Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Cần nhận thức đúng về chữ hiếu

 

 “Mẫu giáo” cuối đời

Với mỗi con người chúng ta có hai giai đoạn yếu thế cần nhận được sự yêu thương, chăm sóc đặc biệt của gia đình, cộng đồng, đó là lúc còn bé thơ và khi già yếu, bệnh tật.

Tuổi cao, sức yếu, trí tuệ kém minh mẫn, lúc nhớ khi quên, tính tình thay đổi, hay chấp nhặt, dễ dỗi hờn… đó là đặc trưng của nhiều NCT. Có thể ví vui là tuổi càng cao con người ta càng trở lại thời trẻ con và NCT giống những “trẻ mẫu giáo” cuối đời.

Với mô hình mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con từ cách đây gần 50 năm, nhiều cặp vợ chồng khi hoàn thành việc nuôi dạy con cái trưởng thành thì cũng là lúc bắt đầu lo việc chăm sóc ông bà, cha mẹ.


Thời xa xưa, khi chưa có trường lớp mẫu giáo, việc chăm nom trẻ thơ chủ yếu là chị cõng em, cô trông cháu. Khi bố mẹ đi làm trẻ con tự trông nom nhau chơi bời vạ vật, mặt mày nhem nhuốc... Khi đất nước phát triển, hệ thống giáo dục mầm non đã phủ rộng đến những vùng quê khó khăn nhất. Thành quả này giúp trẻ thơ ngày một được chăm sóc tốt hơn, đồng thời giúp các gia đình trẻ nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Nay giả sử thiếu vắng hệ thống trường mẫu giáo thì các gia đình trẻ sẽ thế nào? Nhìn vào mấy năm đại dịch Covid-19 cho thấy, khi các lớp tiểu học, mẫu giáo đóng cửa đã khiến nhiều gia đình đảo lộn nếp sinh hoạt và công việc.

Có thể khẳng định, cùng với môi trường gia đình, hệ thống trường mẫu giáo là nơi tốt nhất cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ thơ. Vậy còn với thế hệ “mẫu giáo cuối đời” thì gia đình, xã hội đã và đang đáp ứng được những gì?

Với nhu cầu tất yếu của xã hội, các trung tâm chăm sóc NCT, nhà dưỡng lão đã được hình thành và đang đà phát triển. Đây cũng là những “trường mẫu giáo” của NCT trong một xã hội phát triển khi bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên với nền văn hóa Á Đông, tư duy từ nghìn đời như đã mặc định, người già phải được con cháu trực tiếp chăm nom, nuôi dưỡng, nếu không làm được như vậy là bất hiếu! Có ý kiến còn cho rằng con cháu chi một khoản tiền dù không nhỏ gửi bố mẹ, ông bà vào trung tâm dưỡng lão cũng chỉ là “dùng tiền mua chữ hiếu”! Những cách nhìn cứng nhắc, đóng khuôn và bất biến như vậy chính là rào cản tư duy khiến nhiều NCT không được chăm sóc tốt nhất cả về vật chất và tinh thần.

Với những dịch vụ chuyên nghiệp của các trung tâm dưỡng lão; với một cộng đồng cùng trang lứa, tin rằng cuộc sống của NCT tại đây chắc chắn không kém môi trường gia đình. Với những gia đình mà con cái còn đang lo toan mưu sinh, chăm sóc con trẻ thì NCT còn chịu thiệt thòi và khó khăn hơn. 

Nếu cứ coi người thân phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mới thể hiện hiếu thuận, mới là tốt nhất thì phải chăng các gia đình trẻ cũng cần trực tiếp nuôi dạy con mình khi tuổi thơ mà không nên gửi vào trường mẫu giáo?

Chăm sóc NCT hiện nay cần một cách nhìn cởi mở và nhận biết thực sự NCT đang muốn gì chứ không phải ta chăm sóc NCT bằng hình thức nào./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  26/4/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét