Câu chuyện sân gôn
Những ngày gần đây dư luận đang quan tâm đến chuyện bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ra quyết định cấm cán bộ, công chức ngành này chơi gôn vì ảnh hưởng đến công vụ.
Xin không bàn đến chuyện đúng sai của việc thực hiện thủ tục, nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của câu chuyện. Ở đây xin nói đến khía cạnh khác, đằng sau của câu chuyện sân gôn và chơi gôn.
Ai là người có đủ điều kiện chơi gôn?
Không riêng ở Việt Nam, với nhiều nước trên thế giới, gôn được coi là môn thể thao “quý tộc” bởi mức chi phí quá cao của nó. Phí chơi gôn được chia làm 3 loại. Đối với hội viên mức phí dao động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên phải trả giá cao hơn, khoảng 60-80 đôla. Phí cho khách vãng lai là cao nhất, lên tới trên dưới 100 đôla. Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên trên thị trường hiện nay, người chơi gôn phải trả tới 30.000 USD - 130.000 USD tùy sân (khoảng 620 triệu đến 2,7 tỷ đồng). Mỗi năm, phí thường niên của nhiều sân dao động khoảng trên dưới 1.000 USD đến khoảng 2.000 USD. Bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi gôn, găng tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD. Những bộ gậy đắt nhất có thể lên tới hàng trăm nghìn đôla. Hội viên sẽ được miễn lệ phí sân khi chơi, nhưng phải trả tiền "boa" cho người phục vụ khoảng 10-15 đôla. Để trở thành một tay gôn chơi được, người chơi phải tập luyện hàng năm trời, chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 đôla cho mỗi buổi tập, trong thời gian một tiếng đồng hồ.
Người có thu nhập trung bình rất khó có thể đến chơi gôn
Như vậy, người có điều kiện về mặt kinh tế để chơi gôn phải là người có thu nhập cao, thậm chí rất cao.
Vậy thì với cán bộ, công chức nhà nước, ai có đủ tiềm lực tài chính để chơi gôn? Mức lương tối thiểu hiện được quy định là 830.000 đồng/tháng, nếu là cán bộ cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng thì lương cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng (tính cả phụ cấp chức vụ, vùng, độc hại, thâm niên vv…). Vậy sao cán bộ ở Bộ GTVT phong trào chơi gôn lại nở rộ đến mức lãnh đạo phải có biện pháp can thiệp để hạn chế? Thu nhập của cán bộ, công chức ở đây cao lắm chăng? Ngoài lương ra chắc hẳn phải có thu nhập khác lớn hơn?
Thật ngậm ngùi thay cho những cô giáo mẫu giáo ở vùng cao Thanh Hoá vừa qua đã phải từ bỏ nghiệp trồng người của mình vì mức lương không đủ sống, chỉ có mấy trăm ngàn bạc một tháng!
Sân gôn có giúp đất nước làm giàu?
Mới đây, một vị Bộ trưởng trước khi nghỉ hưu còn cố gắng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo đề xuất tăng thêm 33 sân gôn vào quy hoạch cứng đến năm 2020, nâng lên thành 118 sân gôn trên cả nước, nâng bình quân lên mỗi tỉnh gần 2 sân. Quỹ đất dành cho mỗi sân gôn hiện nay tuỳ theo mỗi địa phương và cũng rất đa dạng song thấp nhất cũng gần 100 ha/sân. Thử xem một số ví dụ: Dự án sân gôn tại huyện Tam Nông - Phú Thọ có diện tích hơn 2.000 ha; Dự án Khu Du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) 1.204 ha; Dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) 1.730 ha; Dự án Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) là 2.042 ha; Sân gôn 18 lỗ và sân tập gôn tại Cam Lập, Cam Ranh (Khánh Hòa) là 1.502 ha… Như vậy diện tích chiếm đất của các sân gôn không phải là nhỏ. Nơi dùng xây dựng sân gôn chắc chắn không thể quá xa thành phố, đô thị và đất đai cũng không thể dùng vùng đồi núi hiểm trở. Tóm lại là vẫn phải sử dụng đất đai có thể canh tác, thậm chí cả đất lúa, đất ngô, nơi “bờ xôi, ruộng mật”.
Với lượng chiếm đất như vậy, hiệu quả kinh tế sân gôn mang lại ra sao? Chỉ xin đơn cử một sân gôn tại Hà Nội, đó là Vân Trì: Diện tích đất dành cho sân gôn là 128 ha. Thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, nơi dành đất cho sân gôn có 2400 nhân khẩu mất đất, số người được vào làm tại đây chỉ vẻn vẹn 50 người. Mỗi năm sân gôn này nộp ngân sách khoảng 4 tỷ đồng, tính bình quân Nhà nước thu được chừng 32 triệu đồng/ha/năm. Mức này chắc chắn sẽ thấp hơn nếu đất đó sử dụng cho kinh doanh thuần nông nghiệp!
Sân gôn Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh)
Như vậy bài toán làm giàu cho đất nước từ sân gôn đã rõ! Vậy sao các địa phương lại tích cực và đua nhau mở nhiều sân gôn như thế? Đằng sau sân gôn nó là cái gì? Các bạn nhìn vào một số số liệu sau đây về diện tích cấp đất và diện tích sử dụng thực tế làm sân gôn sẽ hiểu phần nào: Sân gôn huyện Tam Nông - Phú Thọ 8,5%; Sân gôn Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) 9,3%; Sân gôn Tam Chúc (Hà Nam) 7%; Sân gôn Cam Lập, Cam Ranh (Khánh Hòa) 9%: Sân gôn Tản Viên 18%… Còn 80-90% diện tích đó là phục vụ cho xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự để bán và cho thuê. Có lẽ đây mới là mục đích chính của các nhà đầu tư sân gôn.
Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét