Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Luận bàn:

Hạn chế tư duy

         
Hôm nay khi được nghe thông tin Bộ Giao thông vận tải sửa đổi tên “Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân” thành “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”, tự dưng tôi thấy buồn cười quá, giống như khi nghe tên một bộ luật mang tên “Luật nhà văn” từng được một đại biểu Quốc hội đề xuất gần đây.
          Như mọi người lâu nay thường hiểu, Phí là một khoản tiền cần đóng khi ta sử dụng một dịch vụ cụ thể nào đó nhằm góp phần bù đắp chi phí để dịch vụ đó được duy trì tốt hơn, phục vụ lại người đóng phí. Như vậy, tôi vẫn chưa hiểu hiện nay Bộ GTVT đã có cái dịch vụ gọi là “Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” chưa? Phải có “nó” thì mới thu phí được chứ!
          Người dân rất thông cảm với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là với Bộ GTVT trước tình hình bức xúc hiện nay về giao thông, đó là tình trạng đường sá xuống cấp, phương tiện gia tăng chóng mặt dẫn tới ùn tắc giao thông xảy ra ngày một nghiêm trọng, nhất là các thành phố lớn. Cần ghi nhận những nỗ lực của Bộ GTVT trong thời gian gần đây, đã liên tục đề xuất, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Tuy vậy, với một cơ quan có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong điều hành thì mọi đề xuất phải được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và phải được gắn chặt với thực tiễn cuộc sống. Mọi sự nôn nóng, chủ quan sẽ luôn mâu thuẫn với khoa học sáng tạo.
          Phương tiện giao thông cá nhân (nhất là xe gắn máy) ở Việt Nam ta là loại phương tiện phổ biến và hữu ích với mọi gia đình. Nó không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông, với nhiều người nó là phương tiện sinh nhai không thể thiếu. Mỗi người đều có quyền sở hữu phương tiện, tài sản của mình, nhất là trong điều kiện VN ta, phương tiện giao thông công cộng còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi tin rằng, mức phí có cao đến đâu, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện, chỉ có điều hiệu quả mưu sinh của họ giảm đi mà thôi. Vậy thì một chủ trương nhằm “hạn chế” phương tiện mưu sinh của người dân liệu có được lòng dân? Liệu chủ trương này có vi phạm (hạn chế) quyền sở hữu tài sản của người dân đã được pháp luật quy định?
          Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, cuối cùng thì mục đích tăng thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT là gì, nhằm hạn chế phương tiện hay tăng thu ngân sách để lấy tiền đầu tư vào giao thông? Hạn chế phương tiện thì chưa ai giám bảo đảm rằng sẽ giảm được lượng phương tiện. Còn tăng thu ngân sách thì cũng chỉ được mấy ngàn tỷ (theo tính toán của các cơ quan chức năng). Mấy ngàn tỷ so với những khoản thua lỗ, nợ nần của EVN, Vinashin… thì lại quá nhỏ nhoi khi phải đánh đổi lấy an sinh của đại đa số người dân. Nếu chỉ vì lo tăng thu ngân sách thì tốt nhất ta nên tìm giải pháp quản lý tốt các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, quản lý chặt chẽ trong đầu tư xây dựng, nhất là xây dựng các công trình giao thông. Chỉ cần giảm được một vài phần trăm số thất thoát do công tác quản lý, số tiền thu về có lẽ còn lớn gấp bội phần so với thu từ túi tiền eo hẹp của người dân.
          Còn, vẫn với cách tư duy như trên, tại sao ta không “nghiên cứu” về một số loại phí mới, chẳng hạn như “Phí hạn chế uống rượu bia”, “Phí hạn chế hút thuốc lá”… để tăng nguồn thu cho ngân sách? Và nên chăng, cũng cần có một loại phí, đó là “Phí hạn chế tư duy”?!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét