Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Một chính sách thuế lạc hậu

 

Tư duy bất biến

Lạm phát 2 năm 2022 và 2023 của Việt Nam cộng lại là 6,4%. Quý 1/2024 lạm phát là 3,37%. Có thể coi từ 2022 đến nay đồng tiền mất giá khoảng 10%.

Tuy nhiên, đây là con số của chỉ số lạm phát chung, còn lạm phát trong túi tiền của người tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày thì không thể chỉ là 10%. Giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, gas… luôn duy trì xu thế tăng cao hơn hẳn lạm phát và “đánh” trực tiếp vào túi tiền người dân.

 

Năm 2022 một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, nhiều đại biểu tiếp tục phản ánh mức GTGC cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Mức 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc sau hơn 4 năm chắc chắn đã giảm nhiều về giá trị bởi biến động chỉ số lạm phát.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên ông cho biết, theo kế hoạch trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi. Có nghĩa nhanh nhất cũng cần hơn 2 năm nữa những khó khăn trong đời sống một bộ phận người dân mới hi vọng được cải thiện.  

“Cuộc sống cứ tiếp diễn còn chính sách cần tuân thủ kế hoạch”, đó là cách hiểu nôm na về quan điểm trên đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hai năm qua dư luận cử tri rất phấn khởi trước những tư duy và cách làm đột phá của Quốc hội khóa XV, đó là các kì họp bất thường để giải quyết những vấn đề nóng mà thực tiễn đặt ra, kể cả vấn đề phức tạp, nhạy cảm như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng... Qua 6 kì họp bất thường, nhiều vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng rất hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ từng phát biểu: “Với việc tổ chức thành công Kì họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kì họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.

Mong tư duy và quan điểm của người đứng đầu Quốc hội được lan tỏa đến bộ máy tham mưu xây dựng và vận hành chính sách, nơi thường xuyên tiếp cận với thực tiễn cuộc sống biến động. Đã nhận thấy chính sách không còn phù hợp thực tiễn mà vẫn bình tâm chờ kế hoạch, để cuộc sống chờ chính là tư duy bất biến!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  29/3/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét