Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Một vấn đề nhân đạo nhưng sao vẫn “rối”?  
Sau nhiều tháng Bộ Y tế gửi dự thảo Thông tư hướng dẫn thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông (TNGT) sang Bộ Tài chính và Bộ Công an xem xét ký ban hành thì đến thời điểm này vẫn chưa có sự thống nhất giữa 3 bên.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết: “Quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn thanh toán bảo hiểm cho người bị TNGT về cơ bản đã có sự nhất trí tích cực của các bên liên quan. Duy chỉ có một điểm là chi phí để chi trả cho ngành công an khi họ lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm để xác định người bị tai nạn có vi phạm khi tham gia giao thông hay không vẫn còn nhiều tranh cãi”.

Bệnh nhân TNGT. Ảnh minh họa.
“Vấn đề cốt lõi là Bộ nào sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành thủ tục hành chính đó, xác nhận người bị nạn vi phạm hay không vi phạm giao thông. Các bên liên quan đã nhiều lần bàn tới nhưng chưa đạt được sự nhất trí cao nên chưa thể ban hành Thông tư được. Nhưng dù thế nào cũng phải thống nhất quan điểm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh”- ông Sơn nói.
Về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, tất cả các trường hợp bệnh nhân bị TNGT trong khi chưa xác định là có hay không có vi phạm pháp luật thì đều được quỹ BHYT thanh toán như bình thường. Hai ngày sau khi bệnh nhân vào viện thì BHXH phải có trách nhiệm thông tin cho cơ quan công an xác minh tình trạng vi phạm pháp luật của người tham gia.
Nếu như trước khi bệnh nhân ra viện vẫn chưa có xác nhận có hay không lỗi vi phạm thì những trường hợp này phải được thanh toán như không vi phạm. Còn trường hợp sau khi bệnh nhân ra viện rồi mới có thông tin bệnh nhân vi phạm pháp luật thì cơ quan BHXH sẽ thu hồi khoản tiền này.
Trong khi chờ đợi Thông thư mới, ông Sơn cho hay, hiện BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chỉ đạo BHXH các tỉnh giải quyết tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt thủ tục hành chính. Chẳng hạn, với một số nhóm đối tượng như: trẻ em, học sinh, người không điều khiển phương tiện… thì không nhất thiết xác định có hay không vi phạm pháp luật cũng sẽ thực hiện chi trả; tai nạn diễn ra ở vùng sâu vùng xa, nông thôn điều kiện xác nhận khó khăn thì BHXH tỉnh chịu trách nhiệm xác nhận để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nhất là trong trường hợp điều trị với chi phí lớn. (Theo Dương Hải)
          Kính thưa các Bộ:
            Tôi vẫn chưa hiểu tại sao một vấn đề nhân đạo là chữa trị cho người bị nạn mà nó khó khăn, nhiêu khê đến thế?
          Lâu nay ở Việt Nam ta có tình trạng chung là đóng bảo hiểm thì rất dễ, nhưng khi có vấn đề cần xử lý của Bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả cho người tham gia BH thì cực kỳ nhiêu khê, khó khăn, nhiều người đã đành tặc lưỡi bỏ cuộc vì rằng hành trình để lấy được đồng tiền bảo hiểm có khi còn gian nan, tốn kém hơn. Về lâu dài, đây sẽ là nguyên nhân cản trở cho việc mở rộng diện người tham gia BH. Người dân khi chưa thấy được lợi ích thiết thực của bản thân họ thì sao động viên được họ tham gia mua BH? Đành rằng việc chi tiền BHYT cần phải chặt chẽ, đúng thủ tục, nguyên tắc, luật pháp nhưng đó phải là việc làm sau khi cứu chữa người bệnh.
          Việc chi phí hoạt động xác minh vi phạm pháp luật để trả cho Bộ Công an, vấn đề này Chính phủ nên xem xét thấu đáo. Thực chất, đây là một trong những phần việc thuộc trách nhiệm của lực lượng công an. Các hoạt động của Công an nhân dân đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Nếu cứ phát sinh một việc gì đó cần có sự tham gia của lực lượng công an lại phải có riêng chi phí bảo đảm thì xem ra lực lượng này như một tổ chức dịch vụ hay đơn vị sự nghiệp lấy thu bù chi! Suy rộng ra cả lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân) cũng như vậy thì sẽ thế nào?
          Chúng ta từng biết, trong những năm chiến tranh, khi bắt được tù binh địch, nếu chúng trong tình trạng bị thương ta vẫn tổ chức cứu chữa rất chu đáo trước khi xem xét tội trạng. Đó là chính sách đại lượng, khoan hồng, nhân đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta khiến quân thù luôn phải khâm phục. Và chắc chắn rằng, cho đến nay quan điểm đó của Đảng, Nhà nước ta không hề thay đổi. Vậy thì sao trước một việc làm nhân đạo là cứu chữa cho nạn nhân chúng ta phẩi tranh luận nhiều đến vậy về việc chi phí, tiền nong để cứu chữa cho họ khi mà họ đã bỏ tiền ra đóng góp cho quỹ BHYT?
          Vì vậy, tôi xin có mấy đề xuất để các Quý Bộ tham khảo:
          - Trước hết, khi người đóng BHYT gặp tai nạn, các Bệnh viện cần nhanh chóng điều trị cho họ theo chế độ hiện hành, không cần xác định họ có phạm luật hay không. Cơ quan BHYT có trách nhiệm thanh toán cho bệnh viện theo quy định. Tóm lại quá trình chữa chạy, chi phí người bị nạn tại bệnh viện không bị chi phối bởi họ có tội hay không có tội.
          - Cơ quan Công an có trách nhiệm xác minh tình trạng tai nạn để quy trách nhiệm cho các đối tượng liên quan. Tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ để xử lý theo quy định của pháp luật, có thể xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi chi phí cho các hoạt đó được sử dụng từ nguồn ngân sách, kinh phí nghiệp vụ của ngành công an. Nếu cần, Chính phủ tăng ngân sách hàng năm cho lực lượng này bảo đảm đủ hoạt động.
          Làm được như vậy, Bảo hiểm y tế sẽ thực hiện tốt được chức năng nhân đạo của mình. Mọi người dân sẽ có một sự Bảo hiểm tin tưởng trong cuộc sống.
                                                                         Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét