Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Tiền nong nơi trường lớp là vấn đề nhạy cảm

 

Bất cập chuyện thuê mượn trong trường học

Vừa qua dự luận phụ huynh tại một trường ở Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) xôn xao ý kiến về việc nhà trường thông báo sẽ tổ chức thuê và lắp máy lạnh cho các phòng học, chi phí 95.000 đồng/học sinh/tháng. Với một lớp có khoảng 40 học sinh, mỗi tháng sẽ tốn 3,8 triệu đồng. Một năm học 9 tháng sẽ chi hết 34,2 triệu đồng tiền thuê và sử dụng máy lạnh.

Được biết, đây là thực hiện theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố trong khoản thu “Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh” năm học 2024-2025 được điều chỉnh tăng mức thu tối đa lên 110.000 đồng/học sinh/tháng (không nêu rõ là đã bao gồm tiền điện hay chưa).


Cứ đầu năm học, phụ huynh lại phải lo đủ khoản đóng học cho con. (Ảnh minh họa)

Thử phép tính kinh tế xem áp dụng quy định này trong trường học hiệu quả thế nào: Một phòng học khoảng 40 học sinh x 1,25m2 (theo tiêu chuẩn) là 50m2 cần dùng 2 máy, mỗi chiếc 12000 BTU tổng giá khoảng 20 triệu đồng. Theo thông số của nhà sản xuất thì hạn sử dụng mỗi máy tối đa 15 năm song tùy theo mức độ sử dụng, trung bình mỗi điều hòa chí ít cũng được 5 năm trở lên. Như vậy nếu mua mới điều hòa thì mỗi lớp chỉ cần 4 triệu mỗi năm. Tiền sử dụng điện trong 9 tháng cao nhất cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, một năm học hết 18 triệu đồng cộng 4 triệu tiền máy sẽ hết 22 triệu đồng/năm học. Con số này thấp hơn mức thu của nhà trường kể trên chừng 12 triệu đồng…

Ấy là chỉ thử “khái toán” vậy chứ thực tiễn còn những chuyện khác “tế nhị” nếu “tính đúng, tính đủ” còn có thể tiết kiệm hơn. Ví như tại sao chỉ bắt học sinh đóng tiền điều hòa, tiền điện trong khi thầy cô giáo đứng lớp cùng sử dụng lại không phải đóng? Nếu tính tiền điện cho từng lớp thì phải lắp công tơ điện mới có căn cứ chính xác để “bán điện” cho học sinh v.v.

Hiện nay tại hầu hết các đơn vị hành chính sự nghiệp thì hạ tầng đương nhiên phải có là nhà cửa, hệ thống điện, nước cùng các thiết bị như quạt trần, điều hòa… Chi phí này được tính vào khoản chi thường xuyên, nếu là đơn vị tự hạch toán thì cần tính vào để chi và thanh quyết toán chung. Với đơn vị ngoài công lập đương nhiên mọi chi phí trong đó có tiền điện, nước cũng được tính vào giá thành chi phí chứ không có việc tách riêng cho từng đối tượng khi sử dụng chung một hạ tầng.

Việc thuê rồi thu tiền sử dụng máy điều hòa trong từng lớp học chưa tính về kinh tế thì hình thức này cũng dễ gây ra sự phản cảm khi mà mỗi năm học phụ huynh đã phải đóng quá nhiều khoản từ tự nguyện đến bắt buộc, trong đó có tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27/9/2024

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Cứu trợ thiên tai cần được điều phối chung

 

 Cứu trợ bằng trái tim và lí trí  

Những ngày qua mạng xã hội tràn ngập hình hảnh những đoàn xe vận tải chuyển hàng cứu trợ từ miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiến ra miền Bắc, nơi có hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh tan hoang của bão và lũ lụt. Những hình ảnh đó thực sự mang lại niềm xúc động và tự hào của mọi con tim người Việt.

Hiếm có nơi nào trên trái đất này lại có tinh thần đoàn kết dân tộc, tình nghĩa đồng bào sâu sắc như vậy. Tình người thực sự làm ấm lòng những người đang gặp khó khăn và cả hàng triệu trái tim đang hướng về nơi chịu hậu quả tàn phá của thiên tai.

Việc cứu trợ tại hiện trường của các địa phương đang được các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương nỗ lực từng ngày từng giờ trong sự điều phối chặt chẽ, hiệu quả và an toàn. Nắm bắt đúng nhu cầu của người dân, của chính quyền tại chính nơi chịu hậu quả thiên tai mới có thể mang lại việc cứu trợ một cách hiệu quả và thiết thực, không làm lãng phí nguồn lực của người dân cả nước gửi gắm.


Các đoàn cứu trợ nhiều địa phương cùng tấp nập “Bắc tiến”

Kinh nghiệm một số lần cộng đồng tham gia cứu trợ sau thiên tai đã để lại những kinh nghiệm và bài học quý giá, đó là tình cảm phải gắn với lí trí. Nếu hoạt động cứu trợ tự phát dễ dẫn đến chồng chéo, cản trở hoặc lãng phí. Chỉ ví dụ như một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng gói… có thể các kho hàng, siêu thị phía Bắc vẫn chưa đến mức thiếu thốn hoặc cạn kiệt. Việc vận chuyển xa hàng nghìn ki lô mét chưa hẳn đã cần thiết trong khi chắc chắn sẽ phát sinh chi phí. Không có sự điều phối chung cũng dễ dẫn đến tình trạng có loại hàng dư thừa vì không để lâu nhưng lại có thứ thiếu hoặc không có để cung cấp cho người dân. Người dân vùng thiên tai không chỉ cần những nhu cầu trước mắt, điều quan trọng là những nguồn lực để khắc phục, xây dựng lại hệ thống hạ tầng, phòng ngừa bệnh tật và phương tiện mưu sinh khi bão lũ đi qua…

Rất mừng là nguồn lực hàng nghìn tỉ đồng do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ủng hộ đã và đang được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam điều phối công bằng, kịp thời dựa trên cơ sở thực tiễn và nhu cầu của từng địa phương.

Cùng với ngân sách trung ương, những ngôi nhà, ngôi trường, cầu cống, đường sá bị phá hủy sẽ sớm được xây dựng lại từ nguồn lực đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và hàng triệu con người. Môi trường, phương tiện sinh kế cuả người dân sẽ từng bước được hồi phục, hoàn thiện và nhịp sống bình thường sẽ trở lại./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/9/2024

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Ủng hộ bão lụt cần đúng địa chỉ tin cậy

 

 Nguồn lực cần tập trung

Bão và lũ đang gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh Bắc Bộ. Không kể các công trình hạ tầng như cầu, đường, điện lực, viễn thông, nhà cửa thuộc khu vực công thì với người dân cũng sẽ là một con số thiệt hại không nhỏ. Khi bão, lụt đi qua sẽ cần tới một nguồn lực rất lớn, chỉ riêng ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được. Lúc này sẽ rất cần một nguồn lực của cả cộng đồng.

Chưa thấy có cá nhân đứng ra kêu gọi nguồn đóng góp khắc phục hậu quả bão lụt song đã xuất hiện một vài cơ quan báo chí kêu gọi quyên góp.

Kinh nghiệm sau một số vụ cá nhân nổi tiếng quyên góp làm từ thiện đã để lại những tranh luận không đáng có từ chuyện minh bạch, tính hiệu quả, công bằng... Bên cạnh đó hiệu quả cách làm từ thiện của cá nhân như thế nào cho đến nay công luận cũng chưa thấy có những đánh giá cụ thể.

Kêu gọi quyên góp có thể là một chuyện không khó nhưng sử dụng nguồn quyên góp cần có một tổ chức với bộ máy chuyên nghiệp và kinh nghiệm mới có thể làm tốt, tránh được hạn chế, lãng phí, tiêu cực.


         Bão số 3 và lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng nên nguồn ủng hộ cần tập trung 

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đầu mối vân động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn lực đóng góp hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai công bằng và hiệu quả nhất vẫn là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam (MTTQVN). Về quy định pháp luật, cho đến nay vẫn được thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cuối năm 2020 khi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên bị ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7 và áp thấp nhiệt đới, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã ban hành Hướng dẫn số 38/HD-MTTW-BTT về vận động quyên góp khắc phục hậu quả. Hướng dẫn này đã quy định rõ trách nhiệm, công việc của các địa phương trực tiếp chịu hậu quả thiên tai; nhiệm vụ các thành viên MTTQVN; trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm (tham gia vận động và ủng hộ khắc phục thiệt hại do lũ lụt…).

Đợt họat động này đã giúp các tỉnh nhanh chóng khắc phục khó khăn, tiếp tục cùng cả nước phòng chống tốt đợt dịch Covd-19.

Để nguồn lực xã hội tiếp tục được tập trung, tạo sức mạnh khắc phục hậu quả đợt bão lụt lịch sử, chiều 10/9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Hưởng ứng đợt phát động này của Trung ương MTTQVN, thiết nghĩ các tổ chức, doanh nghiệp với khả năng của mình cần tích cực hưởng ứng và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia. Các nhà hảo tâm, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các lĩnh vực hoạt động nên vận động người hâm mộ hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến nguồn lực bị phân tán, kém hiệu quả, thậm chí để lại hệ quả xã hội không tốt./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12/9/2024

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Lỗ hổng chinh sách

 

Lỗ hổng bán thứ chưa mua  

Bạn có miếng đất mặt phố trị giá khoảng 10 tỉ đồng, một khách mua đến đặt cọc 2 tỉ đồng. Dù chưa thanh toán tiền mua theo hợp đồng song ông khách đó lại mang mảnh đất vừa đặt cọc để rao bán. Liệu bạn có đồng ý cho họ làm vậy với tài sản của mình hay không?

Tin rằng chẳng ai cho phép người khác bán mảnh đất hàng chục tỉ của mình khi mà mới nhận được 2 tỉ đồng tiền cọc. Nếu họ bán được đất, thu về mươi tỉ đồng rồi “cù nhầy” việc thanh toán, người bán đất sẽ rơi vào trạng thái “thả gà ra đuổi”, ở thế “nắm dao đằng chuôi”!

Việc lạ đời tương tự như trên đang xảy ra tại các phiên đấu giá đất ở hai huyện ngoài thành Hoài Đức và Thanh Oai (TP Hà Nội). Dù họ chưa nộp tiền trúng đấu giá, tức chưa hoàn thành việc mua lô đất song đã lập tức bán sang tay ăn tiền chênh lệch từ 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng. Có thể gọi gọi việc giao dịch trên thực chất là “bán đất trên giấy”! Tất nhiên chủ đất (chính quyền) không thể mất đất, người bị hại là người mua sau cùng, kẻ trục lợi là những người đã sang tên thành công và “ăn” khoản tiền chênh lệch.


            19 lô đất vừa được đưa ra đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, HN

Mấy năm trước đã xảy ra các cơn sốt giá đất, khởi đầu cũng chỉ là “ngáo” giá song vài ba cuộc giao dịch ảo của nhóm cò mồi là “cơn ngáo giá” đó đã lan thành “dịch sốt” thật. Từ đó tạo ra một tâm lí đám đông, trào lưu nhà nhà đi buôn đất, người người buôn đất thay vì dựa trên nhu cầu thực của mình hoặc của thị trường. Không ít người lao vào đúng thời điểm “sốt” nóng nhất và trở thành người mua cuối cùng. Khi giá đất bắt đầu lao dốc “không phanh” theo “kịch bản” của giới có chuyên nghiệp thì không thể bán được nữa. Rất nhiều người đang “ôm đất” tiền tỉ từ cơn sốt đất năm 2018 - 2019 cho đến nay. Người nào vay ngân hàng để mua đất khi đó sẽ không thoát khỏi tương lai phá sản vì khoản lỗ ngày một phình to.

Cùng với bất cập việc đấu giá đất để cò đất trục lợi từ một tài sản chưa mua hiện còn bộc lộ nhiều bất cập khác. Đó là việc định giá khởi điểm quá thấp so với giá thị trường khiến người ta sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền nhỏ để nhằm tới những mục tiêu khác nhau: Bán sang tay ăn chênh có thể thu về số tiền lớn hơn nhiều tiền cọc bỏ ra; tạo giá đất ảo để đẩy giá trên thị trường, nơi họ đang nắm giữ bất động sản quanh khu vực. Bất cập nữa là việc tham gia đấu giá dễ dàng khi không phải chứng minh nguồn tài chính, năng lực tài chính, mục đích mua đất, thời gian được phép chuyển nhượng, thời gian thanh toán (hiện kéo dài (90 ngày) v.v…

Đã đến lúc cơ quan quản lí cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để bịt những lỗ hổng, tránh tình trạng trục lợi gây bất ổn một thị trường vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp tới nền kinh tế, đó là đất đai./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10/9/2024

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Trend không làm nên giá trị

 

“Đu trend”

Theo tiếng Anh thì trend có nghĩa là trào lưu, xu hướng, thường xuất phát từ giới trẻ (nhất là thế hệ genZ). Tùy từng giai đoạn, cấp độ quan tâm khác nhau, trend được giới trẻ đặt các cụm từ như “hot trend”, “đu trend”...

Trend chỉ thu hút mọi người trong một khoảng thời gian nhất định, có thể bất ngờ xuất hiện đồng thời cũng dễ dàng bị thay thế bởi một trend khác có sự quan tâm và thu hút hơn. Trend không đồng nghĩa với giá trị bền vững dù ban đầu nó có thể mang lại một giá trị nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội.

Ví dụ câu chuyện “đu trend” dùng nho sữa Trung Quốc cách đây hơn 1 năm. Khi đó loại nho sữa này đổ bộ thị trường Việt Nam dù với giá 250.000 đồng/kg song người ta vẫn tranh nhau mua trong khi nho Ninh Thuận chỉ có giá 40.000,đ-80.000,đ/kg. Nho sữa Trung Quốc được nhiều người coi là “nho quý tộc”, đắt hơn cả nho Hàn Quốc, Nhật Bản.


                                  Labubu - món đồ chơi đang gây sốt với giới trẻ

Hiện nay loại “nho quý tộc” trên đã tụt giá thê thảm. Sau hơn 1 năm từ đỉnh cao 250.000đ/kg nay xuống còn 25.000,đ/kg, rẻ hơn nho nội loại bình dân và có lẽ cũng đã hết một giai đoạn “đu tren” của người tiêu dùng. Tin rằng chất lượng, sự bổ dưỡng của trái nho sữa Trung Quốc khi có giá 250.000đ với chính loại nho đó khi còn giá 25.000,đ hiện tại sẽ chẳng khác nhau. Vậy là người ta đã bỏ tiền ra chỉ là để “ăn trend” chứ không phải vì chất lượng vượt trội của một loại hàng hóa.

Thời gian qua, “cơn sốt” Labubu (quái vật răng nhọn, tai dài) khiến nhiều người trong giới trẻ lại “đu trend”. Họ thức khuya dậy sớm xếp hàng ở các trung tâm thương mại, tìm mua bằng mọi cách. Giá gốc trên trang bán hàng điện tử là 380.000 đồng nhưng từ khi các thần tượng lăng xê, “quái vật” này càng khó mua hơn. Tranh thủ trend Labubu, nhiều cá nhân livestream, kể cả các trang mạng như Tictok, Facebook cũng tổ chức trò chơi trúng thưởng bằng sản phẩm Labubu mà thực chất là cờ bạc trá hình. Có lẽ Labubu sẽ sớm “hạ sốt” và rồi cũng bị bỏ vào xó xỉnh nào đó trong nhà như những đồ chơi hết thời khác.

Mạng xã hội là nơi xuất hiện và chắp cánh cho trào lưu của giới trẻ được lan tỏa. Việc bắt trend trên mạng xã hội không xấu, đây là những phản ứng nhanh nhạy, sáng tạo của người dùng mạng, đem lại những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Ví dụ như giới trẻ bắt trend sống xanh bằng cách chung tay làm vệ sinh đường phố, kênh rạch, bãi biển. Hay trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc “Ghen Cô Vy” cũng đã trở thành trend, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh...

Vậy nên mỗi người cần thận trọng, tỉnh táo để “bắt” trend đúng, không nên vội vã “đu trend”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07/9/2024