Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

 Chuyện "chân giò, chai rượu"

Thành ngữ có câu "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu" ý nói mối quan hệ "có đi có lại mới toại lòng nhau" trong xã hội.
Phải chăng tật tham nhũng vặt cũng xuất phát từ quan niệm này? Đi khám bệnh, vào nằm viện mà không có cái "phong bì" dúi vào tay bác sĩ là không yên tâm. Mà nhiều trường hợp đúng là không thể yên tâm. Tôi có anh bạn nằm viện phẫu thuật từng kể khi thay băng bị cô y tá làm mạnh tay, lần nào cũng đau điếng. Sau được người bạn nằm giường cạnh bảo: "Thế anh có "lì xì" cho y tá tí chút không". Theo lời khuyên lần sau anh đã dúi mấy chục nghìn cho cô y tá đó trước lúc thay băng và quả nhiên cảm giác êm dịu, khác hẳn!


Một trong 2 xe ô tô mà doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau phục vụ mục đích công vụ

Cũng trong sự "ám ảnh" chuyện “chân giò, chai rượu” mà nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy bất an mỗi khi đến ngày kỉ niệm, ngày lễ mà không đến thăm và có chút quà cho thầy, cô giáo. Rồi "lây" sang cả chuyện khác như cô mở lớp dạy thêm riêng mà không cho con em theo học cũng chẳng yên lòng dù con mình có lực học tốt. Ai cũng nghĩ vậy, lâu dần những chuyện như thế trở thành "tục lệ".
Tình có thể "cho không, biếu không" như lời một bài hát. Vật chất thì rất khó có thể ai cho không ai cái gì, nhất là khi chẳng phải họ hàng, thân thuộc. Xưa, vua Hùng thứ 18 rất cưng chiều vợ chồng Mai An Tiêm thường cho nhiều hơn các con rể khác. An Tiêm vốn là nông dân chất phác, thật thà đã trót nói câu "của biếu là của lo, của cho là của nợ". Chuyện đến tai khiến vua cha nổi giận, trách phạt đày cả nhà An Tiêm ra ngoài đảo. Tình cha con còn không tránh khỏi cái luật "biếu lo, cho nợ", nói chi chuyện người dưng bỗng nhiên cho, biếu tài sản lớn?
Nhiều ngày qua dư luận xôn xao chuyện doanh nghiệp biếu cơ quan chính quyền tài sản khủng ở TP Đà Nẵng, ở tỉnh Cà Mau (và có lẽ không chỉ riêng ở 2 địa phương này). Một doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh, phải ứng 25 tỉ đồng từ ngân sách mà dám bỏ ra hơn 6 tỉ mua ô tô đắt tiền tặng chính quyền tỉnh! Đó nếu không gọi là chuyện lạ thì là gì? Liệu doanh nghiệp ấy có "thân thiết" quá mức với cơ quan tỉnh? Chỉ cần nhìn động thái đó, các doanh nghiệp khác "chưa thân thiết" với chính quyền không khỏi e ngại về “thân phận” của mình trong môi trường cạnh tranh. Cuối tuần qua, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau và Đà Nẵng đã trả lại doanh nghiệp những chiếc xe đắt tiền. Mong rằng các địa phương có việc tương tự mà chưa được dư luận điểm tên sẽ tự giác noi gương.


Xe công của Đà Nẵng do DN tặng

 Chính quyền có thể ví như người đỡ đầu cho nền sản xuất, kinh doanh của địa phương đồng thời cũng như người trọng tài trên một sân đấu. Khi mà "trọng tài" lại nhận chiếc "chân giò" từ một "cầu thủ" thì liệu có tồn tại cuộc chơi khách quan? Một chính quyền liêm chính không thể dễ dãi, tùy tiện trong việc nhận quà từ một doanh nghiệp nào đó, dù là động cơ thực sự trong sáng. Một chính quyền kiến tạo thì phải công tâm, khách quan, không thể ưu ái riêng với bất kì doanh nghiệp nào.
Liệu chuyện "chân giò, chai rượu" có liên quan gì đến lợi ích của những cá nhân trong đội ngũ công quyền? Mong câu hỏi này không chỉ có người trong cuộc mới biết!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét