Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Trend không làm nên giá trị

 

“Đu trend”

Theo tiếng Anh thì trend có nghĩa là trào lưu, xu hướng, thường xuất phát từ giới trẻ (nhất là thế hệ genZ). Tùy từng giai đoạn, cấp độ quan tâm khác nhau, trend được giới trẻ đặt các cụm từ như “hot trend”, “đu trend”...

Trend chỉ thu hút mọi người trong một khoảng thời gian nhất định, có thể bất ngờ xuất hiện đồng thời cũng dễ dàng bị thay thế bởi một trend khác có sự quan tâm và thu hút hơn. Trend không đồng nghĩa với giá trị bền vững dù ban đầu nó có thể mang lại một giá trị nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội.

Ví dụ câu chuyện “đu trend” dùng nho sữa Trung Quốc cách đây hơn 1 năm. Khi đó loại nho sữa này đổ bộ thị trường Việt Nam dù với giá 250.000 đồng/kg song người ta vẫn tranh nhau mua trong khi nho Ninh Thuận chỉ có giá 40.000,đ-80.000,đ/kg. Nho sữa Trung Quốc được nhiều người coi là “nho quý tộc”, đắt hơn cả nho Hàn Quốc, Nhật Bản.


                                  Labubu - món đồ chơi đang gây sốt với giới trẻ

Hiện nay loại “nho quý tộc” trên đã tụt giá thê thảm. Sau hơn 1 năm từ đỉnh cao 250.000đ/kg nay xuống còn 25.000,đ/kg, rẻ hơn nho nội loại bình dân và có lẽ cũng đã hết một giai đoạn “đu tren” của người tiêu dùng. Tin rằng chất lượng, sự bổ dưỡng của trái nho sữa Trung Quốc khi có giá 250.000đ với chính loại nho đó khi còn giá 25.000,đ hiện tại sẽ chẳng khác nhau. Vậy là người ta đã bỏ tiền ra chỉ là để “ăn trend” chứ không phải vì chất lượng vượt trội của một loại hàng hóa.

Thời gian qua, “cơn sốt” Labubu (quái vật răng nhọn, tai dài) khiến nhiều người trong giới trẻ lại “đu trend”. Họ thức khuya dậy sớm xếp hàng ở các trung tâm thương mại, tìm mua bằng mọi cách. Giá gốc trên trang bán hàng điện tử là 380.000 đồng nhưng từ khi các thần tượng lăng xê, “quái vật” này càng khó mua hơn. Tranh thủ trend Labubu, nhiều cá nhân livestream, kể cả các trang mạng như Tictok, Facebook cũng tổ chức trò chơi trúng thưởng bằng sản phẩm Labubu mà thực chất là cờ bạc trá hình. Có lẽ Labubu sẽ sớm “hạ sốt” và rồi cũng bị bỏ vào xó xỉnh nào đó trong nhà như những đồ chơi hết thời khác.

Mạng xã hội là nơi xuất hiện và chắp cánh cho trào lưu của giới trẻ được lan tỏa. Việc bắt trend trên mạng xã hội không xấu, đây là những phản ứng nhanh nhạy, sáng tạo của người dùng mạng, đem lại những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Ví dụ như giới trẻ bắt trend sống xanh bằng cách chung tay làm vệ sinh đường phố, kênh rạch, bãi biển. Hay trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc “Ghen Cô Vy” cũng đã trở thành trend, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh...

Vậy nên mỗi người cần thận trọng, tỉnh táo để “bắt” trend đúng, không nên vội vã “đu trend”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07/9/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét