Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Câu chuyện sân gôn

          Những ngày gần đây dư luận đang quan tâm đến chuyện bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ra quyết định cấm cán bộ, công chức ngành này chơi gôn vì ảnh hưởng đến công vụ.
          Xin không bàn đến chuyện đúng sai của việc thực hiện thủ tục, nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của câu chuyện. Ở đây xin nói đến khía cạnh khác, đằng sau của câu chuyện sân gôn và chơi gôn.
          Ai là người có đủ điều kiện chơi gôn?
          Không riêng ở Việt Nam, với nhiều nước trên thế giới, gôn được coi là môn thể thao “quý tộc” bởi mức chi phí quá cao của nó. Phí chơi gôn được chia làm 3 loại. Đối với hội viên mức phí dao động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên phải trả giá cao hơn, khoảng 60-80 đôla. Phí cho khách vãng lai là cao nhất, lên tới trên dưới 100 đôla. Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên trên thị trường hiện nay, người chơi gôn phải trả tới 30.000 USD - 130.000 USD tùy sân (khoảng 620 triệu đến 2,7 tỷ đồng). Mỗi năm, phí thường niên của nhiều sân dao động khoảng trên dưới 1.000 USD đến khoảng 2.000 USD. Bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi gôn, găng tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD. Những bộ gậy đắt nhất có thể lên tới hàng trăm nghìn đôla. Hội viên sẽ được miễn lệ phí sân khi chơi, nhưng phải trả tiền "boa" cho người phục vụ khoảng 10-15 đôla. Để trở thành một tay gôn chơi được, người chơi phải tập luyện hàng năm trời, chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 đôla cho mỗi buổi tập, trong thời gian một tiếng đồng hồ.


Kết quả hình ảnh cho Quy hoạch Sân gôn
Người có thu nhập trung bình rất khó có thể đến chơi gôn

Như vậy, người có điều kiện về mặt kinh tế để chơi gôn phải là người có thu nhập cao, thậm chí rất cao.
Vậy thì với cán bộ, công chức nhà nước, ai có đủ tiềm lực tài chính để chơi gôn? Mức lương tối thiểu hiện được quy định là 830.000 đồng/tháng, nếu là cán bộ cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng thì lương cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng (tính cả phụ cấp chức vụ, vùng, độc hại, thâm niên vv…). Vậy sao cán bộ ở Bộ GTVT phong trào chơi gôn lại nở rộ đến mức lãnh đạo phải có biện pháp can thiệp để hạn chế? Thu nhập của cán bộ, công chức ở đây cao lắm chăng? Ngoài lương ra chắc hẳn phải có thu nhập khác lớn hơn?
Thật ngậm ngùi thay cho những cô giáo mẫu giáo ở vùng cao Thanh Hoá vừa qua đã phải từ bỏ nghiệp trồng người của mình vì mức lương không đủ sống, chỉ có mấy trăm ngàn bạc một tháng!
Sân gôn có giúp đất nước làm giàu?
Mới đây, một vị Bộ trưởng trước khi nghỉ hưu còn cố gắng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo đề xuất tăng thêm 33 sân gôn  vào quy hoạch cứng đến năm 2020, nâng lên thành 118 sân gôn trên cả nước, nâng bình quân lên mỗi tỉnh gần 2 sân. Quỹ đất dành cho mỗi sân gôn hiện nay tuỳ theo mỗi địa phương và cũng rất đa dạng song thấp nhất cũng gần 100 ha/sân. Thử xem một số ví dụ: Dự án sân gôn tại huyện Tam Nông - Phú Thọ có diện tích hơn 2.000 ha; Dự án Khu Du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) 1.204 ha; Dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) 1.730 ha; Dự án Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) là 2.042 ha; Sân gôn 18 lỗ và sân tập gôn tại Cam Lập, Cam Ranh (Khánh Hòa) là 1.502 ha… Như vậy diện tích chiếm đất của các sân gôn không phải là nhỏ. Nơi dùng xây dựng sân gôn chắc chắn không thể quá xa thành phố, đô thị và đất đai cũng không thể dùng vùng đồi núi hiểm trở. Tóm lại là vẫn phải sử dụng đất đai có thể canh tác, thậm chí cả đất lúa, đất ngô, nơi “bờ xôi, ruộng mật”.
          Với lượng chiếm đất như vậy, hiệu quả kinh tế sân gôn mang lại ra sao? Chỉ xin đơn cử một sân gôn tại Hà Nội, đó là Vân Trì: Diện tích đất dành cho sân gôn là 128 ha. Thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, nơi dành đất cho sân gôn có 2400 nhân khẩu mất đất, số người được vào làm tại đây chỉ vẻn vẹn 50 người. Mỗi năm sân gôn này nộp ngân sách khoảng 4 tỷ đồng, tính bình quân Nhà nước thu được chừng 32 triệu đồng/ha/năm. Mức này chắc chắn sẽ thấp hơn nếu đất đó sử dụng cho kinh doanh thuần nông nghiệp!


Kết quả hình ảnh cho Sân gôn Tân Sơn Nhất
Sân gôn Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh)

Như vậy bài toán làm giàu cho đất nước từ sân gôn đã rõ! Vậy sao các địa phương lại tích cực và đua nhau mở nhiều sân gôn như thế? Đằng sau sân gôn nó là cái gì? Các bạn nhìn vào một số số liệu sau đây về diện tích cấp đất và diện tích sử dụng thực tế làm sân gôn sẽ hiểu phần nào: Sân gôn huyện Tam Nông - Phú Thọ 8,5%; Sân gôn Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) 9,3%; Sân gôn Tam Chúc (Hà Nam) 7%; Sân gôn Cam Lập, Cam Ranh (Khánh Hòa) 9%: Sân gôn Tản Viên 18%… Còn 80-90% diện tích đó là phục vụ cho xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự để bán và cho thuê. Có lẽ đây mới là mục đích chính của các nhà đầu tư sân gôn.
                                                            Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Khái niệm mới (tiếp)

Bãi rác an ninh
       
Xin được gọi như vậy với tình hình an ninh hin nay tại các quốc gia Áp-ga-nix-tan, I-rắc và rất có thể là tương lai của Li-bi.
          Cuộc chiến chống khủng bố nhằm tiêu diệt lực lượng Ta-li-ban bắt đầu cách đây 10 năm. Sau đó 2 năm, một cuộc chiến nữa được phát động lật đổ ông Sa - đam - hút- sen với cùng mục tiêu được công khai: chống khủng bố.
Theo thống kê, sau 10 năm kể  từ  ngày cuộc chiến được phát động đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ USD.
Chính thể Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan bị Mỹ coi là hậu thuẫn và che chở cho Ô-xa-ma Bin La-đen và An Kê-đa. Chính thể này nhanh chóng bị đánh đổ và 10 năm sau, Ô-xa-ma Bin La-đen mới bị Mỹ tiêu diệt (nhưng không phải tại các nước trên mà tại một quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ)! Cả Ta-li-ban lẫn An Kê-đa mặc dù bị suy yếu nhưng vẫn tồn tại và vẫn là thách thức về quân sự cũng như an ninh đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Sau 10 năm, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Mỹ cùng các đồng minh của mình đã và vẫn đang phải tiếp tục “trả giá rất đắt”.
4.000 tỉ USD và 225.000 người thiệt mạng - đó là tổng kết của nhóm nghiên cứu mang tên “Cái giá của chiến tranh” (Costs of War) của Dự án nghiên cứu Eisenhower thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Oát-sơn (Watson) của Trường Đại học Tổng hợp Brao (Brown - Mỹ) về những chi phí tài chính và thiệt hại về người và của mà cuộc chiến tranh của Mỹ và đồng minh ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc gây ra kể từ ngày 7-10-2001, trong đó có hơn 31.700 người ở phía cùng chiến tuyến với Mỹ. Số người bị thương ước tính ít nhất 550.000 người. Mười năm qua đã có hơn 2.700 binh lính Mỹ và ít nhất 26 đồng minh khác của Mỹ bị thiệt mạng ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 382 binh lính Anh và 157 binh lính Ca-na-đa. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hơn 14.000 binh lính Mỹ bị thương ở Áp-ga-ni-xtan.

Mười năm nhìn lại, nhiều mục tiêu chiến lược Mỹ và đồng minh đặt ra với cuộc chiến tranh này hiện vẫn “xa vời”. Cái giá mà họ đã phải trả cho 10 năm qua chưa phải là cái giá cuối cùng, vì cuộc chiến tranh chưa biết đến khi nào mới thật sự kết thúc với Mỹ và đồng minh, cho dù họ đã đưa ra lộ trình rút khỏi đó cho tới năm 2014.
Trong khi hai “bãi rác” trên còn đang ngổn ngang thì một “bãi rác” mới đang dần hình thành tại Li - bi, bắt đầu từ khi chính thể của ông Ga-đa-phi bị lật đổ.
Một tương lai um ám bắt đầu bao trùm lên đất nước và con người tại Li - bi.
                                                          Đinh Hoàng

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Một số hình ảnh chào mừng kỷ niệm 81 năm
ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam








Đinh Hoàng  ST

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Kinh doanh gì để có lãi trên 30%?

          Hiện nay lãi suất liên ngân hàng đã lên tới 30%. Tuy lãi suất cao ngất ngưởng như vậy song các ngân hàng nhỏ vẫn rất khó có thể tiếp cận nguồn vốn. Và, với mức lãi suất như vậy, người vay tiền của ngân hàng sẽ kinh doanh mặt hàng, ngành nghề gì để có lãi rồi trả nợ cho ngân hàng? Tôi nghĩ thực tế ai nói có thể kinh doanh lãi với mức phí vay như cao trên là "nói cho vui", một câu chuyện lãng mạn mà thôi. Các kênh đầu tư rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… cũng đang trong giai đoạn trầm lắng, thua lỗ, chắc chắn không thể mang lại lợi nhuận trên 30%.
          Vậy thì thị trường tiền tệ đang bị hút nguồn vốn về đâu?


          Vừa qua, mọi người được chứng kiến hàng loạt vụ vỡ nợ lừa đảo lãi suất cao, mỗi vụ ít thì mấy trăm tỷ, nhiều thì hàng nghìn tỷ! Tiền ở đâu ra mà dân cho vay nhiều thế? (Thực tiễn những người cho vay để hưởng lãi suất cao phần đông không phải là người giàu có, chủ yếu họ đi vay để cho vay, và trong số họ liệu có ai đi vay ngân hàng?). Một điều lạ là tất cả các ngân hàng đều nói họ không hề liên quan tới những vụ vỡ nợ đó, mặc dù đã có một vài cán bộ ngân hàng vướng vào các vụ việc trên. Thử hỏi nếu bạn trót cho vay trái pháp luật, biết không thể đòi lại được, bạn có công khai khoản cho vay đó của mình không? Từ đây ta có thể ngẫm ra vì sao các ngân hàng nhỏ lại “khát” vốn đến vậy, sẵn sàng trả lãi 30% bởi họ có thể cho chỗ khác vay với lãi suất còn cao hơn. Chỗ đó chắc chắn phải là “tín dụng đen”!
          Vậy các “Ông lớn” Ngân hàng thương mại khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng đến mức 30% liệu có mạo hiểm? Sự thể sẽ ra sao nếu một ngân hàng nhỏ đổ vỡ? Mong rằng cơ quan quản lí Nhà nước quan tâm tới những động thái trên của hệ thống ngân hàng. Chỉ cần một mắt xích trong hệ thống đổ vỡ sẽ là thảm họa không chỉ với ngân hàng mà là cả nền kinh tế.
                                                                 Đinh Hoàng
Một vấn đề nhân đạo nhưng sao vẫn “rối”?  
Sau nhiều tháng Bộ Y tế gửi dự thảo Thông tư hướng dẫn thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông (TNGT) sang Bộ Tài chính và Bộ Công an xem xét ký ban hành thì đến thời điểm này vẫn chưa có sự thống nhất giữa 3 bên.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết: “Quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn thanh toán bảo hiểm cho người bị TNGT về cơ bản đã có sự nhất trí tích cực của các bên liên quan. Duy chỉ có một điểm là chi phí để chi trả cho ngành công an khi họ lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm để xác định người bị tai nạn có vi phạm khi tham gia giao thông hay không vẫn còn nhiều tranh cãi”.

Bệnh nhân TNGT. Ảnh minh họa.
“Vấn đề cốt lõi là Bộ nào sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành thủ tục hành chính đó, xác nhận người bị nạn vi phạm hay không vi phạm giao thông. Các bên liên quan đã nhiều lần bàn tới nhưng chưa đạt được sự nhất trí cao nên chưa thể ban hành Thông tư được. Nhưng dù thế nào cũng phải thống nhất quan điểm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh”- ông Sơn nói.
Về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, tất cả các trường hợp bệnh nhân bị TNGT trong khi chưa xác định là có hay không có vi phạm pháp luật thì đều được quỹ BHYT thanh toán như bình thường. Hai ngày sau khi bệnh nhân vào viện thì BHXH phải có trách nhiệm thông tin cho cơ quan công an xác minh tình trạng vi phạm pháp luật của người tham gia.
Nếu như trước khi bệnh nhân ra viện vẫn chưa có xác nhận có hay không lỗi vi phạm thì những trường hợp này phải được thanh toán như không vi phạm. Còn trường hợp sau khi bệnh nhân ra viện rồi mới có thông tin bệnh nhân vi phạm pháp luật thì cơ quan BHXH sẽ thu hồi khoản tiền này.
Trong khi chờ đợi Thông thư mới, ông Sơn cho hay, hiện BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chỉ đạo BHXH các tỉnh giải quyết tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt thủ tục hành chính. Chẳng hạn, với một số nhóm đối tượng như: trẻ em, học sinh, người không điều khiển phương tiện… thì không nhất thiết xác định có hay không vi phạm pháp luật cũng sẽ thực hiện chi trả; tai nạn diễn ra ở vùng sâu vùng xa, nông thôn điều kiện xác nhận khó khăn thì BHXH tỉnh chịu trách nhiệm xác nhận để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nhất là trong trường hợp điều trị với chi phí lớn. (Theo Dương Hải)
          Kính thưa các Bộ:
            Tôi vẫn chưa hiểu tại sao một vấn đề nhân đạo là chữa trị cho người bị nạn mà nó khó khăn, nhiêu khê đến thế?
          Lâu nay ở Việt Nam ta có tình trạng chung là đóng bảo hiểm thì rất dễ, nhưng khi có vấn đề cần xử lý của Bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả cho người tham gia BH thì cực kỳ nhiêu khê, khó khăn, nhiều người đã đành tặc lưỡi bỏ cuộc vì rằng hành trình để lấy được đồng tiền bảo hiểm có khi còn gian nan, tốn kém hơn. Về lâu dài, đây sẽ là nguyên nhân cản trở cho việc mở rộng diện người tham gia BH. Người dân khi chưa thấy được lợi ích thiết thực của bản thân họ thì sao động viên được họ tham gia mua BH? Đành rằng việc chi tiền BHYT cần phải chặt chẽ, đúng thủ tục, nguyên tắc, luật pháp nhưng đó phải là việc làm sau khi cứu chữa người bệnh.
          Việc chi phí hoạt động xác minh vi phạm pháp luật để trả cho Bộ Công an, vấn đề này Chính phủ nên xem xét thấu đáo. Thực chất, đây là một trong những phần việc thuộc trách nhiệm của lực lượng công an. Các hoạt động của Công an nhân dân đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Nếu cứ phát sinh một việc gì đó cần có sự tham gia của lực lượng công an lại phải có riêng chi phí bảo đảm thì xem ra lực lượng này như một tổ chức dịch vụ hay đơn vị sự nghiệp lấy thu bù chi! Suy rộng ra cả lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân) cũng như vậy thì sẽ thế nào?
          Chúng ta từng biết, trong những năm chiến tranh, khi bắt được tù binh địch, nếu chúng trong tình trạng bị thương ta vẫn tổ chức cứu chữa rất chu đáo trước khi xem xét tội trạng. Đó là chính sách đại lượng, khoan hồng, nhân đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta khiến quân thù luôn phải khâm phục. Và chắc chắn rằng, cho đến nay quan điểm đó của Đảng, Nhà nước ta không hề thay đổi. Vậy thì sao trước một việc làm nhân đạo là cứu chữa cho nạn nhân chúng ta phẩi tranh luận nhiều đến vậy về việc chi phí, tiền nong để cứu chữa cho họ khi mà họ đã bỏ tiền ra đóng góp cho quỹ BHYT?
          Vì vậy, tôi xin có mấy đề xuất để các Quý Bộ tham khảo:
          - Trước hết, khi người đóng BHYT gặp tai nạn, các Bệnh viện cần nhanh chóng điều trị cho họ theo chế độ hiện hành, không cần xác định họ có phạm luật hay không. Cơ quan BHYT có trách nhiệm thanh toán cho bệnh viện theo quy định. Tóm lại quá trình chữa chạy, chi phí người bị nạn tại bệnh viện không bị chi phối bởi họ có tội hay không có tội.
          - Cơ quan Công an có trách nhiệm xác minh tình trạng tai nạn để quy trách nhiệm cho các đối tượng liên quan. Tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ để xử lý theo quy định của pháp luật, có thể xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi chi phí cho các hoạt đó được sử dụng từ nguồn ngân sách, kinh phí nghiệp vụ của ngành công an. Nếu cần, Chính phủ tăng ngân sách hàng năm cho lực lượng này bảo đảm đủ hoạt động.
          Làm được như vậy, Bảo hiểm y tế sẽ thực hiện tốt được chức năng nhân đạo của mình. Mọi người dân sẽ có một sự Bảo hiểm tin tưởng trong cuộc sống.
                                                                         Đinh Hoàng

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Khái niệm mới (tiếp)

“Cưỡng chế giao thông”
          Những ngày gần đây người dân Hà Nội khá bức xúc vì cách thức tổ chức phân làn xe tại một số tuyến phố do Sở Giao thông Công chính TP thực hiện. Lý do là từ khi cắm biển báo phân làn xe, nhiều người đã bị tai nạn. Nhẹ thì sưng mặt, sướt da, nặng thì gẫy chân. Cũng may là chưa có ai bỏ mạng! Thủ phạm của những vụ tai nạn đó là những chiếc cọc dựng biển báo phân làn và con chạch ngăn đường để phân làn phương tiện. Bạn nghĩ sao nếu con phố thông thoáng quen thuộc xưa nay bỗng sừng sững mọc lên một cái cột sắt trơ trọi giữa đường? Chắc chắn rằng, khi điều khiển phương tiện đến đó, nếu phản ứng chậm bạn sẽ “ăn đòn”.
          Mọi người đều biết mục tiêu của công tác tổ chức giao thông, các quy định, biển báo hiệu giao thông cuối cùng đều nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông, bảo vệ con người, tài sản. Các thiết bị, hạ tầng trên đường phục vụ chỉ dẫn giao thông cũng phải đáp ứng tiêu chí, mục tiêu đó. Tuy nhiên, với Sở GTCC Hà Nội có lẽ mục tiêu lại khác: Mọi phương tiện giao thông phải đi đúng làn đường. Quy định phải được chấp hành nghiêm túc. Cắm biển phân làn giữa lòng đường là để “cưỡng chế giao thông”-nguyên văn lời ông Phó Giám đốc Sở GTCC TPHN- “để xảy ra tai nạn là do người dân không có ý thức khi tham gia giao thông”!? Đúng là “không còn gì để nói” khi một vị lãnh đạo ngành GTCC phát ngôn lạnh lùng như vậy trước sinh mạng con người!
          Thực tiễn đường phố Hà Nội là những tuyến đường hẹp, ngắn, một số đường rất ngắn, nhiều ngõ ngách thông ra nên việc phân luồng trở nên vô tác dụng. Bên cạnh đó mật độ người, phương tiện tham gia giao thông quá nhiều. Quá trình lưu thông được tự điều chỉnh một cách linh hoạt nên nếu mọi người tự giác chấp hành luật lệ thì vẫn không xảy ra ùn tắc, mặc dù tốc độ lưu hành có chậm. Thật bất hợp lý nếu khi phân luồng, một luồng bị tắc ngẽn, còn luồng kia thoáng, không có hoặc ít phương tiện nhưng mọi người vẫn không được giải thoát khỏi ùn tắc!
          Việc phân luồng phương tiện GT ở nhiều nước trên thế giới được áp dụng chủ yếu với các tuyến đường rộng, tốc độ cao, nếu không phân luồng các loại phương tiện sẽ cản trở lẫn nhau, dễ gây tai nạn. Đồng thời việc phân luồng cũng được thực hiện bằng biển báo trên cao và sơn trắng vạch dưới đường, tuỳ theo mỗi cung đoạn được vạch liền (bắt buộc) hoặc vạch rời (không bắt buộc). Có lẽ chưa nước nào có “sang kiến” phân luồng bằng “con chạch” như VN ta. Trước đây vài năm, tại tuyến đường Bắc Thăng Long-Nội Bài và tuyến đường 5 đoạn Hà Nội-Hưng Yên khi còn hệ thống lan can sắt phân luồng xe đạp, xe thô sơ với xe cơ giới đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm bởi hệ thống này. Sau khi báo chí lên tiếng về sự bất hợp lý đó, hệ thống lan can sắt đã được tháo gỡ, mang lại sự thông thoáng cho con đường, tai nạn và ùn tắc giảm hẳn.
          Bạn nghĩ sao nếu “sáng kiến cưỡng chế giao thông” được áp dụng đại trà ở những tuyến đường như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nội-Bắc Ninh và nhiều tuyến đường khác?.. Lúc ấy dẫu bạn có ý thức cao lắm, cảnh giác cao lắm rồi cũng “sập bẫy” mà thôi! Mong rằng Bộ Giao thông vận tải không nhân rộng mô hình của Sở GTCC Hà Nội.
                                                             Đinh Hoàng

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Tăng tuổi, giảm tuổi
          Ông A: Này, không hiểu sao sáng nay tôi thấy hai bố con ông Ngọ ra Công an phường xin sửa năm sinh, bố thì sửa tuổi 68 thành 86, con thì sửa tuổi 43 thành 34?
          Ông B: À, chuyện đó tôi biết rồi. Chả là ông Ngọ goá vợ đã mấy năm rồi, nay buồn tình muốn kiếm cô vợ trẻ về cho vui cửa vui nhà ấy mà!
          Ông A: Ông nói thế nào chứ, muốn lấy vợ trẻ sao lại khai tăng tuổi lên thành cụ lão như thế, ma nào dám lấy?
          Ông B: Ông chẳng hiều thời thế gì? Bây giờ mốt của các cô gái trẻ là lấy các cụ già, càng già càng tốt. Hy vọng của các cô gái là được sống hạnh phúc càng lâu càng tốt với đống tài sản của chồng chứ không phải sống lâu với chồng.
          Ông A: Thế sao con ông ấy lại khai giảm tuổi?
          Ông B: Vì cậu ta đang là cán bộ công chức, khai giảm tuổi để được “sống lâu” với quy hoạch cán bộ.
          Ông A: ?!!!
                                                                                        Đinh Hoàng



(Câu chuyện tôi kể hôm 05/10 nay đã có ví dụ ở Quảng Trị.  Xin gửi quý vị xem lại bài báo đăng trên Lao Động hôm nay):

Quảng Trị:
                          Sắp nghỉ hưu, Viện trưởng VKSND tỉnh “trẻ” lại 4 tuổi
   Thứ Bảy, 8.10.2011 | 08:35 (GMT + 7)
Ông Lê Xuân Đường - sinh ngày 20.11.1952 tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (QT), hiện là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh QT – vừa được UBND xã Gio Mỹ cấp giấy khai sinh có ngày - tháng - năm sinh là 20.11.1956.
Theo hồ sơ quản lý cán bộ, ông Đường sẽ nghỉ hưu vào năm tới (2012), nhưng với giấy khai sinh mới này, ông Đường đã được “trẻ” lại 4 tuổi và sinh sau em gái ruột của mình đúng 1 năm (?!).
59 tuổi mới đi làm giấy khai sinh
Tại trụ sở UBND xã Gio Mỹ, PV Lao Động đã có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Niềm – cán bộ tư pháp xã. Bà Niềm nói: “Ông Lê Xuân Đường đến UBND xã Gio Mỹ nêu yêu cầu được cải chính năm sinh từ 1952 thành 1956, nhưng khi xem hồ sơ cả giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu đều có năm sinh là 1952 nên tôi nói không thể làm được và hướng dẫn cho ông Đường làm thủ tục nộp tờ
khai đăng ký lại việc sinh”. Ngày 12.7.2011, ông Đường nộp tờ khai với yêu cầu được cấp bản chính giấy khai sinh có ngày tháng năm sinh là 20.11.1956. UBND xã Gio Mỹ đã tiến hành lập biên bản xác minh với nội dung tờ khai của ông Đường là đúng sự thật và tiến hành cấp bản chính giấy khai sinh với nội dung “Lê Xuân Đường sinh ngày 20.11.1956  tại Cẩm Phổ - Gio Mỹ - Gio Linh – QT; đăng ký khai sinh tại xã Gio Mỹ ngày 12.7.2011”.
Bà Niềm nói rằng cùng với tờ khai đăng ký lại việc sinh, ông Đường đã xuất trình một số hồ sơ giấy tờ là học bạ cấp 2 và lý lịch đoàn viên bản photocopy có công chứng, ở hai hồ sơ này đều ghi ông Đường sinh 20.11.1956. Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền yêu cầu đăng ký lại việc sinh được “xác định theo ngày - tháng - năm sinh trong hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên”.
Không thể cải chính năm sinh
Nhưng, điều lạ là, chỉ 24 ngày từ sau giấy khai sinh này của ông Lê Xuân Đường, đã xuất hiện một giấy khai sinh khác cũng của ông Lê Xuân Đường, nhưng lại do Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Lương Quang ký ngày 6.8.2011.
Trả lời mối băn khoăn, ông Cổ Thế Chung - Phó phòng Tư pháp Gio Linh cho biết: “Về nguyên tắc giấy khai sinh bản chính, lần đầu là do UBND cấp xã cấp. Nhưng, trường hợp ông Lê Xuân Đường, do ông có đơn trình bày bị mất giấy khai sinh (bản do UBND xã Gio Mỹ cấp ngày 12.7.2011), nên theo Luật Tư pháp huyện phải tham mưu trình UBND huyện cấp lại giấy khai sinh cho ông Lê Xuân Đường”.
Ông Chung cũng khẳng định: “Trường hợp ông Đường, ban đầu có nêu yêu cầu được cải chính năm sinh từ 1952 thành 1956, nhưng Phòng Tư pháp huyện đã trả lời là trường hợp này không cải chính năm sinh được. Và cho đến nay, UBND huyện Gio Linh, cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc ra quyết định cải chính năm sinh vẫn không có bất cứ văn bản nào có nội dung cải chính năm sinh của ông Đường cả”.
Tại trụ sở Viện KSND tỉnh QT, PV Lao Động đã được ông Đường cho biết: Cùng với giấy khai sinh khai lại năm sinh từ 1952 thành 1956, ông cũng đã được Công an QT cấp lại giấy chứng minh nhân dân mới, sinh 20.11.1956.
Tuy nhiên, việc khai lại năm sinh mới của ông là 1956 sẽ tạo ra nghịch lý là kém tuổi em ruột ông là bà Lê Thị Huệ - công tác tại Cty thương mại QT, có năm sinh trong hồ sơ cán bộ là 1955, ông Đường nói rằng “đó là do cô Huệ khai tuổi lên để được... nghỉ hưu”.

“Việc cải chính nội dung trong bản chính giấy khai sinh, đặc biệt là cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn” (Bộ Tư pháp, văn bản số 01/2008/TT-BTP ngày 2.6.2008).

Lam Chi
Kỷ lục của kỷ lục
          Nếu có một cuộc thi quốc gia có nhiều kỷ lục nhất thế giới, tôi nghĩ Việt Nam ta sẽ ghi danh dự thi một cách tự tin, thậm chí cơ hội chiến thắng khá cao.
          Ngoài những kỷ lục mà chúng ta có thể tự hào có thể kể đến như tăng trưởng xuất khẩu gạo, cà phê, xoá đói giảm nghèo nhanh, hay một số công trình văn hoá như bức tranh gốm sứ tại Hà Nội, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, cuốn sách in độc bản Việt Nam - những khoảnh khắc”… thì có rất nhiều kỷ lục đáng suy nghĩ, không biết buồn hay vui.
          Kỷ lục chiếc bánh chưng to nhất: Chiếc bánh chưng khổng lồ tại lễ hội Đền Hùng 2007 nặng tới 2,6 tấn và dài 2,007m (vượt xa kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2005, với chiếc bánh chưng nặng 1,8 tấn). Chiếc bánh đã sử dụng tới 1.100 kg gạo nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt, 350 kg lá chuối, 20 kg lá dong, trọng lượng sau khi nấu đạt 2,6 tấn, chi phí chiếc bánh xấp xỉ 100 triệu đồng. Chỉ có điều Ban Tổ chức không tuyên bố chiếc bánh chưng này có phải là chiếc bánh ngon nhất Việt Nam hay không? Mong rằng du khách quốc tế không được thưởng thức chiếc bánh này, nếu không sau này khi nói đến bánh chưng VN họ sẽ… lắc!
          Về phát triển kinh tế hiện Việt Nam ta đang “phấn đấu” với khá nhiều kỷ lục:
          Quốc gia có nhiều sân gôn nhất thế giới (128 sân theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bình quân mỗi tỉnh 2 sân. Mọi người đều biết đây là môn thể thao “quý tộc”, không phải dành cho đa số người dân. Nếu bạn có thu nhập chừng 50 triệu/tháng thì không nên tiếp cận môn thể thao này. Ngay cả khách quốc tế đến VN ta làm ăn, du lịch cũng không nhiều người có thể tham gia. Nếu có những người có nhu cầu, sở thích môn này có lẽ họ sẽ không chọn VN bởi cơ sở hạ tầng, dịch vụ và cả khán giả (chả lẽ mình chơi, mình xem)? Không có thống kê về chiếm dụng đất của các sân gôn cả nước là bao nhiêu (thường từ hơn 90 đến 120 ha/sân), mang lại hiệu quả cho ngân sách Nhà nước bao nhiêu nhưng thiết nghĩ nếu tính trên tổng diện tích đất dành cho sân gôn với số việc làm mang lại cho người bị mất đất là không đáng kể. Chỉ đơn cử như sân gôn Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội), chiếm 128 ha nhưng khoản tiền mà ngân sách Nhà nước thu được chỉ chừng 4 tỷ/năm-khoảng 32 triệu đồng/ha! (Những sân gôn ở tỉnh lẻ liệu có thu được như thế?) Mặt khác, thực tế nhiều sân gôn đất bị “biến tướng” thành khu bất động sản với nhiều biệt thự cao cấp, mang lại những khoản lợi nhuận không nhỏ song không phải cho Nhà nước.
 Quốc gia có nhiều khu công nghiệp nhất (chưa có số liệu thống kê song thiết nghĩ tỉnh nào cũng có một vài khu, tỉnh nhiều thì dăm bảy khu). Phải khảng định trước mắt, các khu công nghiệp đã mang lại cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên ngay lúc này nó đã đặt ra những vấn đề cần có bài toán giải quyết. Trước hết là sử dụng quỹ đất nông nghiệp cho phát triển khu CN. Nếu không có tầm nhìn xa thì nhiều tỉnh nông nghiệp đồng bằng màu mỡ sẽ biến thành những tỉnh công nghiệp gia công giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài! Khi đó kỷ lục xuất khẩu gạo sẽ không còn. Đằng sau các khu công nghiệp sẽ để lại là ô nhiễm, phá hoại nghiêm trọng môi trường (nhất là với đất, nước và không khí - những thứ mà người dân nghiễm nhiên “được” hưởng).
Ngoài ra còn nhiều kỷ lục nữa đang có cơ trở thành hiện thực như có nhiều sân bay nhất (rất nhiều tỉnh đang đề nghị được mở sân bay, dù đã có sân bay cách tỉnh chưa đầy 30 phút xe chạy); nhiều cảng biển nhất vv…
Chung quy căn bệnh chạy theo kỷ lục, phấn đấu đạt kỷ lục cũng mang dáng dấp căn bệnh thành tích, cần được “điều trị” để tránh hậu hoạ.
                                                                             Đinh Hoàng