Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Chuyện vui:

Thỏa thuận Bố - Con

          Hai ông cán bộ hưu của làng Lãnh nói chuyện với nhau, ông Dân hỏi ông Cực:
          - Ông đã nhận được giấy mời họp của trưởng thôn Văn Hiệp chưa?
          - Chưa, nhưng mà về việc gì vậy, chắc bàn chuyện dồn điền đổi thửa?
          - Không, đây là hội nghị “Thỏa thuận hợp tác” giữa Lãnh đạo thôn với lão Tăng bán thịt lợn.
          - Hợp tác về vấn đề gì, chắc là để bình ổn giá thịt lợn chăng?
          - Không phải là bình ổn giá mà là phía chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của lão Tăng. Chẳng hạn như bố trí cho lão vị trí bán hàng đẹp tại chợ làng, thanh, kiểm tra chặt chẽ chất lượng thịt từ các làng khác đến kinh doanh tại chợ làng ta, không để họ tung hoành như vừa qua, hỗ trợ khi quầy hàng của lão Tăng bị kẻ xấu quấy nhiễu vv…
          - Thế chính quyền được lợi gì?
          - Đổi lại, lão Tăng sẽ cung cấp hàng cho Ban Lãnh đạo thôn thịt có chất lượng cao, giá cả hợp lý mỗi khi thôn có hội nghị, tiếp khách... Và chắc là người nhà, họ hàng của các ông lãnh đạo cũng sẽ được ưu ái!
          - Nhưng thế liệu có hợp lý, công bằng? Nhất là khi lão Tăng lại chính là thằng cháu nội tộc của ông Văn Hiệp, khác gì thỏa thuận bố với con?
          - Thôi ông ơi, mình thấp cổ bé họng, biết thế nhưng làm gì được! Mà chuyện này hình như tôi nghe đã có ở đâu rồi thì phải?
            - À, cũng có chuyện na ná như thế, ấy là chuyện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký "Thỏa thuận hợp tác" với Tập đoàn dầu khí PVN!
          Bỗng dưng hai ông Dân, Cực chẳng nói gì nữa, lầm lũi bước đi trên con đường làng khấp khểnh ổ trâu.
Đinh Hoàng

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Luận bàn:

Hạn chế tư duy

         
Hôm nay khi được nghe thông tin Bộ Giao thông vận tải sửa đổi tên “Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân” thành “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”, tự dưng tôi thấy buồn cười quá, giống như khi nghe tên một bộ luật mang tên “Luật nhà văn” từng được một đại biểu Quốc hội đề xuất gần đây.
          Như mọi người lâu nay thường hiểu, Phí là một khoản tiền cần đóng khi ta sử dụng một dịch vụ cụ thể nào đó nhằm góp phần bù đắp chi phí để dịch vụ đó được duy trì tốt hơn, phục vụ lại người đóng phí. Như vậy, tôi vẫn chưa hiểu hiện nay Bộ GTVT đã có cái dịch vụ gọi là “Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” chưa? Phải có “nó” thì mới thu phí được chứ!
          Người dân rất thông cảm với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là với Bộ GTVT trước tình hình bức xúc hiện nay về giao thông, đó là tình trạng đường sá xuống cấp, phương tiện gia tăng chóng mặt dẫn tới ùn tắc giao thông xảy ra ngày một nghiêm trọng, nhất là các thành phố lớn. Cần ghi nhận những nỗ lực của Bộ GTVT trong thời gian gần đây, đã liên tục đề xuất, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Tuy vậy, với một cơ quan có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong điều hành thì mọi đề xuất phải được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và phải được gắn chặt với thực tiễn cuộc sống. Mọi sự nôn nóng, chủ quan sẽ luôn mâu thuẫn với khoa học sáng tạo.
          Phương tiện giao thông cá nhân (nhất là xe gắn máy) ở Việt Nam ta là loại phương tiện phổ biến và hữu ích với mọi gia đình. Nó không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông, với nhiều người nó là phương tiện sinh nhai không thể thiếu. Mỗi người đều có quyền sở hữu phương tiện, tài sản của mình, nhất là trong điều kiện VN ta, phương tiện giao thông công cộng còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi tin rằng, mức phí có cao đến đâu, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện, chỉ có điều hiệu quả mưu sinh của họ giảm đi mà thôi. Vậy thì một chủ trương nhằm “hạn chế” phương tiện mưu sinh của người dân liệu có được lòng dân? Liệu chủ trương này có vi phạm (hạn chế) quyền sở hữu tài sản của người dân đã được pháp luật quy định?
          Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, cuối cùng thì mục đích tăng thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT là gì, nhằm hạn chế phương tiện hay tăng thu ngân sách để lấy tiền đầu tư vào giao thông? Hạn chế phương tiện thì chưa ai giám bảo đảm rằng sẽ giảm được lượng phương tiện. Còn tăng thu ngân sách thì cũng chỉ được mấy ngàn tỷ (theo tính toán của các cơ quan chức năng). Mấy ngàn tỷ so với những khoản thua lỗ, nợ nần của EVN, Vinashin… thì lại quá nhỏ nhoi khi phải đánh đổi lấy an sinh của đại đa số người dân. Nếu chỉ vì lo tăng thu ngân sách thì tốt nhất ta nên tìm giải pháp quản lý tốt các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, quản lý chặt chẽ trong đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng các công trình giao thông. Chỉ cần giảm được một vài phần trăm số thất thoát do công tác quản lý, số tiền thu về có lẽ còn lớn gấp bội phần so với thu từ túi tiền eo hẹp của người dân.
          Còn, vẫn với cách tư duy như trên, tại sao ta không “nghiên cứu” về một số loại phí mới, chẳng hạn như “Phí hạn chế uống rượu bia”, “Phí hạn chế hút thuốc lá”… để tăng nguồn thu cho ngân sách? Và nên chăng, cũng cần có một loại phí, đó là “Phí hạn chế tư duy”?!
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Luận bàn:

Nước ta giàu chưa?
Những em nhỏ vùng cao này không có khái niệm đôi giày trong mùa đông

Tối qua, sau khi xem chương trình VTV1 phát phóng sự ngắn về chủ đề phí giao thông (nói về dự thảo thu phí lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đang được Bộ Giao thông vận tải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua). Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất không phải là mức phí (được coi là khủng, kể cả so với nước Mỹ), mà lại là cảnh trụ sở Bộ GTVT. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là khu vực triển lãm các loại xe hơi sang trọng tại một triển lãm nào đó, nhưng khi ống kinh phóng viên lia dần xuống mới vỡ lẽ đó là trụ sở của Bộ GTVT. Ngay bên cạnh cổng còn một tấm biển phụ thông báo: “Đã hết chỗ để xe”!
Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi, không biết Việt Nam ta đã giàu chưa? Và cuối cùng đi đến kết luận “có lẽ nước ta giàu thật rồi”! Vì sao ư? Tôi chỉ xin nói hai câu chuyện để các bạn tham khảo:
Thứ nhất, thông thường ở các nước kinh tế phát triển, những người giàu trước tiên là giới doanh nhân, thương gia… Còn đội ngũ công chức làm công ăn lương bao giờ cũng chỉ “thường thường bậc trung” chứ không mấy người giàu. Với Việt nam ta, thoát khỏi danh sách nước nghèo với mức thu nhập bình quân 1.100 USD/người/năm liệu đã được gọi là nước khá giả? Con số trên thực ra không nói lên được gì nhiều về bản chất vấn đề thu nhập. Một người giàu ở thành phố có thể “gánh” bình quân thu nhập cho cả một xã ở miền núi. Bạn còn nhớ năm trước hàng loạt giáo viên mẫu giáo ở một trường thuộc huyện miền núi Thanh Hóa đồng loạt xin nghỉ dạy đúng ngày khai trường do mức lương lao động hợp đồng chỉ có 500.000 đồng/tháng. Đến nay Thanh Hóa đã tiếp nhận các cô vào biên chế với mức lương chừng trên 2,5 triệu đồng/tháng và các cô giáo đã thấy mãn nguyện lắm rồi! Nhưng liệu lương tháng của tất cả cô giáo tại ngôi trường này có “nuôi” được một chiếc xe hơi hạng sang ở thành phố trong 1 tháng?
Thứ hai, thông thường suất đầu tư xây dựng ở các nước phát triển, nước giàu bao giờ cũng đắt đỏ hơn ở các nước nghèo, nước thu nhập trung bình. Có như vậy thì Việt Nam ta mới thu hút được đầu tư nước ngoài ồ ạt như thời gian qua. Tuy nhiên, (vẫn là từ Tuy nhiên), hình như Việt Nam ta là ngoại lệ. Suất đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng các công trình giao thông ở ta không hề rẻ chút nào, thậm chí tại Hà Nội đã có những con đường được xây dựng với giá “đắt nhất hành tinh” như một số tờ báo từng gọi. Tờ Tiền phong ngày hôm qua cho biết, suất đầu tư trung bình các đường cao tốc tại Việt Nam từ 7,6-28,6 triệu USD/1km, tức là khoảng 16-60 tỷ đồng/100m đường! Giá suất đầu tư không rẻ nhưng chất lượng công trình thì hình như lại “hơi rẻ”. Bằng chứng gần nhất là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, phải sửa chữa. Và đi ở bất kỳ con đường nào mới được xây dựng ta cũng nhận thấy sự xuống cấp nhanh chóng của chúng. Do có nhiều ý kiến phàn nàn nên ngành giao thông đã có "sáng kiến" cắm những biển “theo dõi lún” ở những con đường “chất lượng rẻ” này. Vậy đầu tư những con đường “giá thế giới”, chất lượng Việt ấy chắc Nhà đầu tư “lãi” nhiều lắm? Nhưng lãi cao sao lại đưa ra mức thu phí khủng (đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương) để thu hồi vốn nhanh làm cho các phương tiện phải “né” đường cao tốc? Có lẽ đó cũng là mức phí của một nước giàu!
Kể ra thì còn những câu chuyện khác về một nước giàu như Việt Nam ta, dân ta chi tiêu “khủng”, chẳng hạn như giá thuốc, giá sữa đắt nhất khu vực, hay câu chuyện công chức chơi gôn vv… Đúng là dân Việt Nam ta giàu thật rồi!
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Người giàu, người nghèo

Một hôm bỗng thằng Thông hỏi bố:
- Bố ơi, sao anh Chuẩn nhà ta lại gọi bà Diệu Hiền, đại gia thủy sản và bà Liễu, đại gia phố núi Hương Sơn là một lũ ngu?
          - Anh con nói hơi quá, kể ra các bà ấy cũng hơi kém thông minh một chút thôi. Người khôn ngoan chẳng ai đi khoe của một cách kệch cỡm, thô thiển như vậy - Ông bố ôn tồn giải thích. - Ví như con đang ăn miếng bánh mà có mấy đưa trẻ con ăn mày đứng nhìn nhỏ dãi thèm thuồng, vậy con ăn có ngon không?
          - Sao người ngu mà lại làm ăn, kinh doanh giỏi thế ạ? Con tưởng đã làm giàu được thế thì phải những người thông minh, tài giỏi chứ?
          Nheo mày suy nghĩ giây lát, ông bố lại giải thích:
          - Họ chỉ giàu về vật chất thôi con ạ. Còn về tinh thần thì họ còn nghèo lắm, thậm chí còn có thể gọi là nghèo kiết xác nữa cơ. Cho nên họ chỉ biết có họ, như thể trên cao vút, nhìn xuống không thấy ai bằng mình.
          Thằng Thông nghe chừng vẫn chưa chịu thuyết phục:
          - Sao họ làm giàu vật chất giỏi thế mà lại không biết làm giàu tinh thần hả bố?
          Ông bố không trả lời mà hỏi lại:
          - Nếu mai ra đường, tự nhiên con nhặt được cục vàng to bằng cái ấm tích này, con có giàu không?
          - Nhưng khoảng mấy cân vàng cơ ạ?- Thằng Thông băn khoăn hỏi lại.
          - Cứ cho là 10 cân đi, nhiều tỉ đồng đấy.
          - Thế thì con giàu nhất xã rồi!
          - Giàu thế nhưng con đã giỏi hơn bố chưa? Đã học giỏi bằng thằng Minh con các Sáng chưa? Người giàu về tinh thần chính là người có phẩm giá, đạo đức, luôn quan tâm đến người khác trước khi nghĩ đến mình, chính vì vậy mà họ tạo ra được những giá trị tinh thần cao quý, được người đời vinh danh, ca ngợi. Tuy nhiên giá trị tinh thần không thể tự nhiên mà có, như kiểu con nhặt được cục vàng đâu, mà là quá trình học tập, tu dưỡng đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ mới có được con ạ.
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Không cần học nữa

            Mấy hôm nay, cứ đến giờ học là thằng Tèo lại đóng cửa im ỉm, phòng sáng điện đến tận 10 giờ đêm. Mọi khi thỉnh thoảng nó lại chạy sang hỏi mẹ, khi thì sang hỏi chị về bài vở. Mấy hôm nay tịnh không thấy nó hỏi han gì ai hết.
          Không hiểu thằng con học lớp 5 này đang làm điều gì, ông Thất nhẹ nhàng hé cánh cửa phòng thằng con thử xem chuyện gì đang xảy ra. Thì ra thằng Tèo chẳng học hành gì cả. Nó đứng trước gương, tay phải cứ mở ra bóp lại liên tục thư nhể bóp phanh xe máy, ngón trỏ tay trái thì đưa lên tường ấn ấn trên bức tường như thể đang bấm bàn phím máy tính. Thấy lạ, ông vào phòng, hỏi thằng Tèo:
          - Con đang làm cái trò gì thế, không học hành gì ư?
          Không cần để ý khi bố vào, nó vẫn tiếp tục công việc, vừa trả lời:
          - Con không cần học nữa đâu bố ạ. Con có cách làm giàu rồi!
          - Không học hành giỏi giang thì sao làm giàu được, mày đang mơ ngủ đấy à?- Ông Thất mắng.
          - Bố có thấy nhà cô Thu xóm mình giàu không? - Tèo hỏi.
          - Ai không biết nhà cô Thu bán cây xăng giàu nhất xóm này, nhưng mà sao?
          - Bố thấy không, con chỉ thấy cô ấy suốt ngày làm có mấy động tác bấm số trên mặt bảng số cây xăng, tay bóp cò vòi xăng, thế mà nhà giàu nứt đố đổ vách!
          - Nhưng cô ấy cũng phải học hành mới có được cơ nghiệp ấy chứ. Phải biết lên kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh đúng đắn, nếu không thì cũng sạt nghiệp vì cạnh tranh thương trường con ạ.
          - Nhưng con thấy kinh doanh xăng dầu chẳng bao giờ lỗ, giá chỉ có lên, hãn hữu lắm mới hạ tí ti, lại còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ, nào là giảm thuế, nào là trích quỹ bình ổn từ tiền của người mua xăng. Có dạo con còn thấy ti vi đưa tin các Doanh nghiệp xăng dầu dám dọa cả Nhà nước, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Tài chính phải nắn gân lại cơ mà. Cho nên, từ mai con sẽ không đi học nữa, con sẽ kinh doanh xăng dầu!
          Ông Thất điếng người, đứng như trời trồng.
Đinh Hoàng
            

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Tiểu phẩm vui:


Cái lý độc quyền

          Sáng nay lão Kiệm được vợ giao 120.000 đồng ra chợ đầu làng để mua cân thịt lợn. Trước khi đi, vợ lão còn dặn “phải mua đúng 1 kg đấy, giá thịt lợn là 120.000 đồng 1 cân, tôi nắm rõ rồi”!
          Tới hàng thịt, lão Kiệm giật mình vì trên bảng niêm yết của lão Tăng nét phấn nguệch ngoạc mới toanh: thịt mông sấn 140.000 đồng/01kg! Lão căn vặn chủ quán:
          - Này, vừa hôm qua còn 120.000 đồng một cân, nay đã tăng vèo lên 140.000 là cớ sao?
          Lão Tăng thủng thẳng:
          - Thế ông không biết giá xăng dầu, giá điện và cả giá ga đã tăng mấy hôm rồi à?
          - Nhưng tăng tới 20.000 đồng một cân, ông tính thế nào mà ra cái giá này?
          - Giá xăng tăng làm cho giá thịt tăng 5.000 đồng!
          - Vô lý! Giá xăng thì có ảnh hường gì lắm tới giá thịt?
          - Thế tôi hỏi, người vận chuyển thịt đến đây bán cho tôi, họ vác lợn trên vai chắc. Họ cũng phải dùng ô tô, xe máy để vận chuyển. Ô tô, xe máy có chạy bằng nước lã đâu!
          - Thế còn điện? Điện tăng thì ảnh hường gì đến giá lợn?
          Lão Tăng nóng mặt, cự lại:
          - Tôi hỏi ông: lợn nó ăn bằng gì?
          - Bằng thức ăn gia súc!
          - Thế nhà máy chế biến thức ăn gia súc có phải dùng điện để chạy máy sản xuất hàng không? Giá điện chiếm 5.000 đồng mỗi cân thịt đấy!
          Lão Kiệm chưa chịu, vặn tiếp:
          - Thế còn giá ga? Hay là người nuôi lợn phải nấu cám bằng ga, nếu vậy thì đây là chuyện lạ Việt Nam đấy!
          Vừa vung tay chặt mạnh khúc xương lợn, lão Tăng gằn giọng:
          - Thế người nuôi lợn họ có cần nấu ăn để sống không? Để bù giá ga, họ cũng phải tăng giá lợn hơi nhập cho chúng tôi chứ. Riêng giá ga tăng chiếm 5.000 đồng cho một cân thịt lợn!
          Nhẩm tính trên đầu ngón tay, lão Kiệm vẫn chưa chịu:
          - Cộng ra mới có 15.000 đồng, sao ông tăng tận 20.000 đồng?
          Lão Tăng:
          - 5.000 đồng đó là tôi để vào “quỹ bình ổn giá thịt lợn”, đó là quy định của ông trưởng thôn Văn Hiệp!
          - Quỹ đó ông nộp cho bác Văn Hiệp à? 
          - Không. Tôi tự quản quỹ này để khi giá thịt biến động quá lớn sẽ kịp thời bình ổn luôn, chứ nộp cho lão Văn Hiệp rồi, rút ra đâu có dễ dàng.
          - Ông cứ lý sự, tiền quỹ của dân, ông giữ, ông sử dụng, bố ai biết việc chi tiêu thế nào, kể cả trưởng thôn Văn Hiệp, cuối cùng chỉ ông được lợi. Đúng là chết dân!
          Lão Tăng mặt đỏ tía tai, dường như không chịu nổi sự lắm điều của lão Kiệm. Vung tay cắm phập con dao chọc tiết lợn xuống tấm phản gỗ lép nhép máu lợn đỏ tươi, cán dao rung lên bần bật. Chỉ thẳng tay vào mặt lão Kiệm, giọng gã rít lên:
          - Tôi nói ông hay: Văn Hiệp thì cũng ăn thịt lợn quán này. Cả cái làng này chỉ có mỗi phản thịt của tôi, ông mua hay không thì… biến!
          Lão Kiệm tái nhợt mặt mày, lập bập:
          - Ừ…tôi… tôi mua… nhưng chỉ có 120.000 đồng đây, được mấy lạng thì ông cân cho.
          Lão Tăng:
- Thế có nhanh không, cứ lắm mồm, mất thời gian!
Đinh Hoàng