Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Lãng phí trong xây dựng đường

 

 Khoáng sản lót đường

Cát là vật liệu xây dựng rất quan trọng, trước đây khá dồi dào song đến nay ngày càng khan hiếm nên cũng có thể coi như một loại khoáng sản quý. Giá cát liên tục tăng trong những năm qua, tùy theo từng loại phục vụ cho xây dựng, giá cát hiện tại vào khoảng 150.000-215.000,đ/m3. Một loại khoáng sản có trữ lượng hữu hạn nhưng đang được sử dụng lãng phí, đó là dùng lót nền móng xây dựng đường giao thông!

Do nhu cầu tăng cao trong xây dựng nên nguồn tài nguyên này đang ngày càng cạn kiệt. Hầu hết các dòng sông từ Bắc vào Nam đến Tây Nguyên, nơi nào có trữ lượng cát đều đã được khai thác đến mức không còn an toàn với môi trường. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng gia tăng sạt lở bờ sông, bãi bồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất và sinh sống của người dân bên các dòng sông. Những vụ sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long hay tuyến sông Cầu tại Bắc Ninh gần đây là hệ quả tất yếu của việc nạo hút cát vô tội vạ tại các dòng sông. Trong khi đó hàng loạt tuyến giao thông trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam, các công trình trọng điểm giao thông đô thị đều đang thiếu nghiêm trọng cát san lấp và đối mặt với chậm tiến độ.


Nhu cầu san lấp thi công đường giao thông rất lớn

Một nghịch lí đang xảy ra là nếu tăng cường quản lí chặt việc khai thác cát trên các dòng sông thì sẽ không đủ nguồn vật liệu cho xây dựng (cả xây dựng bất động sản và đường giao thông) đồng thời sẽ đẩy giá vật liệu tăng cao. Song, nếu cho phép tăng công suất khai thác cát sông sẽ để lại hậu quả ngày một nặng nề hơn về môi trường và dân sinh… Thực trạng này cần có lời giải khác cho bài toán vật liệu san lấp công trình giao thông. 

Nhiều chuyên gia đã có ý kiến về việc đa dạng hóa vật liệu san lấp khi làm đường trong đó có cát biển và đất, nhất là đất đồi núi. Cát mặn đã được thử nghiệm cho kết quả khả quan và cần sớm đưa vào thực hiện trên diện rộng vì đây cũng là nguồn vật liệu dễ khai thác, ít ảnh hưởng môi trường. Còn đối với nguồn đất đồi núi, hiện trữ lượng khá dồi dào cần được nghiên cứu quy trình, kĩ thuật phối trộn bảo đảm tính chất cơ lí đáp ứng cho san lấp để dần thay thế hoàn toàn nguồn cát san lấp hiện nay.

Muốn thực hiện được giải pháp này thì trước tiên cơ quan quản lí, phê duyệt thiết kế, dự toán các dự án giao thông cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lí, quy trình kĩ thuật, tiêu chuẩn vật liệu san lấp xây dựng công trình giao thông với nguồn cát biển và đất san lấp. Khi đã có nguồn vật liệu thay thế sẽ tiến tới hạn chế tối đa việc khai thác cát trên các dòng sông./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  07/5/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét