Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Luận bàn:

Nước ta giàu chưa?
Những em nhỏ vùng cao này không có khái niệm đôi giày trong mùa đông

Tối qua, sau khi xem chương trình VTV1 phát phóng sự ngắn về chủ đề phí giao thông (nói về dự thảo thu phí lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đang được Bộ Giao thông vận tải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua). Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất không phải là mức phí (được coi là khủng, kể cả so với nước Mỹ), mà lại là cảnh trụ sở Bộ GTVT. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là khu vực triển lãm các loại xe hơi sang trọng tại một triển lãm nào đó, nhưng khi ống kinh phóng viên lia dần xuống mới vỡ lẽ đó là trụ sở của Bộ GTVT. Ngay bên cạnh cổng còn một tấm biển phụ thông báo: “Đã hết chỗ để xe”!
Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi, không biết Việt Nam ta đã giàu chưa? Và cuối cùng đi đến kết luận “có lẽ nước ta giàu thật rồi”! Vì sao ư? Tôi chỉ xin nói hai câu chuyện để các bạn tham khảo:
Thứ nhất, thông thường ở các nước kinh tế phát triển, những người giàu trước tiên là giới doanh nhân, thương gia… Còn đội ngũ công chức làm công ăn lương bao giờ cũng chỉ “thường thường bậc trung” chứ không mấy người giàu. Với Việt nam ta, thoát khỏi danh sách nước nghèo với mức thu nhập bình quân 1.100 USD/người/năm liệu đã được gọi là nước khá giả? Con số trên thực ra không nói lên được gì nhiều về bản chất vấn đề thu nhập. Một người giàu ở thành phố có thể “gánh” bình quân thu nhập cho cả một xã ở miền núi. Bạn còn nhớ năm trước hàng loạt giáo viên mẫu giáo ở một trường thuộc huyện miền núi Thanh Hóa đồng loạt xin nghỉ dạy đúng ngày khai trường do mức lương lao động hợp đồng chỉ có 500.000 đồng/tháng. Đến nay Thanh Hóa đã tiếp nhận các cô vào biên chế với mức lương chừng trên 2,5 triệu đồng/tháng và các cô giáo đã thấy mãn nguyện lắm rồi! Nhưng liệu lương tháng của tất cả cô giáo tại ngôi trường này có “nuôi” được một chiếc xe hơi hạng sang ở thành phố trong 1 tháng?
Thứ hai, thông thường suất đầu tư xây dựng ở các nước phát triển, nước giàu bao giờ cũng đắt đỏ hơn ở các nước nghèo, nước thu nhập trung bình. Có như vậy thì Việt Nam ta mới thu hút được đầu tư nước ngoài ồ ạt như thời gian qua. Tuy nhiên, (vẫn là từ Tuy nhiên), hình như Việt Nam ta là ngoại lệ. Suất đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng các công trình giao thông ở ta không hề rẻ chút nào, thậm chí tại Hà Nội đã có những con đường được xây dựng với giá “đắt nhất hành tinh” như một số tờ báo từng gọi. Tờ Tiền phong ngày hôm qua cho biết, suất đầu tư trung bình các đường cao tốc tại Việt Nam từ 7,6-28,6 triệu USD/1km, tức là khoảng 16-60 tỷ đồng/100m đường! Giá suất đầu tư không rẻ nhưng chất lượng công trình thì hình như lại “hơi rẻ”. Bằng chứng gần nhất là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, phải sửa chữa. Và đi ở bất kỳ con đường nào mới được xây dựng ta cũng nhận thấy sự xuống cấp nhanh chóng của chúng. Do có nhiều ý kiến phàn nàn nên ngành giao thông đã có "sáng kiến" cắm những biển “theo dõi lún” ở những con đường “chất lượng rẻ” này. Vậy đầu tư những con đường “giá thế giới”, chất lượng Việt ấy chắc Nhà đầu tư “lãi” nhiều lắm? Nhưng lãi cao sao lại đưa ra mức thu phí khủng (đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương) để thu hồi vốn nhanh làm cho các phương tiện phải “né” đường cao tốc? Có lẽ đó cũng là mức phí của một nước giàu!
Kể ra thì còn những câu chuyện khác về một nước giàu như Việt Nam ta, dân ta chi tiêu “khủng”, chẳng hạn như giá thuốc, giá sữa đắt nhất khu vực, hay câu chuyện công chức chơi gôn vv… Đúng là dân Việt Nam ta giàu thật rồi!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét