Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Đại học chạy theo số lượng

 

Đại học đa ngành

Theo Luật Giáo dục đại học, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác. 

Hiện cả nước có 7 đại học gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Đang có các trường đại học muốn trở thành đại học, gồm Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây cũng là các trường đã khẳng định được chất lượng và danh tiếng trong hệ thống các trường đại học Việt Nam.


Trường ĐH Quảng Bình đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn

Hiện cả nước có khoảng 450 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng nhận. Con số này là không nhỏ với một đất nước có 100 triệu dân như Việt Nam. Trào lưu phấn đấu lên đại học khiến người ta nhớ đến một thời cách đây chưa xa từng xảy ra, đó là các tập đoàn kinh tế đua nhau kinh doanh đa ngành. Do ôm đồm, không chuyên sâu khiến nhiều “ông lớn” đa ngành làm ăn bết bát, thua lỗ triền miên và cuối cùng phải từ bỏ đa ngành, trở về những lĩnh vực, thế mạnh chính của mình.

Hồi đầu năm dư luận bất ngờ trước thông tin 136 viên chức và người lao động của Trường đại học Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 tháng đến 7,5 tháng. Nguyên nhân chậm trả lương là do khó khăn về công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm...

Trong hàng trăm trường đại học trên cả nước, rất có thể còn có những trường đang lâm vào tình cảnh khó khăn tựa Trường đại học Quảng Bình.

Nhiều chuyên gia từng nhận định, chất lượng đào tạo đại học trong nước chỉ ổn ở một số trường tốp đầu, còn lại phần lớn sinh viên ra trường thiếu kĩ năng mềm, thậm chí có em tốt nghiệp xuất sắc nhưng doanh nghiệp tiếp nhận vẫn phải đào tạo lại. Điều này đã bộc lộ đào tạo đại học tại nhiều trường đang chạy theo số lượng, hút sinh viên để bảo đảm nguồn thu mà chưa chú trọng chất lượng đào tạo.

Mỗi trường đại học muốn có chất lượng tốt cần bảo đảm các tiêu chí như chất lượng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu; tỉ lệ giảng viên trên sinh viên; chất lượng tuyển dụng; cơ sở vật chất, hạ tầng cho nghiên cứu, giảng dạy... Một khi các trường phấn đấu thành đại học đa ngành thì đương nhiên cũng cần bảo đảm các tiêu chí trên. Mở rộng ngành, lĩnh vực, quy mô đào tạo và thu hút thêm sinh viên là việc có thể làm được một sớm một chiều nhưng ngay lập tức bảo đảm được các tiêu chí về chất lượng cho đào tạo khi mở rộng là điều không tưởng.

Mong rằng các đại học và các trường đang muốn lên đại học không rơi vào vết xe kinh tế đa ngành./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/02/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét