Không giỗ… người sống! Ngày giỗ còn gọi là húy nhật hay kị nhật, tổ chức vào ngày mất
của một người tính theo âm lịch. Đây là dịp để hằng năm con cháu và người
thân tổ chức cúng cơm tưởng nhớ đến người đã khuất. Cúng giỗ là một truyền thống văn hóa đẹp của người Việt, không
có ở nhiều nước khác, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, tấm lòng kính
trọng, nhớ ơn của người đang sống với người đã khuất. Tuy nhiên thời nay “phú quý sinh lễ nghĩa”, việc cúng giỗ đôi
khi không còn đúng với nét đẹp truyền thống. Tại một số địa phương vẫn còn
tập tục giỗ lớn, giỗ nhỏ đều mời hết họ hàng gần xa, thậm chí cả khách có các
mối quan hệ khác (không phải họ hàng). Khách được mời dự cỗ giỗ đều phúng lễ
phong bì chẳng khác nào góp tiền ăn cỗ. Vì thế không ít người dù ứng xử với
ông bà cha mẹ khi còn sống chưa tròn đạo hiếu, thậm chí bất hiếu song khi
người thân mất đi lại luôn tổ chức giỗ chạp linh đình, mâm cao cỗ đầy và mời
hết cả thân sơ, xa gần nhằm trục lợi hoặc quảng bá lòng hiếu thảo.
Do hiện nay hầu hết người lao động, lớp trẻ đều vào làm công
nhân trong các khu công nghiệp không dễ được nghỉ ngày làm việc nên tại quê
tôi hình thành lệ ngày Chủ nhật, thứ bảy trở thành những ngày làm đám giỗ.
Nếu ngày kị nhật rơi vào ngày làm việc thì Chủ nhật trước đó sẽ làm giỗ để
con cháu, họ hàng có mặt đông đủ. Nhiều người nói vui việc giỗ chạp nay chủ
yếu là giỗ… người sống bởi người mất chắc gì biết là con cháu cúng lệch ngày!
Cách đây từ hơn chục năm tại quê tôi các dòng họ đã đề ra quy
ước là các ngày giỗ sơ không được đi lễ và nhận nhận phong bì tiền. Chính vì
vậy việc làm cỗ to, mời rộng trong ngày giỗ thường hằng năm đã dần được hạn
chế về quy mô. Người quá cố, nhất là đã đi xa hàng mấy chục năm thì việc giỗ
chạp chỉ có ý nghĩa với con cháu trong gia đình, họ hàng thật gần gũi vì đó
là dịp để nhắc nhớ con cháu tri ân, không quên tổ tiên. Muốn đạt được mục
đích như vậy thì ngoài cỗ bàn đầy đặn cũng cần có việc người lớn, người cao tuổi
dành thời gian kể những câu chuyện hay, nhất là về thành tựu, công lao mà đấng
sinh thành đã đạt được khi còn sống để cháu con biết, từ đó thêm tự hào và
noi gương. Ngày giỗ mà chỉ chú tâm cỗ bàn thịnh soạn rồi thi nhau nhậu
nhẹt say xỉn thì chẳng còn ý nghĩa gì thiết thực ngoài sự lãng phí tiền bạc
và thời gian./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 04/01/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét