Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Tăng trưởng xanh

 

 Không gian cho tăng trưởng xanh

 Cuối tháng 12/2023, tỉnh Bình Định đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ hơn 43,4 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản cho Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 do thu hồi đất của khách sạn Bình Dương trả lại bờ biển cho cộng đồng (tại số 493 An Dương Vương phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn).

Được biết, Bình Dương là khách sạn đầu tiên được UBND tỉnh Bình Định thực hiện bồi thường trong 3 khách sạn sát biển Quy Nhơn buộc phải di dời gồm Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Đây là những khách sạn lớn, đang kinh doanh tốt, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Việc di dời các khách sạn nhằm xây dựng công viên, trả lại không gian biển cộng đồng, tạo thông thoáng cho bờ vịnh Quy Nhơn. Đây là một tư duy và tầm nhìn đáng khen ngợi, phù hợp trong xu thế tăng trưởng xanh hiện nay. Tính toán về thiệt hại kinh tế trước mắt chắc chắn địa phương này phải bỏ ra một khoản ngân sách và quỹ đất không nhỏ để đánh đổi cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

Cũng cùng mục tiêu sử dụng không gian cho phát triển kinh tế, từ 1/1/2024, TP Hồ Chí Minh chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Chủ trương này được giải thích với mục tiêu giúp công tác quản lí trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nền nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng... Việc làm này khả năng sẽ mang lại cho ngân sách thành phố một khoản thu không nhỏ bởi chỉ tính riêng quận 1 đã có khoảng 54 tuyến đường mà vỉa hè đủ điều kiện tổ chức dùng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán. Quan điểm phát triển của lãnh đạo địa phương này rõ ràng khác hẳn với câu chuyện trả lại mặt tiền biển cho cộng đồng của tỉnh Bình Định, bởi nó sẽ thu hẹp không gian công cộng đô thị vốn đã quá chật hẹp.


Vỉa hè tại TP HCM sẽ được bán?

Quản lí vỉa hè của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là câu chuyện dài kì nhiều năm qua chưa có giải pháp quản lí hữu hiệu, nhiều lần ra quân lập lại trật tự đều như “bắt cóc bỏ đĩa”. Lấn chiếm vỉa hè kinh doanh khiến bộ mặt đô thị luôn nhếch nhác và cản trở giao thông. Nay khi người kinh doanh đã bỏ tiền thuê vỉa hè thì khác chi họ đã sở hữu riêng, sao dễ đưa vào nền nếp, quy củ như mong đợi của nhà quản lí? Cách làm này như một sáng kiến chỉ phù hợp cho hiện trạng “không quản được thì bán”!

Mặt khác, về pháp lí thì lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện tại phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lí, sử dụng tài sản công và Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lí, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Xây dựng đô thị xanh, văn minh rất cần những không gian thông thoáng cho cộng đồng. Tận dụng mọi không gian nhằm tăng thu ngân sách chắc chắn sẽ chỉ mang lại đôi chút lợi ích trước mắt, không phù hợp xu hướng tăng trưởng xanh hiện nay./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/1/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét