Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

 "Nhà khó" tiêu tiền 

Có câu "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Khi túng thiếu thì chi tiêu việc gì cũng khó, làm cái nọ phải bỏ cái kia. Việt Nam vừa bước khỏi ngưỡng nước nghèo, chưa phải là "nhà có", vẫn thuộc diện "nhà khó". Vậy “nhà khó” đang tiêu tiền thế nào?  
Người dân thật “choáng” khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT “bộc bạch” trước diễn đàn Quốc hội rằng “ngân sách cho năm 2016 chỉ còn 45 ngàn tỉ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu”! Thì ra ngân sách của ta không phải là “khó” mà đã “kiệt”, làm ra không đủ chi tiêu. Phải vay nợ để chi thường xuyên đã thành hiện thực buồn! Và, nhiều phương án đã được cơ quan chức năng đề xuất: Dùng tiền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (chừng hơn chục ngàn tỉ); phát hành trái phiếu Chính phủ ra quốc tế (tức đi vay); hay thu hồi số thuế nợ đọng (vốn rất khó) tại nhiều doanh nghiệp v.v.
Nghĩ từ số tiền 45 ngàn tỉ mới thấy con số “tiết kiệm được” từ một dự án giao thông thật “vĩ đại”. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, chỉ thông qua “sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ…” (như lời Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trước Quốc hội), mà đã tiết kiệm được 14.000 tỷ đồng! Có thể suy ngược lại, nếu Quốc hội và Chính phủ không “chỉ đạo, giám sát chặt” thì chẳng còn số tiền trên! Người dân và đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số “tiết kiệm” này là có cơ sở, bởi không hiểu quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư thế nào mà có thể tiết kiệm nhiều tiền đến vậy?
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngay tại Thủ đô đang gây ách tắc giao thông và xảy ra nhiều vụ mất an toàn cũng được dư luận đặt câu hỏi về chi phí. Khi phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau khi tính toán điều chỉnh lại, trượt giá và nhiều nguyên nhân khác, đã tăng thêm 315 triệu USD (hơn 7 ngàn tỉ đồng)!
Đầu tư cho phát triển tốn kém là một lẽ, chi phí xây dựng các trung tâm hành chính (TTHC) và các công trình văn hóa cũng đang là điều đáng lo. Cách đây chưa lâu tỉnh nghèo Sơn La làm dậy sóng dư luận khi dự định xây tượng khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Cần Thơ cũng xin đang Trung ương “cấp” hơn 201 tỷ đồng để xây dựng “Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Học tập các địa phương giàu như Bình Dương, Đà Nẵng… đã có TTHC, tỉnh UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình xin phép xây dựng Khu đô thị, TTHC với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Nghệ An đã chọn phương án xây TTHC tỉnh 2 tòa tháp cao 27 tầng, diện tích 90.000 m2 với chi phí 2.178 tỉ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập quy hoạch xây dựng TTHC tổng mức đầu tư 1.800 - 2.200 tỉ đồng. UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng TTHC rộng hơn 18,7 ha, tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng. “Hoành tráng” nhất có lẽ là TTHC của TP Hải Phòng. UBND thành phố này trình Thủ tướng đề án đầu tư TTHC 10.000 tỷ đồng nhưng “chỉ” xin Trung ương khoản kinh phí có… 8.000 tỉ đồng!  
Những con số dự kiến chi trên cho cảm giác ta đang tiêu tiền theo kiểu “nhà giàu”. Người xưa dạy “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè, làm thêm”. Làm ra của “núi” mà chi tiêu không tiết kiệm thì “núi” cũng lở. Các nước giàu như Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật… nên “bái phục” phong cách tiêu tiền của Việt Nam. Các nước giàu ngoài các yếu tố đầu tư, kinh doanh, một nguyên nhân quan trọng là họ cực kì tiết kiệm chi tiêu.
Đòi nợ, vay nợ, “bán” doanh nghiệp nhà nước… để lấy tiền “chữa cháy” chi tiêu không phải giải pháp căn cơ. Tiết kiệm mới là thượng sách cho nguồn ngân sách lâu bền. Với cách chi tiêu “xả láng”, kém hiệu quả như hiện nay thì chuyện vỡ nợ công của ta là tương lai gần. 
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét