Kế sách hay… “hạ
sách”? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang
đề xuất xây dựng trước hai đập dâng trên sông Hồng tại khu vực Xuân Quan
(Văn Giang - Hưng Yên) và khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến
khởi công vào giai đoạn từ năm 2026-2030 để phục vụ thủy lợi, kế hoạch phát
triển đô thị ven sông và hồi sinh các sông chết. Với kế sách này, viễn cảnh được nghĩ đến là
nhiều dòng sông đang chết như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy… sẽ hồi sinh, khi đó dòng sông
đô thị trong xanh, cá tôm bơi lội tung tăng nhờ nguồn nước mát từ sông Hồng chuyển
vào. Hiện trạng sông Tô Lịch Hiện trạng trên cả nước biết bao dòng sông từ
Bắc vào Nam đang dần trơ đáy mà “thủ phạm” ai cũng có thể biết, đó là những
con đập thủy điện phía thượng nguồn. Sông Hồng cũng là một dòng sông chịu hệ
quả phục vụ phát triển thủy điện khiến hạ du “khát nước”. Lượng phù sa ngày
một ít đi cùng lượng nước hạn hữu, nông dân chỉ còn trông chờ vào các đợt xả nước
của đập thủy điện cho việc canh tác mùa vụ. Thiếu nước từ thượng nguồn cùng
lượng nước xả thải hai bên gia tăng khiến các dòng sông ngày thêm ô nhiễm,
ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu cư dân bên các lưu vực đang phải sử
dụng nguồn nước sinh hoạt từ dòng sông. Giả sử hai đập dâng trên tại sông Hồng được phép triển khai thì sẽ lợi
và hại thế nào? Trước hết về “cái lợi”, cư dân hai bên sông
phía thượng lưu (tính từ đập trở lên thượng nguồn” sẽ hưởng lợi vì có nguồn
nước dồi dào. Các dòng sông đang ô nhiễm nặng nề sẽ được một lượng nước đưa
vào pha loãng (chứ không thể làm sạch vì vốn dĩ nó chưa được xử lí). Còn cái hại, chắc chắn cư dân phía hạ lưu sẽ
chịu hệ quả vì nước sông vốn đã cạn kiệt nay sẽ cạn kiệt hơn, sông ô nhiễm càng
ô nhiễm hơn. Điều đáng lo nhất là nguy cơ xâm nhập mặn cho khu vực đồng bằng châu
thổ sông Hồng, vựa lúa lớn nhất miền Bắc, nơi từ bao đời chưa chịu tác động
từ hình thái thủy văn khắc nghiệt này. Được biết những năm gần đây đã manh
nha hiện tượng xâm nhập mặn tại sông Hồng, có thời điểm nước mặn từng dâng
lên đến Thường Tín (Hà Nội). Khi lượng nước cạn kiệt thêm, chắc chắn sông
Hồng phía hạ lưu đập dâng không thể phục vụ canh tác nông nghiệp và cung cấp
nước sinh hoạt cho người dân vì xâm nhập mặn. Mọi công trình tác động tới tự nhiên trước
khi triển khai cần được đánh giá tác động môi trường một cách tổng thể, toàn
diện. Không biết cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã có đánh giá thế nào về tác
động môi trường khi đề xuất xây hai đập dâng trên? Chưa cần tới nhà chuyên
môn hay chuyên gia môi trường mà người dân bình thường cũng có thể hình dung
ra hệ quả xấu khi các đập ngăn sông được xây dựng. Kế sách ngăn sông rất có
thể sẽ là một… “hạ sách”!/. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 04/4/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét