Nhầm lẫn trong thưởng thức nghệ thuật Nghệ thuật là sự sáng tạo trên cơ sở thực tiễn cuộc sống,
người nghệ sĩ tham gia vào quá trình sáng tạo đó nhưng họ không đồng nhất với
chất liệu của nghệ thuật. Do tâm lí, tình cảm của con người, lí trí bị lấn át đồng thời
với tư duy cảm tính khiến con người khi cảm thụ nghệ thuật thường quên đi
ranh giới giữa nghệ thuật và thực tiễn cuộc sống. Việc này thường xảy ra với
các loại hình nghệ thuật điện ảnh, sân khấu… Những nghệ sĩ đóng vai chính
diện thường được khán giả yêu mến và ngược lại, nghệ sĩ đóng vai ác, kẻ xấu
thường bị chê bai, thậm chí căm ghét. Nghệ sĩ Nguyễn Hải do luôn được trao
nhiều vai phản diện nên bị nhiều khán giả chê ghét, đến cả người thân cũng
phản đối. Thế nhưng ít người biết anh là một sĩ quan (hàm đại tá) công tác
trong Đoàn kịch nói Công an nhân dân của Bộ Công an trước khi nghỉ hưu. Hay cố
nghệ sĩ Chu Hùng, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội có dáng băm trợn, nổi
tiếng với nhiều vai giang hồ cộm cán trong các phim hình sự cũng bị nhiều
người rất… “ghét”! Quang Sự và Thu Trang trong phim Trạm cứu hộ trái tim Cũng như nhiều diễn viên điện ảnh bị “ghét” lâu nay, những
ngày qua hai diễn viên Lương Thu Trang (vai An Nhiên) và Quang Sự (vai Nghĩa)
trong bộ phim truyền hình “Trạm cứu hộ trái tim” đang trình chiếu trên VTV1 đã
nhận nhiều “gạch đá” của một bộ phận khán giả. Đó chính là những người luôn
đồng nhất giữa nhân vật trên phim ảnh với con người ngoài đời thực. Họ bị tình
cảm che mờ lí trí hoặc cố tình để lí trí cho cảm xúc che khuất. Nếu những
phản ứng yêu ghét chỉ trong suy nghĩ thì chẳng sao nhưng các bình luận, phát
ngôn, phán xét công khai trên mạng xã hội sẽ gây hậu quả xấu, tác động tới
tâm tư, tình cảm của diễn viên. Thực chất những người này đã vi phạm luật
pháp, làm tổn hại về tinh thần với những nghệ sĩ đang nỗ lực cống hiến cho
nghệ thuật. Mấy năm trước đã xảy ra câu chuyện lùm xùm về một diễn viên
điện ảnh vốn được nhiều đạo diễn giao thủ vai chính diện, luôn là người tốt,
mẫu mực trên màn ảnh nên được nhiều khán giả yêu mến. Thế rồi bỗng anh này
cùng một đồng nghiệp khi đi du lịch châu Âu đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng, bị
cơ quan hành pháp nước sở tại xử lí. Vậy đâu cứ được thủ vai chính diện sẽ
mặc nhiên là người chuẩn mực và ngược lại? Hiện nay trong cuộc sống đang có không ít những “diễn viên”
không chuyên trình độ giỏi chẳng kém diễn viên điện ảnh. Bằng cách diễn tinh
vi như thật, họ tổ chức hội thảo bán hàng từ thiện, tặng quà, tiền… khiến
nhiều người tin “sái cổ” rồi bị đưa vào kịch bản lừa đảo, kết quả là “tiền
mất, tật mang”. Những người bị lừa dạng này có thể coi cũng đang bị nhầm lẫn
giữa cuộc sống và “nghệ thuật” của bọn lừa đảo. Thưởng thức nghệ thuật là để con người thẩm thấu cái đẹp, nét nhân
văn và phê phán, tránh xa cái xấu trong cuộc sống giúp chính chúng ta trở
thành người tốt. Thưởng thức nghệ thuật cũng như thưởng thức một món ăn, ta
không thể nhầm lẫn./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 07/5/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét