Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

 Cứu sinh hay hủy hoại môi trường?

Ban đầu là câu chuyện người anh em chú bác với Đức Phật cứu sống, chăm sóc rồi thả về tự nhiên một con chim thiên nga gặp nạn, Phật tử gọi đó là phóng sinh. Theo quan niệm nhà Phật, phóng sinh là cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ đau, sợ hãi bởi thế “cá chậu, chim lồng”, bị tra tấn hành hạ. Bằng tâm Phật dùng mọi cách mang lại sự sống, sự bình an cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng… đó chính là cứu sinh.
Một một tấm gương, một tư tưởng nhân đạo nay đang phát triển theo chiều hướng khác với ý nghĩa ban đầu. Hiện nay tại nhiều địa phương phía Bắc, cứ mồng Một, hôm Rằm, dịp lễ tết là chuyện phóng sinh diễn ra rất tấp nập. Ở Hồ Tây (TP Hà Nội) vào những ngày lễ, Tết Ông Táo, đầu tháng âm lịch nhiều người thường mang các loài thủy sinh đến đây để phóng sinh. Có những nhóm Phật tử dùng cả xe tải chở đến hàng chục thùng đựng cá trê, chạch, ốc…  trút xuống hồ để phóng sinh.
Những động vật trước khi được phóng sinh có lẽ chúng đang có cuộc sống  bình yên. Vậy mà bỗng dưng bị con người đánh bắt để mang đi hành lễ rồi làm cái việc mang tên nhân văn là phóng sinh. Trong quá trình bắt, vận chuyển đến nơi phóng sinh, nhiều con vật đã bị chết. Những con còn sống sau khi được phóng sinh do môi trường nước lạ và ô nhiễm nên hầu hết cũng không thể sống được lâu. Vậy là phóng sinh thực ra đối với nhiều động vật đó là quá trình bị hành hạ và sát sinh!
Một nguy hại của việc phóng sinh, đó là việc phát tán sinh vật ngoại lai, sau đó chúng phát triển mất kiểm soát, phá hoại môi trường tự nhiên, gây hậu quả nặng nề cho sản xuất, chăn nuôi. Bài học ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá dọn kính… chưa thể khắc phục triệt để thì gần đây các sinh vật ngoại lai mới như cá chim trắng, tôm hùm đỏ nước ngọt được phóng sinh và thả nuôi tùy tiện làm dư luận hết sức lo ngại.
Việc phóng sinh sau khi thờ cúng chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa giáo dục, nhắc con người ta sống trừ ác, hướng thiện. Đây hoàn toàn không phải sự đổi chác với thần linh (phóng sinh nhiều mong đổi lại được nhiều phúc, lộc).
          Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần có quy định cụ thể trong việc phóng sinh, thả nuôi các sinh vật vào môi trường (nên quy định rõ những loại nào được phóng sinh, loại nào nghiêm cấm và định hướng nên phóng sinh các hải sản có ích, đã được thả nuôi phổ biến…). Mặt khác cần tuyên truyền người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc làm này. 
Hãy giữ cho môi trường trong sạch bằng bảo vệ sự sống muôn loài như chúng đang tồn tại, sinh sống, đó chính là việc làm thiện tâm, nhân văn. Việc thu gom, đánh bắt rồi đem phóng sinh không phải là cứu sinh mà chính là đang hủy hoại môi trường sống./. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 14/3/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét