Đấu thầu vàng cần sự khác biệt Trước thực trạng
bất hợp lí khi giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá thế giới,
nhất là vàng miếng SJC, liên tục thời gian qua Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tìm giải pháp khắc phục. Gần đây nhất tại
Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà
nước thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí
hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải
pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị
trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu
quả; quản lí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc
phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và
quốc tế ở mức cao. Một trong những
giải pháp được NHNN khẩn trương thực hiện là đấu thầu vàng miếng SJC nhằm
tăng cung, từng bước giảm sự chênh lệch giá vàng so với thị trường thế giới.
Như vậy mục tiêu của đấu thầu vàng đã rõ - hạ giá vàng trong nước.
Thông thường việc
đấu thầu sản phẩm hàng hóa gì đó là người bán hướng tới đạt mức giá tốt nhất
(cao hơn giá mời thầu). Tuy nhiên việc đấu thầu vàng lúc này lại nhằm kéo giá
xuống, không giống với các cuộc đấu thầu khác, vậy cách làm có cần sự khác
biệt hay không? Qua hai cuộc đấu
thầu của NHNN cho thấy việc tổ chức đấu thầu không khác các cuộc đấu thầu
thông thường, giá mời thầu luôn bám sát giá thị trường, giá trúng thầu cũng
gần bằng giá thị trường. Cuộc đấu thầu ngày 23/4 giá giá tham chiếu mỗi lượng
vàng miếng SJC là 80,7 triệu đồng; giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu
đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Còn tại
phiên đấu giá ngày 8/5 giá trúng thầu cao nhất và duy nhất là 86,05 triệu
đồng/lượng vàng SJC. Ngay sau phiên đấu thầu, trưa 8/5, giá vàng 9999 SJC bật
tăng lên mốc 87,5 triệu đồng/lượng! Như vậy cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng
lại bật tăng. Chỉ qua hai phiên
đấu thầu dù khối lượng bán ra không nhiều song lại như “liều kích thích” giúp
giá vàng trong nước tiếp tục tăng cao, đi ngược với mục tiêu đề ra. Rõ ràng
cách đấu thầu vàng như thông thường không thể đạt mục tiêu mong đợi. Do đó, nếu
dự trữ vàng Nhà nước đủ cung ứng cho thị trường thì chỉ có thể bán ra ở mức
thấp hơn thị trường, đủ hấp dẫn, phiên sau thấp hơn phiên trước thì giá vàng mới
dần được kéo xuống. Làm như vậy Nhà nước sẽ phải hi sinh về kinh tế, song chỉ
có như vậy mới bình ổn được thị trường vàng. Nhiều chuyên gia
cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP và mở cửa cho
doanh nghiệp nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vấn đề tỉ giá USD
sẽ có tác động khi tăng nhập khẩu vàng song dự trữ ngoại hối của NHNN hiện đã
khác nhiều so với thời điểm 2012 (dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 đạt
khoảng 100 tỉ USD, năm 2024 dự báo lên hơn 110 tỉ USD so với 23 tỉ USD của
năm 2012). Tiềm lực này giúp Nhà nước có dư địa đủ mạnh để can thiệp, điều
chỉnh tỉ giá USD khi có biến động./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 11/5/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét