Xã hội hóa
Khái
niệm xã hội hóa (XHH) gần đây được nhắc đến quá nhiều. Hình thức huy động
nguồn lực toàn xã hội cho nhiều việc quan trọng đã và đang mang lại hiệu quả
to lớn không thể phủ nhận. Khi thiên tai, bão lụt đổ xuống là người dân cả
nước lại sẵn sàng cảm thông, chia sẻ từng đồng tiền, tấm áo ít ỏi của mình
với đồng bào bị thiệt hại, để họ sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, hiện XHH đang bị lạm dụng. Xin nêu vài câu chuyện về
vấn đề này.
Lĩnh vực y tế những năm qua đã được Chính phủ ưu tiên ngân sách
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên đến nay các bệnh viện từ tuyến huyện trở
lên đều khang trang, từng bước được trang bị kĩ thuật hiện đại. Tuy nhiên,
không ít bệnh viện vẫn phải huy động nguồn lực XHH. Điều lạ là nhiều bệnh
viện chỉ XHH trong đầu tư một số thiết bị như máy xét nghiệm, siêu âm, soi
chụp… Lợi nhuận từ khai thác trang thiết bị này được chia cho chủ đầu tư trên
cơ sở giá trị thiết bị “xã hội hóa”. Vì lợi nhuận nên việc lạm dụng xét
nghiệm ở bệnh viện đã trở nên phổ biến. Mấy năm trước, báo chí đã vào cuộc
phát hiện ra nhiều sản phẩm XHH có hình thức “đầu Ngô, mình Sở”, tem nhãn
châu Âu nhưng thực ra là made in China!
BOT giao thông, một hình thức được nhiều người coi là XHH cũng
đang được dư luận quan tâm. Cộng đồng doanh nghiệp ngoài Nhà nước nếu sẵn
nguồn lực và có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào đầu tư phát triển cơ sở hạ
tầng giao thông quốc gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động này có dấu
hiệu phát triển không đúng bản chất của cụm từ XHH. Vì “miếng bánh” BOT giao
thông nên hầu hết doanh nghiệp thực hiện các dự án đều vượt tầm nguồn vốn tự
có, phải đi vay ngân hàng thương mại để thực hiện, dĩ nhiên lãi vay được tính
vào chi phí đầu tư. Thậm chí có doanh nghiệp đầu tư kiểu “tay không bắt
giặc”, chẳng cần đủ vốn tối thiểu 10-15% theo quy định, cứ vay ngân hàng rồi
thoải mái làm nhiều công trình cùng lúc. Như vậy, chẳng khác gì Nhà nước đi
vay ngân hàng rồi giao cho doanh nghiệp thực hiện. Nếu Nhà nước trực tiếp vay
vốn và giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì việc quản lí chắc chắn sẽ
chặt chẽ hơn, không xảy ra nhiều sai phạm như các dự án BOT vừa được Kiểm
toán Nhà nước chỉ rõ.
Gần đây dư luận ngỡ ngàng khi xảy ra việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh
bị xã hội đen đe dọa, phải cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ mà nguồn cơn xuất
phát từ việc thực hiện các dự án XHH duy tu, nạo vét luồng đường thủy quốc
gia! Không hiểu việc nạo vét luồng sông tốn kém nhiều tiền của thế nào mà Bộ
Giao thông Vận tải cần phải XHH? Chính vì vậy mới có chuyện con sông Cầu
thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh hàng chục năm qua chưa xảy ra vụ tàu thuyền mắc
cạn nào, vậy mà ròng rã 3 năm nay hàng chục tàu hút cát hoạt động hối hả suốt
ngày đêm nạo vét đáy sông để… thông luồng!
Có chuyên
gia đã chỉ rõ: Các nhà đầu tư BOT hiện nay đang mượn uy tín của nhà
nước, dùng vốn vay của ngân hàng để thực hiện dự án và đem lợi nhuận về
cho doanh nghiệp. Thực chất hoạt động XHH đang bị các nhóm lợi ích làm biến
tướng, trục lợi và có nơi đã “chuyển màu” thành xã hội… đen!
Đinh
Hoàng
Bài đăng Báo Điện tử ngaymoionline.vn
|
Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017
Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017
Cứu
sinh hay hủy hoại môi trường?
Ban đầu là câu chuyện người anh em chú bác với
Đức Phật cứu sống, chăm sóc rồi thả về tự nhiên một con chim thiên nga gặp
nạn, Phật tử gọi đó là phóng sinh. Theo quan niệm nhà Phật, phóng sinh là cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi
cảnh khổ đau, sợ hãi bởi thế “cá chậu, chim lồng”, bị tra tấn hành hạ. Bằng
tâm Phật dùng mọi cách mang lại sự sống, sự bình an cho chúng sinh đang bị đe
dọa đến tính mạng… đó chính là cứu sinh.
Một một tấm gương, một tư tưởng nhân đạo nay
đang phát triển theo chiều hướng khác với ý nghĩa ban đầu. Hiện nay tại nhiều
địa phương phía Bắc, cứ mồng Một, hôm Rằm, dịp lễ tết là chuyện phóng sinh
diễn ra rất tấp nập. Ở Hồ Tây (TP Hà Nội) vào những ngày lễ, Tết Ông Táo, đầu
tháng âm lịch nhiều người thường mang các loài thủy sinh đến đây để phóng
sinh. Có những nhóm Phật tử dùng cả xe tải chở đến hàng chục thùng đựng cá
trê, chạch, ốc… trút xuống hồ để phóng sinh.
Những động vật trước khi được phóng sinh có lẽ
chúng đang có cuộc sống bình yên. Vậy
mà bỗng dưng bị con người đánh bắt để mang đi hành lễ rồi làm cái việc mang
tên nhân văn là phóng sinh. Trong quá trình bắt, vận chuyển đến nơi phóng
sinh, nhiều con vật đã bị chết. Những con còn sống sau khi được phóng sinh do
môi trường nước lạ và ô nhiễm nên hầu hết cũng không thể sống được lâu. Vậy là phóng sinh thực ra đối với nhiều động vật đó là quá trình bị hành hạ
và sát sinh!
Một nguy hại của việc phóng sinh, đó là việc
phát tán sinh vật ngoại lai, sau đó chúng phát triển mất kiểm soát, phá hoại
môi trường tự nhiên, gây hậu quả nặng nề cho sản xuất, chăn nuôi. Bài học ốc
bươu vàng, rùa tai đỏ, cá dọn kính… chưa thể khắc phục triệt để thì gần đây
các sinh vật ngoại lai mới như cá chim trắng, tôm hùm đỏ nước ngọt được phóng
sinh và thả nuôi tùy tiện làm dư luận hết sức lo ngại.
Việc phóng sinh sau khi thờ cúng chỉ mang tính
tượng trưng với ý nghĩa giáo dục, nhắc con người ta sống trừ ác, hướng thiện.
Đây hoàn toàn không phải sự đổi chác với thần linh (phóng sinh nhiều mong đổi
lại được nhiều phúc, lộc).
Thiết nghĩ, cơ
quan chức năng và chính quyền các địa phương cần có quy định cụ thể trong
việc phóng sinh, thả nuôi các sinh vật vào môi trường (nên quy định rõ những
loại nào được phóng sinh, loại nào nghiêm cấm và định hướng nên phóng sinh
các hải sản có ích, đã được thả nuôi phổ biến…). Mặt khác cần tuyên truyền
người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc làm này.
Hãy giữ cho
môi trường trong sạch bằng bảo vệ sự sống muôn loài như chúng đang tồn tại,
sinh sống, đó chính là việc làm thiện tâm, nhân văn. Việc thu gom, đánh bắt
rồi đem phóng sinh không phải là cứu sinh mà chính là đang hủy hoại môi
trường sống./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo
Người cao tuổi ngày 14/3/2017
|
Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017
Chuyện
"chân giò, chai rượu"
Thành ngữ có câu
"ông đưa chân giò, bà thò chai rượu" ý nói mối quan hệ "có đi
có lại mới toại lòng nhau" trong xã hội.
Phải chăng tật
tham nhũng vặt cũng xuất phát từ quan niệm này? Đi khám bệnh, vào nằm viện mà
không có cái "phong bì" dúi vào tay bác sĩ là không yên tâm. Mà
nhiều trường hợp đúng là không thể yên tâm. Tôi có anh bạn nằm viện phẫu
thuật từng kể khi thay băng bị cô y tá làm mạnh tay, lần nào cũng đau điếng.
Sau được người bạn nằm giường cạnh bảo: "Thế anh có "lì xì"
cho y tá tí chút không". Theo lời khuyên lần sau anh đã dúi mấy chục
nghìn cho cô y tá đó trước lúc thay băng và quả nhiên cảm giác êm dịu, khác
hẳn!
Một trong 2 xe ô tô mà doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau phục vụ mục đích công vụ
Cũng trong sự
"ám ảnh" chuyện “chân giò, chai rượu” mà nhiều phụ huynh học sinh
cảm thấy bất an mỗi khi đến ngày kỉ niệm, ngày lễ mà không đến thăm và có
chút quà cho thầy, cô giáo. Rồi "lây" sang cả chuyện khác như cô mở
lớp dạy thêm riêng mà không cho con em theo học cũng chẳng yên lòng dù con
mình có lực học tốt. Ai cũng nghĩ vậy, lâu dần những chuyện như thế trở thành
"tục lệ".
Tình có thể
"cho không, biếu không" như lời một bài hát. Vật chất thì rất khó
có thể ai cho không ai cái gì, nhất là khi chẳng phải họ hàng, thân thuộc.
Xưa, vua Hùng thứ 18 rất cưng chiều vợ chồng Mai An Tiêm
thường cho nhiều hơn các con rể khác. An Tiêm vốn là nông dân chất phác, thật
thà đã trót nói câu "của biếu là của lo, của cho là của nợ". Chuyện
đến tai khiến vua cha nổi giận, trách phạt đày cả nhà An Tiêm ra ngoài đảo.
Tình cha con còn không tránh khỏi cái luật "biếu lo, cho nợ", nói
chi chuyện người dưng bỗng nhiên cho, biếu tài sản lớn?
Nhiều ngày qua
dư luận xôn xao chuyện doanh nghiệp biếu cơ quan chính quyền tài sản khủng ở
TP Đà Nẵng, ở tỉnh Cà Mau (và có lẽ không chỉ riêng ở 2 địa phương này). Một
doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh, phải ứng 25 tỉ đồng từ ngân
sách mà dám bỏ ra hơn 6 tỉ mua ô tô đắt tiền tặng chính quyền tỉnh! Đó nếu
không gọi là chuyện lạ thì là gì? Liệu doanh nghiệp ấy có "thân
thiết" quá mức với cơ quan tỉnh? Chỉ cần nhìn động thái đó, các doanh
nghiệp khác "chưa thân thiết" với chính quyền không khỏi e ngại về
“thân phận” của mình trong môi trường cạnh tranh. Cuối tuần qua, sau khi có
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau và Đà Nẵng đã trả lại doanh nghiệp
những chiếc xe đắt tiền. Mong rằng các địa phương có việc tương tự mà chưa
được dư luận điểm tên sẽ tự giác noi gương.
Xe công của Đà Nẵng do DN tặng
Chính quyền có thể ví như người đỡ đầu cho
nền sản xuất, kinh doanh của địa phương đồng thời cũng như người trọng tài
trên một sân đấu. Khi mà "trọng tài" lại nhận chiếc "chân
giò" từ một "cầu thủ" thì liệu có tồn tại cuộc chơi khách
quan? Một chính quyền liêm chính không thể dễ dãi, tùy tiện trong việc nhận
quà từ một doanh nghiệp nào đó, dù là động cơ thực sự trong sáng. Một chính
quyền kiến tạo thì phải công tâm, khách quan, không thể ưu ái riêng với bất
kì doanh nghiệp nào.
Liệu chuyện
"chân giò, chai rượu" có liên quan gì đến lợi ích của những cá nhân
trong đội ngũ công quyền? Mong câu hỏi này không chỉ có người trong cuộc mới
biết!
Đinh Hoàng
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)