vẫn lèo tèo khách mua nên năm nào cũng có chuyện thương nhân trút sự bất bình bằng việc chặt, đập bỏ những chậu cây cảnh, thành quả lao động vất vả cả năm của mình. Nếu như ngay từ đầu hàng hóa được đưa ra mức giá cả hợp lí, bảo đảm có lãi song vẫn phù hợp với thu nhập, túi tiền của đa số khách hàng thì chắc chắn không bị ế quá nhiều như vẫn thường xảy ra. Thực tế như vậy song có thể chưa nhiều thương nhân nhận ra, chính cách kinh doanh chưa văn minh của mình đã khiến hàng hóa bị phá giá.

Đã sang kỉ nguyên 4.0, thị trường khó chấp nhận phong cách buôn bán sơ khai, lạc hậu. Văn minh trong kinh doanh chính là nền tảng cho sự phát triển thị trường lành mạnh và bền vững./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  21/02/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét