Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Một quy định sẽ khó khả thi

 

Pháp luật cần dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn cuộc sống

Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được soạn thảo có nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu với người điều khiển phương tiện giao thông.    

Điều này có nghĩa bất kì ai muốn sử dụng phương tiện giao thông thì tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, dù chỉ một ngụm nhỏ loại rượu nhẹ như vang, sâm banh. Thực tiễn hiện nay với người trưởng thành, người có sức khỏe bình thường hầu hết đều sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hằng ngày. Quy định như trên chẳng khác nào với đa số người, rượu bia là thứ bị cấm!


Rượu bia là một loại hàng hóa được phép kinh doanh và người trưởng thành được phép sử dụng. Rượu bia đã xuất hiện, cùng song hành với cuộc sống con người như một nét văn hóa ẩm thực từ hàng nghìn năm qua. Sử dụng một liều lượng nhất định, rượu bia còn có lợi cho sức khỏe con người. Rượu bia là thứ không thể thiếu trong các bữa tiệc từ tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến đám hiếu hỉ hay tại gia đình những ngày tết cổ truyền. Ngay tại các buổi lễ thết đãi ngoại giao cấp Nhà nước, rượu nhẹ vẫn được sử dụng như một nét văn hóa kết nối tình hữu nghị. Tóm lại rượu bia không phải là thứ xấu xa, chỉ có con người lạm dụng khiến nó gây hệ quả và mang tiếng xấu mà thôi.

Khoa học đã xác định được rượu bia gây tác động xấu cho sức khỏe khi con người lạm dụng, uống nhiều khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao và đến một mức độ nhất định gây mất kiểm soát hành vi. Pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) sẽ bị xử lí hành chính khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lí hình sự. 

Việc xử phạt nặng với hành vi vi phạm pháp luật giao thông liên quan đến rượu bia là rất cần thiết. Việc tăng cường kiểm tra xử lí lỗi này thời gian qua đã có tác động tốt tới ý thức mọi người. Nay ngồi tại bữa tiệc hiếu hỉ, chỉ cần người được mời rượu nói phải lái ô tô, xe máy sau bữa ăn là chẳng ai ép uống như trước đây.

Đưa vào điều khoản pháp luật chỉ cần có nồng độ cồn trong khí thở sẽ xử phạt là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.

Các cơ quan tham gia soạn thảo luật cần phối hợp với các ngành y tế, khoa học để đưa ra những quy chuẩn, hàm lượng, nồng độ cồn phù hợp nhất bảo đảm ở một mức độ tối thiểu cho phép con người sử dụng mà vẫn an toàn. Bên cạnh đó cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này./.  

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  31/01/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét