Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Đồ chơi bạo lực

 

 Vũ khí đồ chơi

Vũ khí là công cụ dùng sát thương, phá hủy sự sống và mọi vật, do đó nó không thể là đồ chơi. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, vũ khí là mặt hàng cấm, chỉ được phép mua bán, vận chuyển, sử dụng khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sử dụng vũ khí là hành động bất hợp pháp với mọi người dân, nhận thức được quy định này nên mọi người luôn có ý nghĩ phải tuân thủ nghiêm.

Tuy nhiên có một thực tế mà chưa được nhiều người, kể cả cơ quan quản lí quan tâm, đó là những đồ chơi mô phỏng vũ khí dành cho trẻ em. Đó là những thanh gươm, dao găm, khẩu súng, trái lựu đạn… bằng nhựa, được sản xuất giống hệt đồ thật. Chẳng thế mà một số kẻ tội phạm đã sử dụng súng nhựa đi cướp ngân hàng. Đặc biệt, đã có những súng đồ chơi còn có thể bắn được đạn nhựa gây sát thương ở cự li gần rất nguy hiểm. Những đồ chơi vũ khí này đang được sản xuất, buôn bán, nhập khẩu và bày bán tự do tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em, tại các cổng trường mẫu giáo, tiểu học mà không có ai kiểm tra, quản lí.  


Không chỉ gây nguy hiểm khi sử dụng làm đồ chơi, việc trẻ em được tiếp cận, sử dụng vũ khí giả sẽ định hình nhận thức, tính cách chuộng vũ khí, có thể dùng vũ khí để đe dọa, uy hiếp người khác. Việc trẻ em dùng gươm giả tập trận hay sử dụng súng giả bắn nhau tưởng vô hại song đó rất có thể sẽ dần định hình tính cách ưa dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn từ khi còn nhỏ tuổi.

Là một mặt hàng có tác động nguy hại như vậy với trẻ em song pháp luật lại chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ và việc quản lí của cơ quan chức năng cũng như đang bị buông lỏng. Hiện mới chỉ có Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ngày 18/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành “danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác, súng bắn nước…) là những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Như vậy hơn 20 năm qua chưa có một thông tư hay nghị định nào về sản xuất, buôn bán, quản lí về đồ chơi trẻ em. Còn Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM của Bộ Thương mại có thể đã đi vào quên lãng với chính quyền và cơ quan quản lí các cấp.

Đồ chơi trẻ em có thể không phải là vấn đề lớn, song đã đến lúc cần quan tâm hơn trong sự nghiệp trồng người./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  29/5/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét