Thí điểm hay cấm? Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT,
TLNN) là những sản phẩm
mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Dù
xuất hiện chưa lâu song bằng chứng khoa học và thực tiễn đã cho thấy độc tính, ảnh hưởng sức
khỏe lâu dài của các sản phẩm này. Rất nhiều
các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ khi sử dụng và tiếp
xúc thụ động với TLĐT,
TLNN. Độc tính của TLĐT, TLNN ảnh hưởng xấu tới sức khỏe Việc sử dụng TLĐT, TLNN ảnh
hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh
răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác. Hậu quả nổi bật nhất là Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc
lá điện tử. Tại Mỹ, đến tháng 2 năm 2020 ít nhất 2.807
trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do TLĐT, TLNN… Khác với thuốc lá điếu
hiện đang có các doanh nghiệp trong nước sản xuất mang lại một lượng nhất
định về doanh thu và việc làm cho người lao động, còn TLĐT, TLNN hoàn toàn
nhập lậu từ nước ngoài, chỉ mang lại lợi nhuận cho đối tượng buôn lậu. Như
vậy TLĐT, TLNN không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế trong khi thực tiễn
nó đã để lại hậu quả xấu về sức khỏe cho cộng đồng. Hiện trên thế giới có ít
nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn
các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm
hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Điển hình là Thái Lan đã cấm nhập khẩu, xuất khẩu, bán, sở hữu và sử dụng các
sản phẩm thuốc lá điện tử đã được áp dụng từ tháng 11/2014. Ngày 5/5 vừa qua Ủy ban
Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã tổ
chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lí nhà nước về phòng, chống tác hại
của TLĐT, TLNN. Với những vấn đề đặt ra như trên những tưởng sẽ dễ dàng
có sự đồng thuận của các cơ quan quản lí trong việc sớm đưa mặt hàng độc hại
này vào danh mục cấm nhập khẩu và sử dụng. Song đáng ngạc nhiên là đại diện
của Bộ Công thương lại muốn thí điểm quản lí TLĐT, TLNN trong một phạm vi và
thời gian nào đó (được hiểu là cho phép nhập khẩu và lưu hành, sử dụng có
kiểm soát)! Không rõ mục tiêu thí điểm là gì, phải chăng sau thí điểm sẽ nhân
rộng việc nhập khẩu, cho phép sử dụng TLĐT, TLNN? Năm 2019 Cục Xuất nhập
khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hướng dẫn, theo đó mặt hàng thuốc lá điện
tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS và tương tự… chưa
được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn kĩ thuật và quy chuẩn kĩ thuật để
nhập khẩu vào Việt Nam. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
có quản lí hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế không cho phép đưa mặt hàng
thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy để bán hàng miễn thuế. Đây là
tiền lệ tốt để tiến tới cấm buôn bán, nhập khẩu và sử dụng TLĐT, TLNN. Mọi chính sách và giải pháp
quản lí trước tiên phải hướng tới bảo vệ lợi ích cộng đồng, nhất là về sức
khỏe. Cho thí điểm quản lí TLĐT, TLNN chẳng khác nào giúp hình thành một “tệ
nạn thế hệ mới”!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 10/5/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét