Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Khái niệm mới (tiếp)

“Cưỡng chế giao thông”
          Những ngày gần đây người dân Hà Nội khá bức xúc vì cách thức tổ chức phân làn xe tại một số tuyến phố do Sở Giao thông Công chính TP thực hiện. Lý do là từ khi cắm biển báo phân làn xe, nhiều người đã bị tai nạn. Nhẹ thì sưng mặt, sướt da, nặng thì gẫy chân. Cũng may là chưa có ai bỏ mạng! Thủ phạm của những vụ tai nạn đó là những chiếc cọc dựng biển báo phân làn và con chạch ngăn đường để phân làn phương tiện. Bạn nghĩ sao nếu con phố thông thoáng quen thuộc xưa nay bỗng sừng sững mọc lên một cái cột sắt trơ trọi giữa đường? Chắc chắn rằng, khi điều khiển phương tiện đến đó, nếu phản ứng chậm bạn sẽ “ăn đòn”.
          Mọi người đều biết mục tiêu của công tác tổ chức giao thông, các quy định, biển báo hiệu giao thông cuối cùng đều nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông, bảo vệ con người, tài sản. Các thiết bị, hạ tầng trên đường phục vụ chỉ dẫn giao thông cũng phải đáp ứng tiêu chí, mục tiêu đó. Tuy nhiên, với Sở GTCC Hà Nội có lẽ mục tiêu lại khác: Mọi phương tiện giao thông phải đi đúng làn đường. Quy định phải được chấp hành nghiêm túc. Cắm biển phân làn giữa lòng đường là để “cưỡng chế giao thông”-nguyên văn lời ông Phó Giám đốc Sở GTCC TPHN- “để xảy ra tai nạn là do người dân không có ý thức khi tham gia giao thông”!? Đúng là “không còn gì để nói” khi một vị lãnh đạo ngành GTCC phát ngôn lạnh lùng như vậy trước sinh mạng con người!
          Thực tiễn đường phố Hà Nội là những tuyến đường hẹp, ngắn, một số đường rất ngắn, nhiều ngõ ngách thông ra nên việc phân luồng trở nên vô tác dụng. Bên cạnh đó mật độ người, phương tiện tham gia giao thông quá nhiều. Quá trình lưu thông được tự điều chỉnh một cách linh hoạt nên nếu mọi người tự giác chấp hành luật lệ thì vẫn không xảy ra ùn tắc, mặc dù tốc độ lưu hành có chậm. Thật bất hợp lý nếu khi phân luồng, một luồng bị tắc ngẽn, còn luồng kia thoáng, không có hoặc ít phương tiện nhưng mọi người vẫn không được giải thoát khỏi ùn tắc!
          Việc phân luồng phương tiện GT ở nhiều nước trên thế giới được áp dụng chủ yếu với các tuyến đường rộng, tốc độ cao, nếu không phân luồng các loại phương tiện sẽ cản trở lẫn nhau, dễ gây tai nạn. Đồng thời việc phân luồng cũng được thực hiện bằng biển báo trên cao và sơn trắng vạch dưới đường, tuỳ theo mỗi cung đoạn được vạch liền (bắt buộc) hoặc vạch rời (không bắt buộc). Có lẽ chưa nước nào có “sang kiến” phân luồng bằng “con chạch” như VN ta. Trước đây vài năm, tại tuyến đường Bắc Thăng Long-Nội Bài và tuyến đường 5 đoạn Hà Nội-Hưng Yên khi còn hệ thống lan can sắt phân luồng xe đạp, xe thô sơ với xe cơ giới đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm bởi hệ thống này. Sau khi báo chí lên tiếng về sự bất hợp lý đó, hệ thống lan can sắt đã được tháo gỡ, mang lại sự thông thoáng cho con đường, tai nạn và ùn tắc giảm hẳn.
          Bạn nghĩ sao nếu “sáng kiến cưỡng chế giao thông” được áp dụng đại trà ở những tuyến đường như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nội-Bắc Ninh và nhiều tuyến đường khác?.. Lúc ấy dẫu bạn có ý thức cao lắm, cảnh giác cao lắm rồi cũng “sập bẫy” mà thôi! Mong rằng Bộ Giao thông vận tải không nhân rộng mô hình của Sở GTCC Hà Nội.
                                                             Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét