Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Nhạy cảm để câu khách

 

Xây nền nghệ thuật điện ảnh lành mạnh

Với phong tục, truyền thống văn hóa Á Đông, thời gian dài trước đây cảnh quan hệ yêu đương trai gái rất ít xuất hiện trên màn ảnh, nếu có thì cũng chỉ là những cảnh huống ý nhị đúng với tâm lí, thuần phong, mĩ tục Việt Nam. Khi đó, khán giả xem phim châu Âu nếu có cảnh hôn hít thường quay đi, tránh nhìn vào màn ảnh. Nhiều tác phẩm điện ảnh nước nhà đặc sắc ghi đậm trong kí ức các thế hệ bởi nội dung sâu sắc, diễn xuất dung dị, mộc mạc cuốn hút khán giả và đi vào lòng người. Những tình huống thổ lộ tình yêu trai gái rất tinh tế, nhẹ nhàng mà vẫn giúp người xem hiểu rõ những cung bậc của tình yêu nam nữ.

Có lẽ sau những năm hội nhập với văn hóa hiện đại của thế giới, nhất là văn hóa Mỹ, châu Âu… phim ảnh của ta ngày càng xuất nhiều cảnh thể hiện tình yêu trai gái cuồng nhiệt không kém gì phim ảnh nước ngoài, thậm chí còn táo bạo hơn. Không ít đạo diễn chủ ý cài vào nhằm tạo “gia vị” thu hút khán giả, tăng doanh thu cho phim. Cả hai phim đang “nóng” tại các rạp chiếu là ‘Mai’, ‘Đào, phở và piano’ đều có những cảnh không thể chiếu cho mọi đối tượng.


Những cảnh ái ân ngày càng nhiều trên màn ảnh nhỏ

Trước thực trạng nhiều phim lạm dụng cảnh bạo lực, quan hệ tình cảm nam nữ quá mức nên năm trước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo đến khán giả khi phát hành theo 5 mức: loại P (phổ biến cho mọi độ tuổi), T18 được phép phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên), T16 (được phép phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên), T13 (được phép phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên), C (không được phép phổ biến) và K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ).

Dù pháp luật quy định cụ thể như vậy song khi ra rạp hình như các chủ rạp quên mất đã có Thông tư 05 kể trên. Điển hình là hai phim ‘Mai’, ‘Đào, phở và piano’ đều có các cảnh nóng cần dán nhãn. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh khi kiểm tra 7 cơ sở chiếu phim phát hiện 4 cơ sở vi phạm khi cho người chưa đủ 18 tuổi vào xem phim ‘Mai’…

Không chỉ phim chiếu rạp, một số phim trên kênh truyền hình trung ương thu hút đông đảo khán giả gần đây cũng không thiếu những cảnh “nóng” như ‘Anh có phải đàn ông không’, ‘Biệt dược đen’, ‘Chúng ta của 8 năm sau’… Phim truyền hình phổ cập toàn dân không thể dán nhãn thì đương nhiên những cảnh nóng đã vi phạm quy định.

Điện ảnh là một công cụ đắc lực trong thực hiện chủ trương của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Những phong cách, lối sống không phù hợp với thuần phong mĩ tục dân tộc nếu mãi tràn lan trên phim ảnh sẽ làm phai nhạt, lu mờ truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông dày công gây dựng từ hàng nghìn năm qua./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  10/3/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét