Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Xã hội hóa

Khái niệm xã hội hóa (XHH) gần đây được nhắc đến quá nhiều. Hình thức huy động nguồn lực toàn xã hội cho nhiều việc quan trọng đã và đang mang lại hiệu quả to lớn không thể phủ nhận. Khi thiên tai, bão lụt đổ xuống là người dân cả nước lại sẵn sàng cảm thông, chia sẻ từng đồng tiền, tấm áo ít ỏi của mình với đồng bào bị thiệt hại, để họ sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, hiện XHH đang bị lạm dụng. Xin nêu vài câu chuyện về vấn đề này.
Lĩnh vực y tế những năm qua đã được Chính phủ ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên đến nay các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều khang trang, từng bước được trang bị kĩ thuật hiện đại. Tuy nhiên, không ít bệnh viện vẫn phải huy động nguồn lực XHH. Điều lạ là nhiều bệnh viện chỉ XHH trong đầu tư một số thiết bị như máy xét nghiệm, siêu âm, soi chụp… Lợi nhuận từ khai thác trang thiết bị này được chia cho chủ đầu tư trên cơ sở giá trị thiết bị “xã hội hóa”. Vì lợi nhuận nên việc lạm dụng xét nghiệm ở bệnh viện đã trở nên phổ biến. Mấy năm trước, báo chí đã vào cuộc phát hiện ra nhiều sản phẩm XHH có hình thức “đầu Ngô, mình Sở”, tem nhãn châu Âu nhưng thực ra là made in China!
BOT giao thông, một hình thức được nhiều người coi là XHH cũng đang được dư luận quan tâm. Cộng đồng doanh nghiệp ngoài Nhà nước nếu sẵn nguồn lực và có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động này có dấu hiệu phát triển không đúng bản chất của cụm từ XHH. Vì “miếng bánh” BOT giao thông nên hầu hết doanh nghiệp thực hiện các dự án đều vượt tầm nguồn vốn tự có, phải đi vay ngân hàng thương mại để thực hiện, dĩ nhiên lãi vay được tính vào chi phí đầu tư. Thậm chí có doanh nghiệp đầu tư kiểu “tay không bắt giặc”, chẳng cần đủ vốn tối thiểu 10-15% theo quy định, cứ vay ngân hàng rồi thoải mái làm nhiều công trình cùng lúc. Như vậy, chẳng khác gì Nhà nước đi vay ngân hàng rồi giao cho doanh nghiệp thực hiện. Nếu Nhà nước trực tiếp vay vốn và giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì việc quản lí chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn, không xảy ra nhiều sai phạm như các dự án BOT vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Lực lượng chức năng kiểm tra các tàu hút cát tại sông Cầu
Gần đây dư luận ngỡ ngàng khi xảy ra việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị xã hội đen đe dọa, phải cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ mà nguồn cơn xuất phát từ việc thực hiện các dự án XHH duy tu, nạo vét luồng đường thủy quốc gia! Không hiểu việc nạo vét luồng sông tốn kém nhiều tiền của thế nào mà Bộ Giao thông Vận tải cần phải XHH? Chính vì vậy mới có chuyện con sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh hàng chục năm qua chưa xảy ra vụ tàu thuyền mắc cạn nào, vậy mà ròng rã 3 năm nay hàng chục tàu hút cát hoạt động hối hả suốt ngày đêm nạo vét đáy sông để… thông luồng!  
          Có chuyên gia đã chỉ rõ: Các nhà đầu tư BOT hiện nay đang mượn uy tín của nhà nước, dùng vốn vay của ngân hàng để thực hiện dự án và đem lợi nhuận về cho doanh nghiệp. Thực chất hoạt động XHH đang bị các nhóm lợi ích làm biến tướng, trục lợi và có nơi đã “chuyển màu” thành xã hội… đen!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Điện tử ngaymoionline.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét