Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Đang quá dễ dãi với thú dữ

 

 Thú cưng hay thú dữ?

Theo khái niệm của từ điển thì thú dữ là loài động vật hoang dã có bản tính hung dữ, chưa được con người thuần hóa, hoạt động mang tính bản năng cao, có thể chủ động tấn cônggiết chết, thậm chí ăn thịt con người.

Tuy nhiên, thực tiễn không hẳn thú hoang dã mới là thú dữ. Có loài thú đã thuần hóa từ lâu, thân thiện với con người thì có lúc nó vẫn trở thành thú dữ do bản năng vốn có của loài thú, đó là loài chó nhà. Chuyện chó nuôi tấn công gây thương tích cho người và cả gây tử vong từng xảy ra không hiếm trong những năm qua. Năm trước, cụ bà 82 tuổi ở phường Bình Thắng (Bình Dương) bị một con chó Pitbull bất ngờ tấn công gây tử vong. Trước đó mấy năm ở thị trấn Lương Bằng (tỉnh Hưng Yên) xảy ra vụ một bé trai 7 tuổi bị đàn chó 7 con hung dữ tấn công dã man gây tử vong v.v…


Chó hung dữ luôn gây nguy hiểm cho cộng đồng  

Theo thống kê của cơ quan chức năng thì năm 2023 đã có gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng, 82 người tử vong vì bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có khoảng 100.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng và 27 người tử vong vì bệnh dại.

Những vụ việc và thực tiễn trên cho thấy một loài mà nhiều người coi là thú cưng song đã gây ra tai họa cho con người nhiều hơn cả thú dữ. Một số loài chó như Pitbull, chó lai thực sự là thú dữ, nó có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Còn chó nhà một khi mắc bệnh dại hoặc bị kích động, có bầy đàn thì cũng trở thành và có thể trở thành thú dữ.

Năm 2018 Quốc hội đã ban hành Luật chăn nuôi, tại Điều 66 của luật quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu như: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; khi nghi ngờ có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…

Những điều luật trên tuy khá đầy đủ song tính khả thi lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của con người, cụ thể là chủ nuôi. Thực tế cho thấy rất nhiều chủ nuôi thú coi thường quy định của pháp luật, bất chấp sự an toàn của cộng đồng bởi việc xử phạt còn quá ít ỏi và nhẹ tay.

Để giảm thiểu tai họa từ thú nuôi, thiết nghĩ cơ quan quản lí cần nghiên cứu đưa thú nuôi, nhất là chó nhà vào danh mục thú dữ, tuyệt đối cấm thả tự do ngoài khuôn viên nơi ở của chủ nuôi. Khi đã được coi là thú dữ, nếu chúng thoát ra cộng đồng thì cho phép mọi cá nhân, tổ chức được phép dùng các biện pháp cần thiết loại bỏ mối nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/3/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét