Đừng xóa đi điều thiêng
liêng
Với gia đình
là truyền thống dòng tộc, tổ tiên; với dân tộc, quốc gia là lịch sử truyền thống
- đó là hồn cốt linh thiêng. Hạ thấp, coi nhẹ giá trị thiêng liêng sẽ để lại
hệ lụy lâu dài. Vụ khủng bố tại toà báo ở phương Tây có ý kiến cho là bắt
nguồn từ sự đụng chạm đến điều thiêng liêng của đạo Hồi - nhà tiên tri
Mô-ha-mét. Hành động tàn sát những nhà báo là điều không thể chấp nhận. Tuy
nhiên cũng cần có giới hạn trong phê phán, khi đó là một dân tộc, một đạo
giáo, dễ đụng chạm đến quyền tự do tín ngưỡng.
Với mỗi
người Việt Nam, hai từ lịch sử luôn là điều tự hào, niềm kiêu hãnh. Thế giới
nghiêng mình trước Việt Nam, nể phục người Việt Nam cũng vì đó là những nhân
chứng sống của một dân tộc quật cường, một Quốc gia có bề dày lịch sử sáng
ngời.
Chúng ta lớn
lên, được ăn học, thành một công dân có ích, thành người yêu nước, có trách
nhiệm với quê hương, đất nước cũng từ điểm tựa lịch sử dân tộc và truyền
thống gia đình.
Dân tộc Việt
tồn tại được đến ngày hôm nay, không bị đồng hóa, đang ngẩng cao đầu trước
nhân loại cũng từ nền tảng lịch sử huy hoàng của mình.
Khi nghe
việc môn lịch sử sẽ không còn tên gọi trong những đầu môn giáo dục trong nhà
trường tôi bỗng thấy ngỡ ngàng, chung chiêng, dẫu biết rằng môn ấy vẫn nằm ẩn
khuất đâu đó sau hai từ “tích hợp”.
Không biết
trong cái “rổ” tích hợp đó cái nào là chính, cái nào là phụ? Sao không giữ
tên môn lịch sử rồi tích hợp môn khác vào? Học sinh có coi trọng, yêu thích
môn lịch sử hay không chính bởi cách giảng dạy và cơ cấu môn thi của ta chứ
đâu phải là môn không hấp dẫn?
Dù đã kiên
trì giải thích, thuyết phục nhưng hầu hết các nhà khoa học, học giả tên tuổi
vẫn chưa nhất trí với quan điểm mà đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra trong buổi
Hội thảo về môn lịch sử trong giáo dục phổ thông gần đây. Có nhà khoa học đã
khẳng định: "Nếu tích hợp, lịch sử sẽ không còn là một môn khoa học
riêng biệt mà chỉ còn là một mảng kiến thức trong chương trình giáo
dục"!
Ngôi chùa
dẫu ít khách vãng lai ta cũng không thể đưa nó vào một quần thể nhà văn hóa,
hội trường, sân kho hợp tác xã… rồi đặt cho một cái tên mới để mong đông
khách viếng thăm.
Giảm tải nội
dung giáo dục là điều phải làm. Cải cách, đổi mới nền giáo dục quốc gia là
mong mỏi của Nhân dân, là quyết tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Tuy
nhiên, sự nóng vội trong quá trình này sẽ không mang lại điều sáng suốt. Có
những việc cẩn khẩn trương, cần nhanh hơn. Nhưng cũng có những việc cần hết
sức bình tĩnh, thận trọng, khi đó là một khoa học, là điều trọng đại, linh
thiêng, hồn cốt của cả một dân tộc.
Lịch sử dân
tộc Việt có thể ví như một ngôi đền linh thiêng. Đừng vì một điều gì đó mà
phá đi ngôi đền!
Đinh
Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)
|
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015
Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015
XÂY NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT NHẤT?
“Một lần dự phê duyệt
quy hoạch thành phố Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó đã đề nghị
Bác cho chuyển Thủ đô sang Vĩnh Yên, vì ở Hà Nội nay khí hậu rất nóng. Bác
cười bảo:
- Từ xa xưa tổ tiên mình xây dựng Kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ đồng bào miền Nam hàng ngày hàng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội, nếu mình dời Thủ đô đi nơi khác thì đồng bào sẽ nghĩ thế nào? Thôi thì bây giờ chú cứ sang bên ấy, còn Bác ở lại bên này nhé!
Nghe vậy mọi người cười
ồ nhưng vô cùng thấm thía. Một đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đề
nghị xin chuyển Văn phòng Trung ương về vị trí trường An-be Sa-rô cũ (nay là
Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) vì ở đó vườn rộng hơn, vị trí đẹp hơn. Bác bảo
ngay: Văn phòng Trung ương như thế đẹp rồi! Rồi Bác hỏi mọi người:
- Thế các chú có biết
Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất không? Thấy mọi người nhìn
nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình, nói tiếp:
- Xây ở trong này, trong
lòng Nhân dân là tốt nhất!”.
Đức tính giản dị, tiết
kiệm của Bác Hồ như câu chuyện trên rất nhiều. Tôi chợt nhớ câu chuyện này
bởi dư luân rất quan tâm khi Quốc hội đang bàn về phân bổ ngân sách 2016 cùng
chuyện tiết kiệm, chống chi tiêu lãng phí. Biện pháp khoán xe công lại được
đưa ra là một trong những giải pháp. Lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội chia
sẻ với báo chí rằng “cán bộ cấp Thứ trưởng người đi xe riêng, người đi
tắc-xi, xem ôm đến dự họp nhìn không đẹp”! Người cán bộ “nhìn đẹp” là họ làm
được cái gì cho dân, người dân học được cái gì từ họ chứ đâu cứ phải xe sang,
trụ sở đẹp? Phải chăng quan niệm về cái đẹp của người cán bộ trong một số
lãnh đạo thời nay đã khác xưa? Hiện nay phổ biến tình trạng mỗi khi một lãnh
đạo được cất nhắc lên vị trí mới là hàng loạt yêu cầu vật chất được bảo đảm:
Xe loại đắt tiền, còn tốt cũng được chuyển cho cấp dưới để thay chiếc mới;
phòng ốc, thiết bị làm việc đều được tân trang, thay thế…, rất ít người dùng
lại đồ “cũ” của người tiền nhiệm.
Liệu hình ảnh Bác Hồ khi
còn sống mặc bộ quần áo nâu, chân trần, ngồi đạp guồng nước chống hạn cùng bà
con nông dân nhìn có đẹp không? Liệu Thủ tướng một nước giàu như Ca-na-đa,
ông Justin Trudeau vẫn hằng
ngày đi làm bằng xe buýt, hay tỉ phú Bin Ghết đến Việt Nam, khi sang Từ Sơn
(Bắc Ninh) vẫn đi chung xe 12 chỗ ngồi cùng mọi người… có đẹp không? Tôi nghĩ
đó là những hình ảnh tuyệt vời.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng phát động từ năm 2007. Gần chục năm qua
biết bao tấm gương đã và đang miệt mài học và làm theo Bác bằng những việc
làm bình dị rất đáng trân trọng. Vậy mà trong đội ngũ cán bộ việc học và làm
theo Người vẫn chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Sự tiết kiệm chỉ “nghe”
nhiều chứ chưa “thấy” nhiều. Cán bộ nay được trang bị cho làm việc, sinh hoạt
chẳng thiếu thứ gì, nhưng nhiều cán bộ lại rất thiếu sự giản dị, gần dân. Trụ
sở xa hoa, lộng lẫy, xe ô-tô đắt tiền… chưa biết có mang lại hiệu quả công
việc hơn hay không nhưng rõ ràng khoảng cách giữa cán bộ với người dân cứ
ngày một rộng ra.
Thật khó xây được lòng tin của Nhân dân bằng
những xa hoa, phù phiếm.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người Cao tuổi)
|
Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015
"Nhà khó" tiêu tiền
Có câu "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Khi túng thiếu thì chi tiêu việc gì cũng khó, làm cái nọ phải bỏ cái kia. Việt Nam vừa bước khỏi ngưỡng nước nghèo, chưa phải là "nhà có", vẫn thuộc diện "nhà khó". Vậy “nhà khó” đang tiêu tiền thế nào?
Người dân thật “choáng” khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT “bộc bạch” trước diễn đàn Quốc hội rằng “ngân sách cho năm 2016 chỉ còn 45 ngàn tỉ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu”! Thì ra ngân sách của ta không phải là “khó” mà đã “kiệt”, làm ra không đủ chi tiêu. Phải vay nợ để chi thường xuyên đã thành hiện thực buồn! Và, nhiều phương án đã được cơ quan chức năng đề xuất: Dùng tiền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (chừng hơn chục ngàn tỉ); phát hành trái phiếu Chính phủ ra quốc tế (tức đi vay); hay thu hồi số thuế nợ đọng (vốn rất khó) tại nhiều doanh nghiệp v.v.
Nghĩ từ số tiền 45 ngàn tỉ mới thấy con số “tiết kiệm được” từ một dự án giao thông thật “vĩ đại”. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, chỉ thông qua “sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ…” (như lời Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trước Quốc hội), mà đã tiết kiệm được 14.000 tỷ đồng! Có thể suy ngược lại, nếu Quốc hội và Chính phủ không “chỉ đạo, giám sát chặt” thì chẳng còn số tiền trên! Người dân và đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số “tiết kiệm” này là có cơ sở, bởi không hiểu quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư thế nào mà có thể tiết kiệm nhiều tiền đến vậy?
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngay tại Thủ đô đang gây ách tắc giao thông và xảy ra nhiều vụ mất an toàn cũng được dư luận đặt câu hỏi về chi phí. Khi phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau khi tính toán điều chỉnh lại, trượt giá và nhiều nguyên nhân khác, đã tăng thêm 315 triệu USD (hơn 7 ngàn tỉ đồng)!
Đầu tư cho phát triển tốn kém là một lẽ, chi phí xây dựng các trung tâm hành chính (TTHC) và các công trình văn hóa cũng đang là điều đáng lo. Cách đây chưa lâu tỉnh nghèo Sơn La làm dậy sóng dư luận khi dự định xây tượng khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Cần Thơ cũng xin đang Trung ương “cấp” hơn 201 tỷ đồng để xây dựng “Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Học tập các địa phương giàu như Bình Dương, Đà Nẵng… đã có TTHC, tỉnh UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình xin phép xây dựng Khu đô thị, TTHC với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Nghệ An đã chọn phương án xây TTHC tỉnh 2 tòa tháp cao 27 tầng, diện tích 90.000 m2 với chi phí 2.178 tỉ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập quy hoạch xây dựng TTHC tổng mức đầu tư 1.800 - 2.200 tỉ đồng. UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng TTHC rộng hơn 18,7 ha, tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng. “Hoành tráng” nhất có lẽ là TTHC của TP Hải Phòng. UBND thành phố này trình Thủ tướng đề án đầu tư TTHC 10.000 tỷ đồng nhưng “chỉ” xin Trung ương khoản kinh phí có… 8.000 tỉ đồng!
Những con số dự kiến chi trên cho cảm giác ta đang tiêu tiền theo kiểu “nhà giàu”. Người xưa dạy “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè, làm thêm”. Làm ra của “núi” mà chi tiêu không tiết kiệm thì “núi” cũng lở. Các nước giàu như Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật… nên “bái phục” phong cách tiêu tiền của Việt Nam. Các nước giàu ngoài các yếu tố đầu tư, kinh doanh, một nguyên nhân quan trọng là họ cực kì tiết kiệm chi tiêu.
Đòi nợ, vay nợ, “bán” doanh nghiệp nhà nước… để lấy tiền “chữa cháy” chi tiêu không phải giải pháp căn cơ. Tiết kiệm mới là thượng sách cho nguồn ngân sách lâu bền. Với cách chi tiêu “xả láng”, kém hiệu quả như hiện nay thì chuyện vỡ nợ công của ta là tương lai gần.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015
Bài trên Báo Người cao tuổi
Tăng mà giảm, giảm mà tăng
Ở "xứ" ta có những cái lạ. Có
chuyện phấn đấu giảm mãi nhưng càng "cố" lại càng tăng, có việc thì
tăng hoài nhưng xem ra có vẻ lại đang giảm, đó là chuyện tinh giảm biên chế
và việc tăng lương tối thiểu.
Về chuyện tăng lương tối thiểu, chỉ tính
từ 2001 đến nay đã ngót chục lần, từ mức 180.000đ năm 2001 đến nay là
1.150.000đ. Tương tự lương đối tượng chính sách, người nghỉ hưu… cũng được
tăng tương ứng, lần thấp là 8 - 9%, lần cao nhất (năm 2003) là 46%. Tuy
nhiên, lương tối thiểu sau 15 năm, 9 lần với giá trị tuyệt đối tăng gần 7 lần
nhưng hiện vẫn chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu của người lao động.
Nói là tăng lương nhưng có những năm lương tăng chỉ cao bằng mức trượt giá,
lẽ ra chỉ nên gọi là bù trượt giá do lạm phát. Năm 2014 và 2015 lương tối
thiểu đang trì hoãn do chưa có nguồn bảo đảm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng
(nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước…) vẫn
tăng đều đặn. Điều đó đồng nghĩa mức sống người lao động, đối tượng chính
sách, hưu trí vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm...
Cách đây hơn chục năm, cuối thế kỉ trước
Đảng ta đã chủ trương tinh giảm biên chế để giảm áp lực chi tiêu bộ máy hành
chính được coi là tương đối "cồng kềnh" để nâng cao hiệu quả phục
vụ Nhân dân. Mục tiêu là không tăng thêm, phấn đấu giảm 15% số công chức hiện
có. Tuy nhiên, sang thập niên đầu thế kỉ XXI bộ máy công vụ vẫn được nhận
định là khá "cồng kềnh", nhiều địa phương, bộ ngành biên chế không
những không giảm mà lại tăng, có khi còn cao hơn tỉ lệ phấn đấu giảm 15%. Vì
vậy, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản
biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vì sao biên chế ta phấn đấu giảm mãi vẫn
tăng? Nguyên nhân khách quan hay chủ quan? Ai cũng hiểu muốn giảm số công
chức thì bộ máy công vụ phải giảm. Tuy nhiên cơ cấu đơn vị hành chính cấp
tỉnh, huyện của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục trong mấy chục năm qua.
Năm 1976 cả nước có 38 tỉnh, thành phố, sau đó tăng dần, đến năm 2004 là lúc
cao nhất có 64, đến 2008 sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội còn 63 tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương. Cùng với tăng đơn vị hành chính cấp tỉnh thì cấp
huyện, cấp xã cũng tăng, nhất là cấp quận, huyện. Đơn cử như Hà Nội, năm 1975
có 8 quận, huyện. Nay không tính số từ Hà Tây nhập vào thì Hà Nội cũng đã có
16 quận, huyện. Gần đây với lí do đặc thù, Hà Nội đã tách Sở Văn hóa - Thể
thao và Du lịch thành 2 là Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch. Thiết nghĩ,
nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ "tìm ra" đặc thù tương tự Hà
Nội... Các quận, huyện, tỉnh thành cứ nhỏ dần về diện tích, dân cư, tương ứng
toàn cục thì bộ máy ngày một "to ra". Sự "to ra" ấy kéo
theo số người trong bộ máy hành chính ngày thêm "đông đúc". Tiến
trình này xem ra "ngược dòng" với quyết tâm giảm biên chế bộ máy
hành chính. Bộ máy công vụ của Việt Nam ta nghe nói còn "đông" hơn
bên Mỹ! (VN có 2,8 triệu, Mỹ là 2,1 triệu). Ngay nước láng giềng là Trung
Quốc, diện tích gần 9,6 triệu km² (Việt Nam là 331.210 km²), dân số hơn
1,2 tỉ người nhưng cũng chỉ có 33 đơn vị hành chính tỉnh, thành, đặc khu hành
chính… Điều này đáng để ta suy ngẫm, bởi người Việt ta và nhất là đội ngũ
công vụ không phải không thông minh, tài giỏi. Nếu cán bộ công quyền năng lực
tốt lại quản lí những đơn vị hành chính nhỏ bé xem ra không tương xứng và…
lãng phí tài năng!
Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi tư duy
và cách làm trong thực hiện tinh giảm biên chế?
Đinh Hoàng
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)