Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Quản lí hàng ăn vỉa hè

 

Tiêu chuẩn cho quán vỉa hè

Gần cơ quan tôi có quán phở ngon luôn khá đông thực khách, lúc nào tới cũng phải chờ đợi. Hợp khẩu vị nên khi còn làm việc tôi thường ăn sáng tại đây, lúc nghỉ rồi đôi khi vẫn tới ăn dù nơi đó không thật gần.

Có lần tôi mang cạp lồng mua phở về cho vợ con thưởng thức song mọi người đều nhận xét: nước phở mặn! Lần khác tôi rủ anh bạn tới ăn tại đây anh cũng phải xin chủ quán phích nước sôi chế vào nước phở cho nhạt bớt. Tôi biết mình vốn ăn mặn nhưng lúc ây mới chợt nghĩ tật ăn mặn của bản thân có thể đã hơi quá, cần điều chỉnh. Thế nhưng tôi nhận thấy hầu hết thực khách trong quán phở này vẫn thưởng thức ngon lành, chẳng mấy người chê mặn, thậm chi có vài người còn chế thêm gia vị khi ăn. Vậy là đa số khách hàng của quán có hoặc đã hình thành thói quen ăn mặn từ quán này.


                              Quán vỉa hè chưa được quản lí chất lượng

Hôm 1/5 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng tại phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh tỉnh Đồng Nai. Ban đầu ghi nhận 70 ca nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện, những ngày tiếp theo lại có hàng chục người khác và nay đã tới hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại các bênh viện trong khu vực.

Quán phở tôi kể trên hay tiệm bánh mì gây ngộ độc ở Đồng Nai có điểm chung dù chỉ là quán ăn vỉa hè do gia đình kinh doanh song lại thường xuyên phục vụ rất nhiều người, chẳng kém gì một bếp ăn tập thể. Với cơ sở kinh doanh ăn uống lớn hay bếp ăn tập thể thường được cơ quan quản lí quan tâm kiểm tra về điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến, nhân lực tối thiểu cho phục vụ… Mỗi bữa phục vụ có lưu nghiệm thức ăn đã chế biến để theo dõi khi xảy ra vấn đề. Còn quán nhỏ vỉa hè hầu như nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn, có chăng chỉ bị kiểm tra, nhắc nhở khi lấn chiếm không gian, gây cản trở giao thông…

Khi xảy ra ngộ độc, mất an toàn cấp tính thì mới biết về chất lượng và sẽ được xử lí. Tuy nhiên nếu chỉ độc hại ở mức không thể nhận biết ngay, được thẩm thấu dần thì cũng không kém nguy hiểm. Ví dụ quán phở mặn kể trên tạo ra một lượng thực khách “nghiện” ăn mặn, đây là những “lực lượng tiềm năng” của căn bệnh tăng huyết áp. Nay nhiều người đã biết, muối có thành phần chính là natri với tính chất hút nước khi thẩm thấu vào thành của động mạch, natri sẽ làm cho động mạch bị thu hẹp gây co mạch dẫn đến áp suất tăng, từ đó làm tăng huyết áp.

Đã đến lúc những quán vỉa hè đông người đến một mực độ nhất định cũng cần được cơ quan quản lí đưa ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn và kiểm tra để bảo đảm an toàn cho cộng đồng./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  22/5/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét