Chính sách cần dựa vào nền tảng hợp lí và công bằng Bộ Y tế vừa đề xuất
phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc,
nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động
chi. Có thể nói đây là một đề
xuất chính sách khá nhân văn, hướng tới tăng thêm quyền lợi cho người lao
động (NLĐ). Hiện tỉ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt trên 93% dân số và mục
tiêu đến năm 2025 sẽ bao phủ BHYT trên 95% dân số. Đề xuất này chắc chắn khiến
doanh nghiệp lo ngại bởi mấy năm qua do dịch bệnh, kinh tế thế giới đình đốn
nên doanh nghiệp chỉ cần phấn đấu trả đủ lương, đóng BHYT, BHXH cho NLĐ đầy
đủ đã là tốt rồi. Nếu chính sách này được thực hiện sẽ gián tiếp tạo gánh
nặng cho doanh nghiệp. Dù chỉ 1-2% nhưng với doanh nghiệp một nghìn lao động mua
BHYT cho hàng nghìn người thân của họ sẽ là một số tiền không nhỏ.
Người thân phụ thuộc của
NLĐ theo pháp luật hiện hành là bố mẹ, vợ (chồng) không có việc làm hoặc hết
tuổi lao động không có thu nhập; con đẻ chưa đến tuổi lao động… Như vậy một
lao động có thể có nhiều người thân hoặc không có. Sẽ thế nào nếu doanh
nghiệp bỗng phải đóng BHYT cho nhiều người thân của một lao động? Pháp luật đã
có quy định nào chưa về trách nhiệm chi phí ngoài lương của chủ sử dụng NLĐ với
người thân của họ? Ngay trong những NLĐ cũng xuất hiện sự không công bằng
giữa người nhiều người thân và người ít hoặc không có người thân phụ thuộc
khi cống hiến cho doanh nghiệp như nhau. E rằng những lao động có nhiều người
thân phụ thuộc dạng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT sẽ khó giữ được
công ăn việc làm của chính họ. Chẳng chủ doanh nghiệp nào lại muốn sử dụng
những lao động có “một gánh” thân nhân “ăn theo” như thế! Không thiếu lí do
để chủ doanh nghiệp sa thải những lao động “nặng kí”! Được biết hiện chỉ có
lực lượng vũ trang là có chính sách BHYT cho người thân phụ thuộc của cán bộ,
chiến sĩ. Nguồn ngân sách cho chính sách này hoàn toàn do Nhà nước bảo đảm vì
đây là lực lượng làm nhiệm vụ mang tính đặc thù. Hiện nay nhiều doanh
nghiệp đang nợ hàng chục nghìn tỉ đồng bảo hiểm xã hội của NLĐ. Đây là vấn đề
nóng nhiều năm qua rất cần nhà quản lí sớm tìm ra giải pháp để chấn chỉnh
tình trạng này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Thiết nghĩ nếu nguồn
ngân sách Nhà nước có thể đủ hỗ trợ cho việc mua BHYT thì nên thực hiện theo
hướng khuyến khích NLĐ tự mua. Nhà nước có thể hỗ trợ một tỉ lệ đủ hấp dẫn để
NLĐ chủ động mua BHYT cho thân nhân của mình. Một chính sách như vậy chắc
chắn sẽ có tính khả thi cao, không gây ra sự bất bình đẳng và tạo thêm gánh
nặng cho doanh nghiệp./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 06/3/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét