Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Xâm lăng thương mại điện tử

 

Chậm trễ bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Giảm giá 90%, miễn phí giao hàng… thương hiệu Temu (thuộc một tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử (TMĐT) Pinduoduo, chưa công bố chính thức, chưa đăng kí với cơ quan quản lí Việt Nam) đang gây “cơn sốt” trong cộng đồng mua sắm trên sàn TMĐT trong nước. Từ cuối tháng 9, người dùng Việt Nam đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng của Temu với phiên bản tiếng Việt.

Chẳng có sàn TMĐT nào tại Việt Nam duy trì được chính sách khuyến mãi, giảm giá cao chót vót như vậy. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng không thể cạnh tranh với mức giảm giá “khủng” như sản phẩm của Temu đang chào bán. Trào lưu tải app Temu để mua hàng của cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ ngày càng tăng bởi sự hấp dẫn về giá cả. Điều này đồng nghĩa với nền sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nội bị đe dọa thị phần vì cạnh tranh không lành mạnh.


Logo Temu trên nền giao diện website bán sản phẩm của nền tản

Thông tin tại họp báo về Temu gần đây, một lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ rằng bản thân “cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ”! Tuy nhiên, ông lại cho rằng “phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp”! Vậy bao giờ cơ quan quản lí mới có thể “điều tra, nghiên cứu” rồi “kiểm soát phù hợp” khi mà sự cạnh tranh không bình đẳng đang diễn ra hằng ngày, trực tiếp “đánh vào” doanh nghiệp trong nước, xâm chiếm thị phần? Không chỉ Temu, một số cái tên như Shein, 1688… cũng đã thâm nhập thị trường Việt trên môi trường mạng thời gian qua mà chưa được quản lí.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cuả Chính phủ ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch TMĐT bắt buộc phải đăng kí khi hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng kí hoạt động. Temu chưa công bố chính thức, chưa đăng kí với cơ quan quản lí Việt Nam mà đã thâm nhập thị trường là sự vi phạm pháp luật rõ ràng, vậy sao cần chần chừ điều tra, nghiên cứu? Việc cần làm của cơ quan quản lí lúc này là nhanh chóng phối hợp các bộ, ngành áp dụng các giải pháp kĩ thuật, công nghệ và luật pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, không an toàn.

Được biết nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Austraylia, Anh, Indonesia... đã nhanh chóng có các biện pháp cứng rắn ngăn chặn Temu để bảo vệ nền sản xuất nội địa. Vậy sao ta lại chậm trễ trong cuộc “đổ bộ thôn tính” thị trường của Temu?

Cuối tuần trước Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Tổng Cục thuế, yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với Temu để quản lí hoạt động của đối tượng này. Sau việc này Bộ Công Thương mới có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lí nhà nước về TMĐT.

Mong rằng các Bộ liên quan cần có hành động kịp thời và quyết liệt theo trách nhiệm quản lí của mình, không chờ sự đốc thúc của lãnh đạo Chính phủ. Việc quản lí nhanh, chặt chẽ hoạt động TMĐT xuyên biên giới cũng là thể hiện năng lực “quản lí số” trong yêu cầu “chuyển đổi số” hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31/10/2024

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Truy và xử lí người dùng bằng giả

 

Cần truy tới cùng bằng thật “giả” lẫn bằng giả “thật”

 Vào cuối năm 2021 dư luận từng xôn xao vụ việc nhóm cựu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô và nhân viên dù không tổ chức đào tạo vẫn thu tiền và cấp văn bằng 2 tiếng Anh cho 431 học viên, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỉ đồng. Trong số văn bằng thật nhưng “giả trình độ” này có hàng chục người là cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan, đơn vị sở hữu để hoàn thiện hồ sơ tiến thân (đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ công chức, viên chức, thi công chức, thi nâng ngạch…).

Sẽ thật nguy hại khi những người sở hữu tấm bằng thật nhưng kiến thức lại “giả” được giao những vị trí trọng trách trong cơ quan công quyền. Những công bộc thiếu cả năng lực và nhân cách chẳng khác nào những “con mối” chui vào trong “ngôi nhà” thể chế.

Còn chuyện dùng bằng “giả thật” để được cấp bằng tiến sĩ của một vị tu hành nay đã có câu trả lời. Sau một thời gian xác minh, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có thông tin về kết quả xử lí văn bằng của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang). Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp và ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này. Hệ quả của việc sử dụng tấm bằng “giả thật” này là hai trường đại học danh tiếng đã mang “tai tiếng”. Hình ảnh một số cán bộ lãnh đạo, giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học liên quan vụ việc cấp bằng cho ông Vương Tấn Việt trong con mắt của dư luận sẽ khó được như trước.


                Đại học Luật HN đã thu bằng TS "thật giả" của ông Vương Tấn Việt

Vấn nạn bằng giả dù được các cơ quan chức năng tăng cường triệt phá, xử lí song tội phạm dạng này vẫn có đất sống khi mà nhu cầu vẫn còn. Hồi tháng 6/2024, Công an TP Hà Nội đã điều tra và truy tố các đối tượng Lê Văn Vàng (trú tại huyện Mỹ Đức), Lương Việt Anh (trú tại quận Long Biên) cùng đồng bọn về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả mạo Cambridge International. “Lò” sản xuất bằng giả này chắc chắn đã “xuất xưởng” không ít sản phẩm giả ra thị trường. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ truy tìm những chủ nhân sở hữu bằng giả trong vụ này để ngăn ngừa hậu quả có thể xảy ra.

Được biết sau vụ bằng “cấp khống” tại Trường đại học Đông Đô chỉ có hai trường hợp bị miễn nhiệm chức vụ, còn lại chủ yếu là cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm trách nhiệm, rút lui cao học và nhận lỗi... Phải chăng việc sử dụng những tấm bằng giả chưa phải là lỗi quá nghiêm trọng nên việc xử lí các cá nhân gian lận cũng không quá nặng nề?

Còn vụ bằng giả của ông Vương Tấn Việt, cùng với việc thu hồi các văn bằng đã cấp không đúng quy định, dư luận đang trông chờ việc xử lí nghiêm túc những cá nhân, tổ chức có liên quan và người sử dụng giấy tờ, tài liệu giả.

Đã đến lúc việc tuyển sinh, tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ… cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trong đó không thể thiếu việc xác minh, thẩm định bằng cấp, để không còn “lọt lưới” những nhân sự “giả trình độ”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/10/2024  

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Luật cần được kiểm chứng khoa học

 

 Trải nghiệm có là khoa học?

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp dự kiến khai mạc ngày 21/10. Một trong những nội dung sửa đổi, cơ quan soạn thảo kì vọng khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung cơ chế xử lí với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội thông qua hình thức trải nghiệm.

Hiểu nôm na, nghệ sĩ muốn quảng cáo sản phẩm thì trước hết phải “thử nghiệm” để chứng minh công dụng đúng những gì mình sẽ trình diễn với khán giả.


Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật bị khán giả chỉ trích

Thực tiễn thời gian qua thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… được các hãng sản xuất đẩy mạnh quảng cáo thông qua người nổi tiếng, văn nghệ sĩ với những phóng đại quá mức, gây sự hiểu lầm với người tiêu dùng.   

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng những quảng cáo dạng này gây tác động lớn đến xã hội bởi trong đó nhiều sản phẩm là hàng kém chất lượng. Người nổi tiếng, trong trường hợp này đã tiếp tay cho gian thương dù có thể không cố ý. Sức hấp dẫn càng lớn đồng nghĩa với hậu quả càng nghiêm trọng.

Quan điểm của cơ quan quản lí là đúng song cũng cần đặt câu hỏi, với trải (nghiệm nếu có) thì cảm giác của người nổi tiếng về công dụng sản phẩm liệu có chính xác?

Mọi người đều biết mỗi sản phẩm (nhất là thuốc, thực phẩm chức năng) khi được đưa ra thị trường cần trải qua quy trình thử nghiệm, xét duyệt chặt chẽ và cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng. Ví như với các vaxin hay một loại thuốc mới còn cần tới hàng nghìn người tự nguyện để tiêm vào cơ thể, thử nghiệm nhiều đợt kéo dài, nhiều đối tượng khác nhau, quy trình khoa học chặt chẽ mới có thể kiểm chứng. Các hàng hóa thông thường khác cũng cần đạt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ quan quản lí. Vậy sao có thể chỉ cần một vài trải nghiệm cá nhân lại có thể khẳng định chất lượng sản phẩm và xem như một căn cứ pháp lí?

Mặt khác, quy định trải nghiệm quảng cáo chỉ hướng đến người nổi tiếng, nghệ sĩ… là phiến diện và khó khả thi. Những đối tượng khác, người bình thường tham gia quảng cáo liệu có cần trải nghiệm hay không? Rồi quy trình, thủ tục xác nhận trải nghiệm ra sao, cơ quan nào thực hiện v.v.

Thực ra, hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ các quy định về quảng cáo. Chẳng hạn Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về đăng kí nội dung quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo thuốc đã được quy định tại Điều 79 Luật dược năm 2016. Bộ Y tế cũng đã có Thông tư 09/2015/TT-BYT về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lí của Bộ Y tế v.v. Vậy kết quả thực hiện các quy định pháp luật kể trên thời gian qua đã nghiêm minh hay chưa? Những sai phạm quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm diễn ra hằng ngày song liệu cơ quan quản lí đã xử lí với doanh nghiệp, cá nhân nghệ sĩ hay cơ quan truyền thông nào?

Vấn đề cần làm hiện nay là phát huy đầy đủ trách nhiệm thực thi quy định đã có chứ không phải thiếu quy định luật pháp trong lĩnh vực quảng cáo. Nhiều nôi dung đưa vào luật nhưng thi hành không nghiêm càng dễ dẫn đến tình trạng nhờn luật./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/10/2024

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Nên cấm điện thoại trong lớp học

 

 Khuôn viên cho công nghệ

Bất kì trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp độc lập nào cũng cần có khuôn viên. Nhà trường, lớp học là một môi trường đặc thù lại càng cần có khuôn viên riêng để bảo đảm an ninh, an toàn trật tự, tránh mọi tác động tiêu cực của môi trường ngoài xã hội. 

Khuôn viên trường lớp là hình thức bảo đảm an ninh, trật tự truyền thống. Có khuôn viên thì kẻ gian, người ngoài không thể tự do ra vào, cá nhân làm việc, học tập tại cơ sở cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên hiện nay khoa học công nghệ phát triển, nhất là công nghệ thông tin kỉ nguyên 4.0 thì an ninh trật tự truyền thống không còn bảo đảm được như trước. Lúc này cần thêm hình thức quản lí bằng một “khuôn viên” mới để hạn chế những tác động vô hình của công nghệ.


Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học mất nhiều hơn được

Việc học sinh được sử dụng các thiết bị thông tin nối mạng, nhất là chiếc điện thoại thông minh tại trường, trong giờ học cũng có nghĩa các em đang có mối quan hệ với toàn xã hội. Khi đó dù ngôi trường có tường bao, cổng bảo vệ 24/24h cũng không còn nhiều ý nghĩa trong việc bảo vệ sự tách biệt với môi trường bên ngoài. Thách thức này không chỉ xuất hiện với môi trường giáo dục tại Việt Nam, đây là vấn đề của toàn cầu. Tác động tiêu cực của thiết bị công nghệ tới kỉ cương trường lớp, tới trật tự và chất lượng dạy học là điều không thể phủ nhận. Phần tích cực khi được sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường lớp có thể rất nhỏ so với tác hại và những tiêu cực nó có thể gây ra.

Gần đây một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, một số bang, trường tại Mỹ, Australia… đã thực hiện biện pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường, kể cả giờ ra chơi.

Tại nước ta, TP Hồ Chí Minh đang tiên phong giải pháp với chiếc điện thoại. Đã có nhiều trường như Trường THPT Thạnh Lộc, Quận 12; Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Quận 11; Trường THCS Lý Thánh Tông, Quận 8; Trường THCS Lương Thế Vinh Quận 1 v.v cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường, trong lớp với các hình thức, mức độ khác nhau. Dù có những ý kiến khác nhau song đa số phụ huynh và dư luận đồng tình với giải pháp này vì phần tích cực nó mang lại. Việc bảo đảm thông tin liên lạc thiết yếu giữa học sinh và người thân vẫn có thể được duy trì bằng nhiều cách thức phù hợp thông qua nhà trường, cán bộ quản lí và giáo viên.

Có thể thấy, cấm sử dụng điện thoại trong trường, lớp học đang trở thành xu thế không thể tránh khỏi. Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận và giải pháp mang tầm tổng thể của ngành giáo dục với việc sử dụng điện thoại trong hệ thống nhà trường, kể cả bậc đại học.

Môi trường giáo dục kỉ nguyên 4.0 cần một khuôn viên mới không chỉ có những bức tường và cánh cổng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12/10/2024  

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Chuyện dạy thêm

 

 Khó gỡ bất cập dạy thêm

Vấn đề dạy thêm, học thêm như một “căn bệnh trầm kha” của ngành giáo dục nhiều năm qua. Ngành này vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ bởi những hệ lụy, tiêu cực mà “căn bệnh” gây ra.

Trước những bất cập của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về Quy định về dạy thêm, học thêm, ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải bản dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Việc này đồng nghĩa vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục được hoàn thiện, “luật hóa” để đáp ứng hai nhu cầu là củng cố kiến thức học sinh và tăng thu nhập cho giáo viên. Việc giáo viên đang giảng dạy tại trường được phép dạy thêm thực chất là thừa nhận chất lượng giảng dạy chính khóa không đạt yêu cầu đề ra. Khắc phục vấn đề đó lại chính là người chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, tại một nơi khác! Bạn nghĩ sao nếu một bác sĩ bệnh viện công cũng trị bệnh nửa vời rồi gợi ý bệnh nhân ra cơ sở tư nhân để mình “chữa thêm” cho khỏi hẳn?


Một quy định mà nhiều người cũng nhận ra là sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Nếu mọi học sinh đạt kết quả học tập tốt tại lớp thì số tham gia học thêm sẽ ít và ngược lại, càng nhiều học sinh học yếu sẽ có nhiều nhu cầu học thêm.

Nay việc học thêm của học sinh ngoài vì chất lượng chính khóa chưa đạt còn có những lí do tế nhị. Cái “tế  nhị” ít người dám nói ra, đó là mối quan hệ học trò, phụ huynh với thầy cô giáo. Quan hệ đó có thể êm thuận hoặc không nếu bất đồng việc học thêm. Câu chuyện giáo viên môn hóa gợi ý học sinh học thêm (tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ.

Nếu thực sự công tác giảng dạy tại lớp có chất lượng tốt thì thường chỉ khoảng 5-7% học sinh yếu cần củng cố thêm kiến thức. Đa số học sinh của một lớp cùng đăng kí học thêm môn của giáo viên đang giảng dạy trực tiếp lẽ ra phải là điều bất thường, nay đang trở thành bình thường. Chỉ không bình thường nếu có một vài học sinh không đăng kí học thêm!

Những biến tướng, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm chỉ có thể được loại bỏ khi tất cả giáo vên đứng lớp và nhà trường không liên quan, không hưởng lợi (dù là chính đáng) từ chuyện dạy thêm. Nói cách khác, cần loại bỏ dạy thêm có thu phí của nhà trường và giáo viên trong biên chế với học trò của họ.

Để đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh tốt nhất hãy dành cho các trung tâm chuyên dạy thêm riêng biệt hoặc gia sư. Nhân lực có thể là giáo viên nghỉ hưu, người không dạy tại các trường, sinh viên v.v.

Dạy học đang là một nghề thu nhập chưa bảo đảm tốt nhu cầu cuộc sống nhưng cũng không phải quá thấp trên mặt bằng chung về thu nhập. Đang có những giáo viên làm thêm bằng nghề của mình và thu nhập khá cao.

Được biết Bộ Giáo dục & Đào tạo đang dự thảo Luật Nhà giáo, theo đó đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây sẽ là giải pháp cơ bản, ổn định nhất để người thầy yên tâm dồn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11/10/2024

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Vênh vang khi có quốc tịch ngoại

 

Quốc tịch và Tổ quốc

Mỗi con người được cha mẹ sinh ra tai một vùng quê, vùng quê ấy thuộc về một đất nước. Đất nước được người dân gọi một cách linh thiêng và tự hào bằng hai từ Tổ quốc.

Tổ quốc có được là do công lao của cha ông bao đời khai khẩn, dựng xây, đổ mồ hôi, xương máu để chống chọi với thiên tai, giặc dã tạo dựng nên. Lớp lớp các thế hệ kế tiếp nhau cùng tiếp tục dựng xây, bảo vệ thành quả để cùng thừa hưởng và truyền lại cho con cháu muôn đời sau.

Con người có thể lựa chọn thay đổi mọi thứ, có thể từ bỏ cha mẹ nhưng không thể thay đổi được nguồn cội, trước tiên là người đã sinh ra mình.


Diễn viên Hoàng Anh gây bức xúc khi có quốc tịch ngoại đã khoe và bỏ tên tiếng Việt 

Quốc tịch không phải là Tổ quốc. Quốc tịch chỉ là một văn bản pháp lí công nhận một cá nhân có những quyền, nghĩa vụ theo luật định tại một quốc gia khác khi hội đủ các điều kiện, dù họ không sinh ra tại quốc gia đó. Việc có được tấm quốc tịch của một quốc gia khác không phải là việc khó khăn hoặc không thể. Tại nhiều nước chỉ cần có một khoản tiền đầu tư đủ lớn là họ cho nhập quốc tịch. Ý nghĩa về tinh thần thì quốc tịch lại càng không đồng nghĩa với Tổ quốc. Điều này càng thể hiện rõ với một số nước giàu có, hiện đại nhưng vẫn tồn tại tệ phân biệt chủng tộc, nhất là đối với người khác màu da (thường là người da đen, da vàng). Chẳng tự hào, vẻ vang gì khi cùng quốc tịch với nhau mà vẫn bị phân biệt, miệt thị trong quan hệ giao tiếp, ứng xử.

Thật lạ là hiện nay không ít người Việt lại thấy vẻ vang, tự hào khi có được tấm quốc tịch của một nước khác. Chưa đóng góp hoặc có công lao gì cho quốc gia đó, không được kế thừa truyền thống gì về văn hóa, lịch sử của họ, mới chỉ được cấp tấm giấy xác nhận “ngụ cư” hợp pháp thì sao đáng tự hào?

Những ngày qua cộng đồng mạng xôn xao tranh luận, chủ yếu là “ném đá” với một nam diễn viên khoe nhập được quốc tịch nước ngoài, đó là diễn viên trẻ Hoàng Anh. Đây là một diễn viên chưa được nhiều người biết tên. Anh đã từ bỏ nghiệp diễn, quyết ra nước ngoài để thoát nghèo. Cư dân mạng sẽ không phẫn nộ công kích, bình luận nhiều như thế nếu nam diễn viên không chia sẻ: “Giờ đừng hay gọi tôi với ‘Nguyễn Hoàng Anh’ như trước nữa. Mà hãy gọi với cái tên khác ‘Hoang Anh Nguyen’, đọc ngược lại với bỏ dấu. Nhớ nhé”. Có thể hiểu, nam diễn viên này đã đoạn tuyệt với cái tên thuần Việt Nguyễn Hoàng Anh khi có một cái tên mà người nước ngoài khi đọc hay nói về một danh từ tiếng Việt.  

Tục ngữ Việt xưa có câu “Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo”. Câu tục ngữ của cha ông nhằm giáo dục cho con cháu về nhân cách một con người, đó là phải biết hiếu kính và tri ân tổ tiên, nguồn cội và quê hương. 

Rất nhiều Việt kiều từng ra đi cách đây mấy chục năm, đã có quốc tịch nước ngoài từ lâu song vẫn một lòng đau đáu với đất nước, dõi theo sự phát triển của quê hương. Ngày càng nhiều Việt kiều xin nhập lại quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch nơi quốc gia họ đang sinh sống vì hiểu rằng, đây mới là nguồn cội, nơi có tổ tiên của mình./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04/10/2024

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Hình phạt bạo lực

 

 Đào tạo bằng bạo lực

Câu chuyện bạo lực trong dạy giỗ, giáo dục con người đã có từ lâu. Thời xưa các ông giáo làng thường dùng chiếc thước kẻ, bắt học sinh chìa bàn tay ra rồi tét vào với em phạm lỗi trong giờ học. Bố mẹ thì thường dùng roi tre nhỏ phất vào mông khi con cái không vâng lời. Những đòn roi đánh vào chỗ ít nguy hiểm như vậy thường không gây thương tích, cốt cho trẻ sợ mà sửa mình, không tái phạm. Tuy nhiên, suy cho cùng việc dùng đòn roi đều là “hạ sách”, ít tạo dựng được tính tự giác trong chấp hành của con trẻ, của học trò. Về lâu dài thậm chí phương pháp này còn hình thành tư duy bạo lực trong mối quan hệ khi trẻ lớn lên.

Những tưởng chuyện bạo lực đòn roi chỉ từng được áp dụng với con trẻ một thời thì nay lại có chuyện đòn roi với người trưởng thành, đó là việc dùng bạo lực để đào tạo nhân viên tại một doanh nghiệp.

Ngày 23/9, mạng xã hội chia sẻ clip về một buổi đào tạo bằng hình phạt bạo lực khi có thành viên chưa nỗ lực, thiếu KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc). Hình phạt là người trưởng nhóm thiếu KPI bị vị “siêu chủ tịch” liên tục búng chùm dây chun vào cổ tay. Được biết đây là một doanh nghiệp kinh doanh mĩ phẩm theo hệ thống. 


Hình phạt nhóm trưởng vì thiếu KPI của một doanh nghiệp mĩ phẩm

Clip quay cảnh một số phụ nữ (có lẽ là CEO) ăn mặc sang trọng đứng trên sân khấu dùng tay liên tục kéo căng nhiều dây chun đang đeo ở cổ tay 2 người đối diện rồi bật thật mạnh khiến cổ tay họ đỏ nhừ. Được biết hình phạt này nhằm mục đích để các thành viên của nhóm thấy xót xa cho trưởng nhóm rồi nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ!

Việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ ở bất kì lĩnh vực nào đều xuất phát từ nhiều yếu tố: Trình độ, năng lực, kĩ năng và trách nhiệm của mỗi cá nhân; cách thức tổ chức vận hành của người phụ trách và điều kiện bảo đảm của người giao việc. Khi một tổ chức không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thì phải xem xét điểm yếu ở khâu nào thì mới có giải pháp bồi dưỡng, huấn luyện bổ sung khắc phục một cách đúng đắn, hiệu quả. Chưa thấy ở đâu có hình thức xử phạt bằng bạo lực như tại doanh nghiệp này.

Hiện nay hầu hết doanh nghiệp đều có bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động kinh doanh. Những quy tắc này được thiết lập trên cơ sở tuân thủ luật pháp Nhà nước nhằm bảo đảm mối quan hệ tốt đẹp, bền vững trong nội bộ tổ chức, giữ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, với đối tác cũng như cộng đồng.

Nếu phương pháp huấn luyện đào tạo nhân viên mang tính bạo lực như trên được đưa vào bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp này thì quy định đó là trái pháp luật.

Đánh giá về nguy hại của hình thức bắn dây chun như trên, có bác sĩ cho rằng nó có thể gây bầm tím, chảy máu dưới da, làm tổn thương dây thần kinh và đau dây thần kinh kéo dài…

Khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe…”.

Bạo lực ở bất kì môi trường nào cũng không thể chấp nhận. Tại một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nhằm mang lại vẻ đẹp hình thể cho con người lại càng không thể chấp nhận./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 03/10/2024

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Quan "ăn giấy"

 

 Giá sách cao bởi lãnh đạo “ăn giấy”

Cách đây hơn 1 năm dư luận phụ huynh và học sinh xôn xao và lo lắng khi nhận thông tin về giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 cao gấp 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Tuy vậy, Nhà xuất bản giáo dục (NXB) cho biết, giá sách của đơn vị này còn đang thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt. NXB còn cho biết đã tiếp tục thực hiện tiết giảm phí phát hành (chiết khấu) để giá SGK lớp 4, 8, 11 thấp hơn so với năm trước. Khi đó nguyên nhân giá sách cao đổ dồn nghi ngại chính vào việc tổ chức biên soạn, phê duyệt, hình thức in ấn. Việc giá giấy cao chỉ là một phần và theo… thị trường. Đương nhiên, phụ huynh học sinh phải bỏ ra số tiền mua sách gấp 2-3 lần đó vì không thể không mua sách cho con em đi học.

Vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án đưa, nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.


Những quan “ăn giấy” tại NXB Giáo dục

Trong số bị can, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục, bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ cùng một loạt các bị can là lãnh đạo các công ty cung ứng giấy bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. Số bị can này cùng bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cách thức “ăn giấy” của vị lãnh đạo NXB và các doanh nghiệp là lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực; tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho các công ty này được cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục. Đổi lại ông Nguyễn Đức Thái khi đó là chủ tịch NXB đã được “lại quả” nhiều lần bằng nhiều cách thức với tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng. Với “chi phí” hối lộ này, trong vòng 5 năm (2018-2022) hai doanh nghiệp lớn đã trúng thầu trị giá hơn 2.300 tỉ đồng. Tất nhiên số tiền các doanh nghiệp “kiếm chác” được chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần con số 24 tỉ đồng mà họ đã chi cho lãnh đạo NXB.

Các chi phí như phát hành biên soạn, nhuận bút, phát hành… năm trước được NXB lí giải là đều đã được tiết giảm, vậy mà giá sách vẫn tăng cao 2-3 lần. Đến nay mọi người có thể đã biết phần nào nguyên nhân, đó là bởi có một lãnh đạo NXB đã “ăn” quá nhiều giấy!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/10/2024

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Đồng tiền có đo được lòng nhân?

 

 Xếp hạng lòng nhân ái

Truyền thống bao dung, nhân ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của người Việt có từ hàng nghìn năm qua.

Truyền thống ấy thường bùng lên vào những lúc có người gặp khó khăn hoạn nạn. Chính vì thế sau mỗi đợt vùng này, miền kia gặp thiên tai, hoạn nạn là không ai bảo ai đều nghĩ tới việc làm sao để giúp đỡ các nạn nhân kịp thời và thiết thực. Người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo, người không có tiền của sẵn sàng giúp bằng công sức và sự sẻ chia tinh thần.

Việc quyên góp ủng hộ đồng bào chịu hậu quả cơn bão số 3 vừa qua thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi nhận, nhất là khi các bản sao kê được công bố đầy đủ từ người, tổ chức có đóng góp cao nhất đến cá nhân chỉ có mấy nghìn đồng, tất cả đều xuất phát từ lòng nhân ái, một giá trị vô giá, không có thứ hạng cao thấp.


                         Học sinh tại TP.HCM tham gia ủng hộ sau bão số 3  

Thế nhưng không phải không có những tư duy cho rằng người ủng hộ nhiều tiền là có tâm thiện lớn hơn, đáng vinh danh hơn. Tư duy đó đã nảy sinh việc một số cá nhân làm chuyện “phông bạt” để đánh bóng tên tuổi.

Mới đây có câu chuyện tại trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã khen thưởng cho những học sinh ủng hộ bão lụt từ 100.000 đồng trở lên khiến dư luận không đồng tình, nhất là các phụ huynh. Theo cách làm này thì lòng nhân ái của các em đã được đánh giá bằng thứ hạng khác nhau, thước đo chính là giá trị đồng tiền. Thực ra với cách khen thưởng phân loại như thế này, nhà trường đã đang thiếu nhân văn với chính tấm lòng nhân ái của học sinh. 

Các em học sinh tiểu học đang tuổi ăn tuổi học, chưa làm ra đồng tiền. Tiền ủng hộ chỉ là của cha mẹ đưa để tiêu vặt mà các em tích cóp được. Việc tổ chức quyên góp ủng hộ từ học sinh cốt để các em nhận thức về ý nghĩa và giá trị lòng nhân ái, sự chia sẻ, đồng cảm trước nghịch cảnh chứ đâu cần đồng tiền nhiều hay ít.

Rất may sự việc khen thưởng trên chỉ là cá biệt tại một trường tại TP Hồ Chí Minh. Trái lại, tại trường liên cấp Lômônôxốp ở Hà Nội, học sinh được kêu gọi quyên góp nhưng với một mức giới hạn không được quá 30.000 đồng. Cách làm khá tinh tế này thể hiện sự cảm thông, tôn trọng hoàn cảnh của từng học sinh, không tạo ra sự áp lực, phân biệt điều kiện kinh tế, khuyến khích các em tham gia bằng tấm lòng, chứ không bằng con số ít hay nhiều.

Trong môi trường giáo dục, mọi hoạt động, phương pháp tuyên truyền, vận động và ứng xử cần hết sức tinh tế, cẩn trọng vì đó cũng chính là bài học giáo dục nhân cách con người cho học sinh./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 01/10/2024

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Tiền nong nơi trường lớp là vấn đề nhạy cảm

 

Bất cập chuyện thuê mượn trong trường học

Vừa qua dự luận phụ huynh tại một trường ở Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) xôn xao ý kiến về việc nhà trường thông báo sẽ tổ chức thuê và lắp máy lạnh cho các phòng học, chi phí 95.000 đồng/học sinh/tháng. Với một lớp có khoảng 40 học sinh, mỗi tháng sẽ tốn 3,8 triệu đồng. Một năm học 9 tháng sẽ chi hết 34,2 triệu đồng tiền thuê và sử dụng máy lạnh.

Được biết, đây là thực hiện theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố trong khoản thu “Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh” năm học 2024-2025 được điều chỉnh tăng mức thu tối đa lên 110.000 đồng/học sinh/tháng (không nêu rõ là đã bao gồm tiền điện hay chưa).


Cứ đầu năm học, phụ huynh lại phải lo đủ khoản đóng học cho con. (Ảnh minh họa)

Thử phép tính kinh tế xem áp dụng quy định này trong trường học hiệu quả thế nào: Một phòng học khoảng 40 học sinh x 1,25m2 (theo tiêu chuẩn) là 50m2 cần dùng 2 máy, mỗi chiếc 12000 BTU tổng giá khoảng 20 triệu đồng. Theo thông số của nhà sản xuất thì hạn sử dụng mỗi máy tối đa 15 năm song tùy theo mức độ sử dụng, trung bình mỗi điều hòa chí ít cũng được 5 năm trở lên. Như vậy nếu mua mới điều hòa thì mỗi lớp chỉ cần 4 triệu mỗi năm. Tiền sử dụng điện trong 9 tháng cao nhất cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, một năm học hết 18 triệu đồng cộng 4 triệu tiền máy sẽ hết 22 triệu đồng/năm học. Con số này thấp hơn mức thu của nhà trường kể trên chừng 12 triệu đồng…

Ấy là chỉ thử “khái toán” vậy chứ thực tiễn còn những chuyện khác “tế nhị” nếu “tính đúng, tính đủ” còn có thể tiết kiệm hơn. Ví như tại sao chỉ bắt học sinh đóng tiền điều hòa, tiền điện trong khi thầy cô giáo đứng lớp cùng sử dụng lại không phải đóng? Nếu tính tiền điện cho từng lớp thì phải lắp công tơ điện mới có căn cứ chính xác để “bán điện” cho học sinh v.v.

Hiện nay tại hầu hết các đơn vị hành chính sự nghiệp thì hạ tầng đương nhiên phải có là nhà cửa, hệ thống điện, nước cùng các thiết bị như quạt trần, điều hòa… Chi phí này được tính vào khoản chi thường xuyên, nếu là đơn vị tự hạch toán thì cần tính vào để chi và thanh quyết toán chung. Với đơn vị ngoài công lập đương nhiên mọi chi phí trong đó có tiền điện, nước cũng được tính vào giá thành chi phí chứ không có việc tách riêng cho từng đối tượng khi sử dụng chung một hạ tầng.

Việc thuê rồi thu tiền sử dụng máy điều hòa trong từng lớp học chưa tính về kinh tế thì hình thức này cũng dễ gây ra sự phản cảm khi mà mỗi năm học phụ huynh đã phải đóng quá nhiều khoản từ tự nguyện đến bắt buộc, trong đó có tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27/9/2024