Hướng nghiệp vị… thành tích! Vận động hướng nghiệp cho học sinh cấp trung
học cơ sở (THCS) có lực học chưa thật tốt thi vào các trường nghề là một chủ
trương đúng đắn, nhân văn. Với yêu cầu mức độ kiến thức nhất định, trường
nghề là cơ hội tốt giúp các em học sinh tiết kiệm chi phí quá trình học tập,
phù hợp với năng lực cá nhân. Chủ trương này đã giúp nhiều học sinh có hướng
đi đúng đắn, sớm tiếp cận được thị trường lao động, tạo được thu nhập, giảm
bớt được gánh nặng cho gia đình. Không ít các em với tay nghề tốt đã có thu
nhập cao trong khi nhiều bạn cùng trang lứa vẫn đang “vật lộn” trong giảng
đường đại học. Song, chủ trương hướng nghiệp chỉ thực sự nhân
văn khi đó là nguyện vọng tự thân của học sinh và gia đình. Không phải học
sinh học lực trung bình hay yếu nào cũng muốn từ bỏ, không nỗ lực học tập để
hướng tới một kết quả tốt hơn. Không ít học sinh khi học cấp THCS chỉ đạt
trung bình nhưng lên trung học phổ thông (THPT) đã vươn lên khá giỏi nhờ sự
nỗ lực không ngừng. Việc hướng nghiệp là làm cho các em nhận thấy cái được nếu
chuyển hướng sang học nghề, những rủi ro, bấp bênh khi theo đuổi học vấn cao mà
năng lực bản thân còn nhiều hạn chế… Nếu các em nhận ra hướng đi đúng đắn và
làm theo, đó là kết quả của công tác vận động hướng nghiệp. Tuy nhiên nhiều
năm qua cứ đến dịp thi chuyển cấp lại rộ lên câu chuyện vận động hướng nghiệp
mang dáng dấp sự ép buộc. Chẳng hạn tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, quận Hóc
Môn, TP Hồ Chí Minh đã buộc phụ huynh phải viết “đơn xin tự nguyện cho con
không thi lớp 10”; phụ huynh học sinh tại Trường THCS Tiến Thịnh huyện Mê
Linh, TP Hà Nội bất ngờ khi biết con họ không được phát đơn đăng kí dự thi
vào lớp 10; phụ huynh Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang huyện Nghi Lộc, tỉnh
Nghệ An phản ánh con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10 vì lí do
thi khảo sát 3 môn toán, văn ngoại ngữ không đạt 12 điểm; tại Bắc Ninh, những
năm trước đã có tình trạng giáo viên dọa học sinh yếu nếu cố tình đăng kí dự
thi vào THPT công lập sẽ không xét tốt nghiệp THCS… Điểm chung của cách hành
xử trên của các nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm đều nhằm mục đích “đẩy”
học sinh yếu ra khỏi kì thi vào lớp 10. Được biết dù hiện nay kết quả thi vào lớp 10
THPT không còn là tiêu chí đánh giá thi đua song kết quả này vẫn là một
tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng trường THCS. Uy tín, “bộ mặt” của nhà
trường, năng lực của giáo viên, thậm chí của các cơ quan quản lí cấp trên…
vẫn dựa vào con số thấp cao của học sinh đỗ vào các trường công lập. Học sinh
học yếu dự thi sẽ kéo kết quả chung xuống, dẫn đến “tụt hạng” trên “bảng tổng
sắp”… Đây vẫn là biểu hiện cụ thể của căn bệnh trầm kha mang tên “thành tích”
của ngành giáo dục. Nếu vẫn coi kết quả thi vào lớp 10 là cơ sở
đánh giá năng lực, uy tín, hiệu quả của một trường, một lớp thì nên thực hiện
theo cách: lấy tổng số học sinh đỗ chia cho tổng học sinh tham gia năm học đó.
Số học sinh phân luồng hướng nghiệp không thể “đứng ngoài” để tôn lên một
thành tích ảo./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 25/5/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét